Đê Mỹ Hà “kêu cứu”!

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:35, 05/07/2013

(HNM) -

"Phố đường đê"

Bao đời nay, đê sông là tấm lá chắn vững chắc bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trước lũ lụt bất thường. Việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những con đê, nhất là những tuyến đê xung yếu luôn là ưu tiên số một. Trước mùa mưa bão, TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị, địa phương xây dựng phương án phòng chống lụt bão, ngập úng, phòng hộ đê, bảo đảm xong trước ngày 31-5, trong đó kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm đê điều. Thế nhưng, đi dọc con đường đê sông Mỹ Hà qua thôn Ải (xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức) là cả khu chợ tấp nập, nhà ở, hàng quán san sát, vì thế người dân địa phương gọi đây là "phố đường đê". Không những thế, hằng ngày xe tải chở đất đá, vật liệu xây dựng chạy rầm rầm càng làm cho con đê nhỏ vốn đã bị xâm chiếm một phần nay tiếp tục oằn mình "gánh" hàng nghìn lượt xe tải mỗi ngày. Điều đó cho thấy tình trạng thiếu kiên quyết trong việc xử lý các vụ vi phạm đê điều của chính quyền sở tại đã đến hồi báo động.

Hàng loạt công trình vi phạm lấn lòng sông Mỹ Hà.


Đứng trên cầu Phú Hiền nhìn xuống, dòng sông Mỹ Hà kín đặc bèo lục bình và rác thải. Bên bờ đê, những ngôi nhà 2 tầng, 3 tầng xây dựng lấn ra lòng sông Mỹ Hà, cái thò cái thụt, nhiều nhà xây đã cũ nhưng cũng có rất nhiều ngôi nhà khung bê tông cốt thép mới đang được hối hả xây dựng. Ngay đầu cầu Mỹ Hà là một đống đá lớn được người dân đổ lấn xuống lòng sông, kè làm móng chuẩn bị xây nhà.

Bà Lê Thị Thi, người dân xóm 4 xã Hợp Thanh cho biết, các hộ dân ở đây lấn đê xây nhà từ lâu rồi, giờ họ còn xây cả nhà bê tông kiên cố 3, 4 tầng nữa. Không thấy ai cấp phép xây nhà trên đê nhưng người này làm được thì người kia cũng làm theo. "Bên thôn Ải kia người ta lấn chiếm hết cả bờ đê rồi, chúng tôi biết thế thôi chứ kêu ai. Cứ đà này, mùa mưa đến, nước ngập thì người dân chẳng biết chạy đi đâu…" - bà Thanh bức xúc nói thêm.

Việc xây dựng nhà lấn lòng sông Mỹ Hà không chỉ làm hư hại hệ thống đê điều, hệ thống tiêu thoát nước chung của thành phố mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng vạn người dân đang sinh sống tại lưu vực sông Mỹ Hà. Ông Lương Văn Sang, nhà ngay chân cầu Phú Hiền cho biết, ông đã sống hơn 60 năm bên dòng sông này. Bình thường sông Mỹ Hà êm đềm là vậy nhưng khi có lũ từ đập Quan Sơn đổ về, nước dâng lên rất cao, có khi lên đến mặt cầu Phú Hiền. Ông Sang buồn rầu than phiền: "Người dân mong muốn chính quyền xử lý dứt điểm công trình xây dựng lấn chiếm hành lang đê, lòng sông. Để như bây giờ, cứ một gia đình làm được nhà là tất cả làm theo, không ai quản lý, sông Mỹ Hà chẳng mấy chốc trở thành con sông chết".

Vi phạm do "lịch sử để lại"?

Hàng chục năm qua, sông Mỹ Hà là tuyến tiêu thoát lũ quan trọng từ tỉnh Hòa Bình chảy qua 5 xã của huyện Mỹ Đức, dài 12km đổ về xuôi. Mấy năm nay, tình trạng lấn chiếm hành lang đê diễn ra ngày càng phức tạp. Theo thống kê chưa đầy đủ của chính quyền xã Hợp Thanh, toàn xã có tới hơn 150 công trình nhà ở của dân xây dựng lấn chiếm hành lang đê, lòng sông, đe dọa an toàn đê Mỹ Hà.

