Không chỉ nhờ “hữu xạ tự nhiên hương”
Văn hóa - Ngày đăng : 07:18, 03/07/2013
Ví dụ điển hình cho việc đổi mới cách thức trưng bày, tạo thành công ngoài mong đợi là BT Phụ nữ Việt Nam (BTPN, 39 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc BTPN chia sẻ: "Dựa trên hệ thống tư liệu đã có, chúng tôi mời các chuyên gia BT hàng đầu trong nước, nước ngoài tư vấn về công tác thiết kế, trưng bày. Hệ thống hiện vật được giới thiệu theo 3 chủ đề chính, gồm phụ nữ trong gia đình, phụ nữ trong lịch sử và thời trang nữ nhằm thể hiện sinh động các nghi lễ, phong tục, hôn nhân, sinh đẻ, tổ chức cuộc sống gia đình, trang phục truyền thống và những câu chuyện về người phụ nữ Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy, khách nội địa đến BT không chỉ để chiêm nghiệm quá khứ, mà thường quan tâm đến cuộc sống đương đại. Vì thế, chúng tôi đã tổ chức các sinh hoạt chuyên đề về vấn nạn buôn người, phụ nữ đơn thân, cuộc sống của người dân… để thu hút công chúng trong nước".
Du khách quốc tế tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Trọng Hải |
Với cuộc "cách mạng" nói trên, sau 2 năm mở cửa trở lại, BTPN thu hút rất đông khách du lịch. Năm 2012, BTPN thu hút 150.000 lượt khách (có bán vé) và được đánh giá là một điểm đến đáng chú ý ở Hà Nội. Riêng 6 tháng đầu năm nay, lượng khách đến với BT này đã đạt gần 300.000 lượt người.
"Sinh sau đẻ muộn", nhưng nhờ nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của công chúng, đồng thời áp dụng phương pháp trưng bày khoa học, hiện đại nên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (BT DTH) sớm trở thành điểm đến hấp dẫn. Đến đây, du khách vừa được chiêm ngưỡng hiện vật, vừa được sống trong không gian văn hóa đặc trưng, được tham gia vào những trò chơi dân gian và thưởng thức những món ăn dân tộc vào những ngày lễ hội. Chủ tịch Hạ viện nước CH Belarus, ngài Andreichenko khi tới thăm BT DTH vào ngày 20-10-2010 đã nhận xét: "Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có thể được coi là một tài sản quý báu của văn hóa Việt Nam. Có cảm tưởng rằng, tại đây, Việt Nam đã được khắc họa một cách toàn diện thông qua sự đa dạng về dân tộc, về tập quán và tín ngưỡng. Tại bảo tàng, ta luôn cảm nhận được tình yêu của nhân dân Việt Nam đối với quê hương, đất nước mình…" (trích sổ vàng BT DTH).
Mang tới sự mới lạ cho hệ thống BT Việt Nam, BT Văn hóa Huế vừa phối hợp với BT Bargoin (Pháp) giới thiệu 80 mẫu dệt may độc đáo của 5 châu lục trong khuôn khổ phòng trưng bày chuyên đề "Hóa thân". "Hoạt động trưng bày này tạo được ấn tượng, nét độc đáo, tính mới mẻ, đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu, người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu" - ông Huỳnh Đình Kết, Giám đốc BT Văn hóa Huế nhận định.
Trong một cuộc hội thảo về BT diễn ra mới đây, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội khẳng định: "Hệ thống BT đã, đang và sẽ là một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Muốn công chúng đến với BT, hệ thống BT cần có nhiều ý tưởng và trưng bày mang đậm bản sắc văn hóa".
Kết nối với công chúng
Song song với việc đổi mới trưng bày, một số BT chủ động tìm tới công chúng và nhờ đó đã tạo ra "cú lột xác ngoạn mục". Sau thành công của mô hình CLB "Em yêu lịch sử", năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BT LSQG) thành lập CLB Tình nguyện viên nhằm thực hiện tốt hơn việc kết nối công chúng, nhất là với công chúng trẻ. Nhóm tình nguyện viên được chia thành nhiều tiểu ban, mỗi tiểu ban phụ trách một phần việc. Thông qua các mối quan hệ cá nhân, truyền thông, internet, mạng xã hội, từ 75 thành viên ban đầu, đến nay CLB đã có hàng nghìn thành viên. Mỗi tháng một lần, CLB phối hợp với BT LSQG tổ chức sinh hoạt hoặc tọa đàm về một chủ đề lịch sử. Chị Tô Thị Thùy Lâm, Phó Trưởng phòng Truyền thông BT LSQG cho hay: "Lượng khách trong nước, quốc tế, nhất là giới trẻ tăng lên đáng kể sau khi CLB đi vào hoạt động. Duy trì tốt chất lượng sinh hoạt của CLB, chắc chắn giới trẻ sẽ yêu thích việc học lịch sử hơn".
Nhằm kéo công chúng đến tham quan, BT DTH có chương trình "tặng giờ vàng", miễn phí cho khách tham quan vào một số ngày lễ, tết; nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ tình nguyện viên. Thực hiện chức năng giáo dục, BT DTH thường xuyên tổ chức các trò chơi tương tác, mở lớp dạy nghề truyền thống… Cũng nhằm mục tiêu đưa BT đến gần hơn với công chúng, từ năm 2011 đến nay, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh) triển khai chương trình "Ông, bà, cháu cùng đến bảo tàng". Thay vì hướng dẫn viên kể lại những câu chuyện lịch sử thông qua hiện vật, khách tự kể lại cho con cháu nghe những câu chuyện có thật trong quá trình đấu tranh cách mạng, điều đó khiến cho bài học lịch sử trở nên gần gũi.
Nhận định về sự phát triển của hệ thống BT, ông Nguyễn Văn Trụ, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nói: "Về mặt lý thuyết, mối liên hệ giữa BT và công chúng không phải là vấn đề mới, nhưng cách thức để thu hút công chúng đến với BT luôn có sự vận động. Trong bối cảnh hiện nay, BT nào có cách trưng bày hấp dẫn, biết cách "tiếp thị" thì BT đó sẽ có sức hút đối với khách".