Huyền thoại một võ sư ẩn danh
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:31, 02/07/2013
Ông là người "đặt viên gạch" đầu tiên cho Karatedo Hà Nội, có công đào tạo hàng loạt vận động viên tên tuổi, giành nhiều huy chương trên đấu trường quốc tế, cũng như xây dựng Hệ phái Karatedo Đoàn Long mang đậm chất Việt Nam…
Coi võ hơn mạng sống
Giới trẻ biết đến ông không nhiều nhưng hơn 10 năm trước, nhắc đến võ sư Đoàn Đình Long, chẳng mấy người không biết. Ngày ấy, với thành tích dẫn dắt Đội tuyển Karatedo Việt Nam giành nhiều giải lớn trên đấu trường quốc tế, ông được báo chí tung hô như một hiện tượng võ thuật, một huấn luyện viên được gắn mác "phù thủy" mát tay. Lần nào cũng vậy, ông cứ đưa quân đi thi đấu là có giải, thậm chí toàn giải cao, khiến ngay cả các nước được xem là cái nôi sản sinh ra những vận động viên karatedo tên tuổi như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… nhiều lần cũng phải "bạt vía kinh hồn".
Võ sư Đoàn Đình Long huấn luyện các võ sinh. Ảnh: Việt Dũng |
Năm 2001, đang ở thời đỉnh cao, bệnh tim tái phát, võ sư Đoàn Đình Long phải thực hiện ca phẫu thuật lần thứ 3. Sau đợt thoát chết thần kỳ ấy, ông về ở ẩn trong sự tiếc nuối của đoàn thể thao Việt Nam, các vận động viên và người hâm mộ. Về ở ẩn, đó là bề nổi, còn với người coi võ thuật hơn cả mạng sống của mình như võ sư Đoàn Đình Long thì con tim vẫn luôn ấm, luôn thao thức, trăn trở để đưa võ thuật Việt Nam sánh vai với bạn bè thế giới. Có lẽ chính nhờ điều đó, Hệ phái Karatedo Đoàn Long mang đậm chất Việt Nam ra đời.
Sinh năm 1947, trong một gia đình nghèo, không có ai theo nghiệp võ. Nhưng từ nhỏ, cậu bé Đoàn Đình Long đã coi võ thuật như sự sống của mình. Khi còn nhỏ, chưa có thầy dạy, cậu thường tập trung bạn bè ra sân tự tập. Đó chỉ là những cú đấm đạp, những keo vật chẳng theo một tư thế nào hết. Mãi đến năm 20 tuổi, cậu mới chính thức theo học phái Thiếu Lâm ở phố Mã Mây, Hà Nội.
Trong thời gian này, ở Việt Nam, việc học võ bị cấm nên võ đường mà Đoàn Đình Long theo học phải dạy lén lút vào ban đêm. Kết thúc buổi tập, tất cả thầy trò lại lăn ra đất ngủ. Có lẽ vì tập luyện mệt mỏi và ngủ dưới đất nhiều nên Long sớm bị viêm khớp. Đầu tiên chỉ là những cơn đau nhỏ, sau là toàn thân, cảm tưởng như có con gì đó bò lúc nhúc trong xương, cuối cùng là cả cơ thể đều cứng đơ, sốt liên miên chục ngày không khỏi. Khi gia đình đưa đến bệnh viện, qua các xét nghiệm, các bác sỹ thông báo ông bị viêm khớp nặng, đã ăn vào tim, giờ phải ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, cấm vận động mạnh.
Nhưng là một người ưa vận động, thích võ thuật, lại có cá tính mạnh, Đoàn Đình Long chẳng nghe ai mà vẫn quyết theo đuổi niềm đam mê của mình. Nhiều lần như thế, bệnh tái phát, gia đình phải đưa ông vào nhập viện với tình trạng nguy kịch.
Năm 1974, sau cuộc phẫu thuật tim lần đầu tiên, Viện Nghiên cứu vật liệu xây dựng nơi Đoàn Đình Long công tác đứng trước nguy cơ giải thể, công nhân buộc phải đi lao động nặng. Bị giao cho công việc không đúng chuyên môn, lại bị bệnh tim mạn tính nên ông xin nghỉ việc.
