Quá tải bệnh viện: “Chữa” cách nào?
Đời sống - Ngày đăng : 07:04, 03/07/2013
Căn bệnh trầm kha
Thống kê trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 13 bệnh viện trung ương, 31 bệnh viện cấp thành phố, 23 bệnh viện quận - huyện, 33 bệnh viện tư nhân và nhiều phòng khám đa khoa, chuyên khoa, phòng khám 100% vốn nước ngoài, phòng chẩn trị y học cổ truyền… Nhiều là vậy, nhưng tình trạng quá tải liên tục chủ yếu ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên. Cụ thể công suất sử dụng giường bệnh ở Bệnh viện Ung bướu vượt 247%, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình vượt 129%, Bệnh viện Nhi Đồng 1 là 123%, Bệnh viện Nhi Đồng 2 là 123% so với thiết kế... Trong khi số bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện tuyến quận, huyện chỉ đạt 60-70% công suất.
Tình trạng quá tải tại Bệnh viện Nhi đồng 2. |
Theo ngành y tế thành phố, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do bệnh nhân thiếu tin tưởng đối với bệnh viện tuyến dưới. Nhưng sự thiếu tin tưởng đó có cơ sở, bởi thực tế, từ năm 2009 đến nay dân số TP Hồ Chí Minh tăng thêm khoảng 4 triệu người (hiện tại khoảng 12 triệu dân), nên năng lực tiếp nhận của hệ thống bệnh viện chưa theo kịp với sự gia tăng dân số; việc đầu tư trang thiết bị cho bệnh viện tuyến quận, huyện cũng như chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ tuyến dưới chưa tương xứng với nhu cầu khám, điều trị…
Không chỉ nêu vấn đề quá tải bệnh viện, trên sóng phát thanh công khai, người dân cũng thẳng thắn phản ánh công tác phục vụ khám, chữa bệnh tại nhiều bệnh viện còn nhiều bất cập, như: Bệnh nhân mất quá nhiều thời gian chờ đợi; bệnh viện chỉ định làm quá nhiều xét nghiệm; tình trạng "cò" bệnh viện; thiếu sự hướng dẫn cho bệnh nhân hay thu tiền trước tại bệnh viện không đúng quy trình thanh toán bảo hiểm y tế…
Phối hợp nhiều giải pháp
Trước bức xúc công khai của người dân, PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho hay, trong giai đoạn 2013-2015, từng bước giảm tải, ngành y tế thành phố áp dụng một số giải pháp tạm thời để giảm áp lực như: Cử các nhóm cán bộ y tế trực tiếp khám, chữa bệnh và chuyển giao kỹ thuật để nâng chất lượng tại các bệnh viện quận huyện; tiếp tục triển khai mô hình thí điểm "Bác sĩ gia đình" tại các bệnh viện quận huyện và 30% trạm y tế phường xã nhằm mục tiêu đến năm 2015 đạt 100% trạm y tế triển khai mô hình này; bổ sung 550 giường bệnh của các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên tại các bệnh viện quận huyện để giảm tải.
Bên cạnh đó, được chấp thuận của Sở, nhiều bệnh viện đã có sáng kiến giảm tải cho chính mình. Cụ thể, mới đây, Bệnh viện Ung bướu thành phố đã áp dụng một mô hình "bệnh viện tại nhà", đưa bác sĩ về tại nhà người bệnh để chữa trị, chăm sóc các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Bệnh viện Đại học Y dược giao thuốc tận nhà; Bệnh viện quận Bình Thạnh nhận khám bệnh tại nhà; Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh viện Hùng Vương nhận đặt lịch khám bệnh qua điện thoại.
Bên cạnh đó, UBND thành phố vừa có văn bản trình Thủ tướng đề nghị cho phép được sử dụng trong gói 20.000 tỷ đồng ngân sách dành cho mục tiêu "đầu tư xây mới các bệnh viện chuyên khoa trọng điểm có quy mô tầm cỡ khu vực" để xây mới Bệnh viện Nhi Đồng và Bệnh viện Ung bướu, mỗi bệnh viện 5.000 tỷ đồng. Đây là hai công trình trọng điểm cần được đầu tư nhằm giải quyết tình trạng quá tải các bệnh viện. Tiến độ thực hiện hai dự án trong giai đoạn 2013-2015. Trong đó, dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Đồng có quy mô 1.000 giường bệnh trên diện tích đất gần 12,5ha tại huyện Bình Chánh; cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu cũng có quy mô 1.000 giường bệnh (trong đó giai đoạn 1 đến năm 2015 là 500 giường) trên diện tích đất gần 5,6ha ở quận 9.
Ngoài thực hiện các đề án xây dựng nhằm giảm tình trạng quá tải các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa trọng điểm trên địa bàn, lãnh đạo ngành chức năng thành phố còn đưa ra các giải pháp về tăng cường nhân lực, đào tạo cán bộ chuyên sâu… Hy vọng, với các giải pháp đồng bộ, TP Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng giải được bài toán quá tải các bệnh viện tuyến trên hiện nay.