Vẫn nặng lòng với sơn mài

Văn hóa - Ngày đăng : 07:42, 04/07/2013

(HNM) - Khó khăn kinh tế còn dai dẳng, các sự kiện mỹ thuật được tổ chức một cách

Triển lãm "Sơn ta" của 2 giảng viên và 7 cựu sinh viên ngành sơn mài Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội vừa khai mạc ngày 2-7, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) là một sự cố gắng đúng nghĩa.

Tác phẩm “Mai Châu” của họa sĩ Nguyễn Kim Đồng.



Triển lãm tranh sơn mài nói trên mang tên "Sơn ta", được các đồng nghiệp, bạn bè và báo chí khích lệ.

Ra trường đã 4-5 năm nay, mỗi người mỗi việc và như tâm sự có phần bùi ngùi của các nghệ sĩ thì học ra không phải ai cũng theo được nghề. "Trong số các họa sĩ ở đây, một bạn làm tại Bảo tàng Mỹ thuật, một chị đi dạy, còn lại đều hoạt động tự do" - họa sĩ Hà Huy Mười cho biết. "Chúng tôi may mắn vẫn được làm nghề, tất nhiên là gặp không ít khó khăn. Tổ chức triển lãm lần này, mọi người muốn ghi nhớ về khoa sơn mài, về Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp. Động viên nhau và cũng hy vọng khích lệ các bạn trẻ phần nào, vì bây giờ ít người thi vào ngành sơn mài quá!".

Với lòng tri ân, các họa sĩ đã mời họa sĩ - giảng viên sơn mài Phạm Chính Trung nhập cuộc "Sơn ta". Ngoài tình cảm thầy - trò thì thầy Trung còn là giảng viên lâu năm và tâm huyết với nghề, giàu kiến thức về sơn mài, cũng là người gắn bó với nhiều học trò sau khi họ ra trường. Điều quý giá nữa là các nghệ sĩ trẻ được gia đình cố họa sĩ - giảng viên Nguyễn Kim Đồng (1922-2009) tạo điều kiện cho đưa tranh của thầy đến bày trong triển lãm. Chuyện này vốn không dễ, bởi gia đình giữ tác phẩm của thầy rất cẩn thận, nhất là sau khi thầy qua đời.

"Từ Trưởng khoa đầu tiên - họa sĩ Nguyễn Kim Đồng, cho đến lớp học trò chúng tôi tiếp bước thầy đứng lên bục giảng, rồi đến thế hệ các em, lần đầu tiên có một triển lãm tập hợp được anh em họa sĩ là cựu sinh viên ngành sơn mài. Rất hiếm hoi" - họa sĩ, giảng viên Phạm Chính Trung nói. Có lẽ bởi suy nghĩ ấy mà khi học sinh mở lời, ông đã đồng ý ngay. Ông nói thêm: "Mừng vì từ khi ra trường đến nay, mọi người vẫn có thể dành thời gian, tâm sức sáng tác. Càng mừng hơn khi xem tranh các em mà giờ đã là những họa sĩ đồng nghiệp với chúng tôi, thấy mọi người trung thành với chất liệu sơn mài, với những điều đã học, lại biết bổ sung những điểm mới, độc đáo. Điều này rất quan trọng!".

51 tác phẩm tranh sơn mài của 7 họa sĩ Đặng Phương Thảo, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Đức Đàn, Hà Huy Mười, Trần Ngọc Hưng, Nguyễn Xuân Lục, Phí Văn Công cùng 2 họa sĩ - giảng viên đã thể hiện sinh động cuộc sống nhiều màu vẻ, những vùng miền và không gian văn hóa khác nhau. Có những tác phẩm thiên về tả thực, biểu lộ cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, con người hài hòa với cây cỏ, thuần hậu, trong sáng. Một số tác phẩm nghiêng theo hướng trừu tượng, gợi suy tưởng... Thế mạnh thể loại được khéo léo vận dụng, phát huy để tạo nên những mảng màu khi thâm trầm, sâu thẳm, đan xen tầng lớp, khi long lanh, rực rỡ như đang tỏa sáng. Mỗi tác giả đều đã góp mặt trong "Sơn ta" bằng một số tác phẩm tâm đắc trong mấy năm qua.

Thực hiện triển lãm toàn tranh sơn mài, các họa sĩ muốn tiếp tục tôn vinh một thể loại hội họa mang đậm bản sắc Việt Nam, từng có lúc rực sáng nhờ thế hệ họa sĩ tài năng của Trường Mỹ thuật Đông Dương, đến giờ vẫn sống bền bỉ và khiến cho người yêu tranh trên thế giới mê đắm.

Lưu Nguyễn