Siết chặt kỷ cương, nêu cao tinh thần tự giác

Chính trị - Ngày đăng : 05:53, 04/07/2013

(HNM) - Đổi mới sinh hoạt chi bộ là công việc thường xuyên nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) và làm tốt công tác quản lý, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên. Tuy nhiên, đối với nhiều đảng bộ trực thuộc Thành ủy Hà Nội hiện nay, đây vẫn là việc khó.

Việc đổi mới sinh hoạt chi bộ theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TƯ ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư đã được các đảng bộ trực thuộc Thành ủy Hà Nội coi trọng. Đến nay, khối quận, huyện, thị xã đã duy trì nền nếp sinh hoạt Đảng. Nhiều đảng bộ đã phân công nhiệm vụ cho ủy viên thường vụ, cấp ủy viên về sinh hoạt cùng với cơ sở nhằm mục đích vừa nắm bắt tình hình, vừa hướng dẫn, kiểm tra, giám sát. Huyện ủy Thường Tín đã làm khá tốt công tác này, góp phần duy trì nền nếp sinh hoạt Đảng, kịp thời nắm bắt, giải quyết các vấn đề bức xúc, phức tạp phát sinh từ cơ sở. Huyện ủy Đông Anh đã chỉ đạo các chi bộ Đảng đổi mới việc ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương như thực hiện tốt việc cưới, việc tang văn minh...

Ở các đảng bộ khối, do đặc thù có nhiều loại hình TCCSĐ, nhất là các TCCSĐ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, chất lượng sinh hoạt Đảng vẫn còn mức độ. Đảng ủy khối Công nghiệp Hà Nội thừa nhận, việc duy trì nền nếp sinh hoạt chi bộ của không ít TCCSĐ còn khó, chưa nói đến yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt. Bí thư Đảng ủy khối Nguyễn Đức Hưng cho biết, đến nay chỉ có 70% TCCSĐ duy trì nền nếp sinh hoạt; 30% (39/131 TCCSĐ) không duy trì sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Đây cũng là tình trạng chung ở Đảng bộ khối Du lịch Hà Nội - nơi có nhiều TCCSĐ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Hầu hết các chi bộ không bảo đảm quy định sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần, số lượng đảng viên dự họp không đầy đủ. Một số chi bộ, đảng viên làm việc phân tán nhiều nơi, cấp ủy phải thông báo những nội dung thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ đến các đảng viên để biết, thực hiện hoặc xin ý kiến bằng phương tiện truyền thông...

Không duy trì nền nếp sinh hoạt chi bộ, ngoài khó khăn về thời gian, còn phụ thuộc chính vào khâu chuẩn bị nội dung. Theo quy định, sinh hoạt chi bộ gồm nhiều nội dung như quán triệt nghị quyết, chỉ thị của cấp trên; thông tin thời sự; kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ được giao; giải quyết tâm tư, vướng mắc của đảng viên; bàn và ban hành nghị quyết chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới… Tuy nhiên, nhiều chi bộ còn nhầm lẫn giữa sinh hoạt chi bộ và giao ban chuyên môn, coi nhẹ công tác chính trị, tư tưởng. Ghi nhận tại một số đảng bộ khối cho thấy, có chi bộ một năm ban hành 3-4 nghị quyết chuyên đề, nhưng nội dung không sát thực tiễn; biện pháp tổ chức thực hiện thiếu cụ thể, do vậy việc ban hành nghị quyết mới dừng lại trên giấy. Chưa kể, không ít chi bộ né tránh những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong cơ quan, đơn vị khi sinh hoạt…

Theo khảo sát của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, có tình trạng nhiều cấp ủy, chi bộ chưa nắm chắc diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong cộng đồng dân cư. Một số chi bộ sinh hoạt thường kỳ nặng về phổ biến, ít thảo luận, làm cho đảng viên thấy nhàm chán. Nhưng cũng có chi bộ trong sinh hoạt chưa căn cứ vào tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, thậm chí không bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của cấp trên. Ở các TCCSĐ khu dân cư, tổ dân phố, một số đảng viên có tâm lý ngại tham gia công tác, giảm sút tính chiến đấu và nhiệt huyết cách mạng. Đã xuất hiện hiện tượng một số đảng viên xin miễn sinh hoạt không đúng đối tượng, hay TCCSĐ quyết định miễn sinh hoạt Đảng cho nhiều trường hợp đảng viên không đúng quy định…

Chất lượng sinh hoạt chi bộ hiện nay còn nhiều hạn chế có trách nhiệm không nhỏ của các đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy. Để nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, tại nhiều cuộc làm việc với các đảng bộ, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến đã chỉ đạo các cấp ủy cần quan tâm, đầu tư bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho ban chi ủy, nhất là bí thư chi bộ. Bên cạnh đó, cấp ủy cơ sở phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đồng thời tạo điều kiện để đảng viên phát huy ý thức tự giác tham gia đầy đủ, tích cực thể hiện chính kiến. Còn cấp ủy cấp trên cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ quy định về hội ý, thảo luận, thống nhất nội dung trước khi sinh hoạt của chi ủy. Đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng phải được xử lý nghiêm, đồng thời biểu dương kịp thời đảng viên gương mẫu trong sinh hoạt chi bộ. Đặc biệt, các cấp ủy phải coi trọng các nguyên tắc trong sinh hoạt, trước hết là thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ.

Quốc Bình