Yêu cầu Bộ NN và PTNT hủy bỏ các quy định trái luật trong Thông tư 55
Đời sống - Ngày đăng : 10:12, 04/07/2013
Ảnh minh họa |
Theo quan điểm của Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật, một số nội dung của Thông tư này chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, theo quy định tại Điều 31 Thông tư số 55 thì dù các lô hàng thủy sản xuất khẩu bao gồm cả các lô hàng xuất khẩu đã được lấy mẫu kiểm nghiệm, cấp chứng thư bảo đảm chất lượng của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam, nhưng khi nước nhập khẩu cảnh báo về chất lượng đối với trên 3 lô hàng cùng nhóm sản phẩm trong 6 tháng thì cơ sở sản xuất bị tạm ngừng xuất khẩu vào nước nhập khẩu. Trong khi đó, trên thực tế, nhiều trường hợp chất lượng của sản phẩm chưa đến mức đe dọa đến sự an toàn của người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường như quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Vì vậy, việc đưa ra quy định trên của Thông tư số 55 là không phù hợp với quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, việc làm của người lao động, khách hàng của doanh nghiệp... Mặt khác, đối chiếu với các quy định của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hiện hành, không có nội dung nào cho phép áp dụng biện pháp “tạm ngừng xuất khẩu” khi có cảnh báo về An toàn thực phẩm như quy định tại Điều 31 của Thông tư số 55.
Bên cạnh nội dung trái pháp luật kể trên, còn một loạt điều khoản cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể, cần làm rõ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do, chứng nhận y tế, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ hoặc giấy chứng nhận khác có liên quan đối với thực phẩm xuất khẩu trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu là ai, trong trường hợp cụ thể nào. Nếu không, sẽ xảy ra tình trạng, khi có bất kỳ yêu cầu nào từ phía nước nhập khẩu thì cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đều kiểm tra, lấy mẫu, kiểm nghiệm. Điều này có thể dẫn đến tần suất và lấy mẫu kiểm nghiệm quá nhiều, gây khó khăn, tốn kém cho cơ sở sản xuất.
Cũng theo Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư số 55 (các Điều 33, 38, 39, 40) còn quy định chung chung trách nhiệm nộp phí lấy mẫu và kiểm nghiệm thực phẩm để kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm và lệ phí theo quy định pháp luật. Đồng thời, chưa quy định cụ thể trách nhiệm chịu chi phí của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc yêu cầu lấy mẫu và kiểm nghiệm thực phẩm để kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm. Điều này dẫn đến một số trường hợp việc kiểm nghiệm thực phẩm được thực hiện để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nhưng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu chi phí cho việc lấy mẫu và kiểm nghiệm.