Làm việc với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh Nguyễn Văn Duân thừa nhận tình trạng xây dựng lấn chiếm lòng sông xảy ra từ nhiều năm trước nên việc giải tỏa hiện nay gặp khó khăn. Ông Duân nói rằng: "Những vi phạm này do lãnh đạo tiền nhiệm để lại. Giờ, chúng tôi yêu cầu các hộ vi phạm giữ nguyên hiện trạng, không tiếp tục xây dựng mới hay cơi nới công trình". Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến một số ngôi nhà đang xây mới thì ông Chủ tịch xã lại biện minh: "Chính quyền xã có lập biên bản đình chỉ rồi nhưng do bức bối về chỗ ở nên họ vẫn xây dựng lén lút. Đối với các công trình vi phạm, chính quyền xã yêu cầu các hộ làm cam kết giữ nguyên hiện trạng để UBND xã báo cáo... phương án làm sao để cho người dân có chỗ ở nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều".

Ông Duân thừa nhận, việc để xảy ra vi phạm trách nhiệm trước tiên thuộc về chính quyền xã Hợp Thanh còn nể nang, né tránh, phần khác do "lịch sử để lại". Để giải quyết thực trạng này, xã cần có sự phối hợp và hỗ trợ của huyện và thành phố.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Xuân Cành khẳng định, việc xâm hại đê điều ở Mỹ Đức là vấn đề nan giải, không chỉ ở riêng tuyến đê sông Mỹ Hà, mà còn ở các khu vực khác như: Đê sông Tích, sông Đáy… ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống lụt bão của huyện. Về nguyên nhân, ông Cành giải thích: "Trước đây, chính quyền xã Hợp Thanh giao đất cho dân nằm trong hành lang bảo vệ đê để xây dựng nhà ở. Có khoảng 60-70 hộ dân được giao đất theo diện này, mỗi hộ vài chục mét vuông. Lợi dụng sự buông lỏng của chính quyền địa phương, người dân đua nhau cơi nới hoặc lấn chiếm xây dựng công trình lấn lòng sông Mỹ Hà. Tiền lệ đó khiến bờ tả tuyến đê Mỹ Hà quá tải, với các vụ vi phạm đê điều triền miên. Có dân cư sinh sống, có công trình xây dựng, ắt có xe tải chở nguyên vật liệu và phế thải xây dựng ra vào, khiến thân đê càng yếu. UBND huyện đã yêu cầu chính quyền địa phương ngăn chặn và xử lý dứt điểm các trường hợp mới vi phạm". Trả lời câu hỏi: UBND huyện Mỹ Đức có biện pháp gì để xử lý tình trạng hàng chục kilômét đê bị "xẻ thịt"? Ông Lê Xuân Cành khẳng định: "UBND huyện đã thống kê các dạng công trình vi phạm trên tuyến đê này. Sau khi có ý kiến của cơ quan chuyên môn, chúng tôi sẽ xử lý dứt điểm nhằm bảo đảm việc tiêu thoát, an toàn cho tuyến đê. Việc xử lý các công trình vi phạm cũng phải đúng theo trình tự của Luật Đất đai. Vấn đề này cũng cần có thời gian, chứ không thể giải quyết trong một sớm một chiều...".

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hà Đức Trung thì tới đây, lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, không chỉ riêng ở huyện Mỹ Đức. Ông Trung cho rằng, bên cạnh các vụ vi phạm mới phát sinh, cũng cần nhìn nhận đến những trường hợp tồn tại do lịch sử để lại khi mở rộng mặt đê qua các khu dân cư lâu đời. Thành phố đã giao cho Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, tổng hợp lại tất cả các tuyến đê trên địa bàn thành phố. Sau khi có thống kê cụ thể sẽ xem xét và đưa ra giải pháp xử lý cho phù hợp.

Mùa mưa bão đang cận kề, vi phạm trên các tuyến đê của huyện Mỹ Đức vẫn mặc nhiên tồn tại chưa biết đến bao giờ mới được xử lý dứt điểm. Bên cạnh nhận thức yếu kém của người dân thì sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở vô hình tiếp tay cho việc xâm hại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê điều. Nếu chính quyền địa phương và các ngành chức năng thành phố không sớm giải quyết vụ việc, Hà Nội đứng trước nguy cơ có thêm một "dòng sông chết". Khi đó, sông Mỹ Hà thơ mộng, có chức năng tiêu thoát lũ khi mùa mưa đến sẽ chỉ còn trong ký ức của nhiều người.

Nguyễn Hoàng