Con người thực hiện - Yếu tố quyết định

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:16, 03/07/2013

(HNM) - Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ bảy, HĐND TP Hà Nội khóa XIV, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh:

Rõ ràng nếu mỗi công bộc của dân thực sự mong muốn được cống hiến, đóng góp sức lực cho lợi ích chung thì luôn phải trăn trở với những câu hỏi đó để căn chỉnh hành động của mình. Lấy thí dụ công tác cải cách hành chính được thành phố xác định là khâu đột phá, điều đó không chỉ đơn giản là việc trang bị phương tiện, công nghệ hiện đại; bố trí diện tích "một cửa" - "một cửa liên thông" để tiếp dân; người dân khi có những thủ tục hành chính cần giải quyết không phải "gõ cửa" nhiều nơi, qua nhiều khâu; rồi loại bỏ những thủ tục rườm rà, công khai các loại giấy tờ cần thiết… Tất cả những điều đó mới chỉ là điều kiện cần thiết. Còn yếu tố quyết định hiệu quả của công tác cải cách hành chính chính là con người, là tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Không chỉ riêng với công tác cải cách hành chính, mọi vấn đề đều tương tự như vậy. Có được cơ chế, chính sách đúng đắn, phù hợp nhưng để đạt được mục tiêu đặt ra, hay nói cách khác là để cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả trong cuộc sống thì con người thực hiện là yếu tố quyết định.

Và điều đó chỉ có thể làm tốt khi từng cán bộ cảm thấy trăn trở trước những câu hỏi mà Bí thư Thành ủy đã nêu. Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cùng với việc các cấp, các ngành của thành phố cần chủ động, quyết liệt trong đổi mới tư duy và tác phong làm việc thì cần phải nhanh chóng khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong điều hành, xử lý công việc, khắc phục bệnh hành chính hóa và chạy theo thành tích, nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu…

Đó chính là những liều thuốc để chữa bệnh thờ ơ, vô cảm mà nhiều cán bộ, công chức, viên chức đang mắc phải hiện nay. Xin dẫn chứng: Báo Hànộimới số ra ngày 27-6, trang 5 có bài "Xây nhà 6 tầng không phép tại xã Kim Chung - Hoài Đức". Theo bài báo phản ánh thì ngay khi chủ công trình xây dựng tầng 1, chính quyền địa phương đã lập biên bản, yêu cầu ngừng thi công. Tuy nhiên, sau 4 tháng thì công trình đã xây dựng xong phần thô của tầng thứ… 6. UBND huyện và Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo địa phương giải quyết dứt điểm vi phạm, thời hạn cũng đã được ấn định, nhưng từ ngày 15-5 tới nay mọi việc vẫn "giậm chân tại chỗ" và chủ đầu tư vẫn… vô tư hoàn thiện công trình xây dựng. Vậy cán bộ, chính quyền cơ sở đã làm hết nhiệm vụ, chức năng quản lý của mình hay còn "tắc" ở khâu nào? Và cá nhân cụ thể nào phải chịu trách nhiệm về vấn đề trên?

Tương tự như vậy, từ năm 2007, ông Nguyễn Tiến Hà - cán bộ lão thành cách mạng và đông đảo người dân thuộc các phường Hàng Bột, Văn Chương, Quốc Tử Giám đã đứng đơn tố cáo việc lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép của một hộ dân ở ngõ Thông Phong (phường Quốc Tử Giám). 6 năm đã trôi qua, chính quyền sở tại đã tổ chức không ít cuộc họp. Những vi phạm đều đã được kết luận rõ ràng, nhưng không hiểu vì lẽ gì mà vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Vậy là người dân tiếp tục có đơn gửi lên quận, rồi thành phố nhưng vẫn chưa được hồi âm thỏa đáng. Cán bộ có trách nhiệm ở cơ sở cũng đã có người nghỉ công tác. Phải chăng vì vậy mà phải chấp nhận những vi phạm tồn tại như một phần của… "lịch sử" để lại?

Năm 2013 được Hà Nội chọn chủ đề là "Năm kỷ cương hành chính" và muốn kỷ cương hành chính được thực thi thì cần phải kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy những cá nhân không đủ phẩm chất, năng lực và ý thức trách nhiệm đối với công việc được giao. Dù đó là việc không đơn giản, là điều "cực chẳng đã", nhưng chỉ có như vậy thì guồng máy mới thông suốt, những cơ chế, chính sách, giải pháp… được ban hành mới có thể phát huy tác dụng, thúc đẩy sự phát triển của thành phố.

Hoàng Thu Vân