Sau thời gian ngược xuôi Nam - Bắc buôn bán, năm 1978, trong một lần vào Huế thăm người thân, ông tình cờ gặp võ sư Lê Văn Thạnh, trưởng tràng Hệ phái Karatedo Suzucho Việt Nam. Lần gặp tình cờ này đã giúp Đoàn Đình Long "bén duyên" với karatedo. Sau 4 năm kiên trì tập luyện, vượt qua nỗi đau bệnh tật, võ sư Đoàn Đình Long chính thức mang đai đen, trở ra Hà Nội mở võ đường riêng. Nhiều người kể lại rằng, thời điểm Đoàn Đình Long mới mở lớp dạy võ, cao thủ từ khắp nơi kéo đến gặp để thách đấu nhưng chưa một ai thắng được ông. Năm 1983, thấy khả năng đặc biệt của Đoàn Đình Long, thầy Nguyễn Xuân Thi, phụ trách môn TDTT của Sở TDTT Hà Nội, đã mời ông đứng lớp dạy karatedo tại Trung tâm Thể thao Quần Ngựa. Ngay trong năm ấy, diễn ra cuộc thi đấu karatedo toàn quốc đầu tiên, Đoàn Đình Long và học trò đã giành giải cao, đưa Hà Nội dẫn đầu cả nước. Những năm sau đó, dưới sự dẫn dắt của ông, Karatedo Hà Nội luôn đứng đầu bảng.
Những trận đấu sinh tử
Năm 1990, Đoàn Đình Long được Bộ Công an mời về làm huấn luyện viên (HLV) cho đội Karatedo. Sau hai năm đánh giải, cuộc thi nào Bộ Công an cũng đều là đơn vị đứng đầu. Năm 1992, võ sư Đoàn Đình Long chuyển sang làm HLV trưởng Đội tuyển quốc gia.
SEA Games 17 (1993), trước khi đoàn thể thao Việt Nam lên đường, Đoàn Đình Long đăng ký đội Karatedo sẽ có ít nhất một HCĐ. Thời điểm đó, nhiều người đã cười thầm rằng ông là người "ngông cuồng, không biết tự lựa sức". Nhưng thực tế đã chứng minh, trong SEA Games 17, Karatedo Việt Nam đã giành 2 HCV và 1 HCĐ - đây là những tấm HCV đầu tiên của Karatedo kể từ khi thể thao Việt Nam hội nhập đấu trường quốc tế.
Ngay sau SEA Games 17 thành công, ông Long dẫn các học trò tham dự Giải vô địch Karatedo Châu Á tại Đài Loan. Oái oăm thay, vì phán xét thiếu khách quan của trọng tài, Đội tuyển Việt Nam đã không giành được một huy chương nào. Theo võ sư Đoàn Đình Long, đó là nỗi hận mà 6 năm sau ông và học trò mới "trả" được khi trong giải đấu đó, Karatedo Việt Nam đứng thứ 3 toàn đoàn tại giải vô địch châu lục này.
Năm 1994, khi đang chuẩn bị cho giải đấu ASIAD 94 tổ chức tại Nhật Bản thì cơn đau tim của ông bị tái phát, cần phải tiến hành mổ ngay mới mong giữ được tính mạng. Dù nằm trên giường bệnh, nhưng HLV Đoàn Đình Long vẫn thường xuyên cập nhật thông tin và chỉ đạo học trò của mình.
Chỉ sau đó 3 tháng, con người ưa hoạt động này đã trở lại làm việc. Chiến công nối tiếp chiến công, kèm theo đó là những cơn đau tim dữ dội. Thậm chí có đợt, một tuần ông phải đi cấp cứu tới 4 lần, nhưng dường như bệnh tật đã phải khiếp sợ trước khả năng kỳ diệu của ông.
Ra viện, ông lại tiếp tục dẫn dắt học trò tham dự và đạt được những thành tích cao trong các cuộc thi trên thế giới. Đặc biệt, năm 1997, ban tổ chức nước chủ nhà Nhật Bản đã mời đích thân HLV Đoàn Đình Long tuyển chọn VĐV sang tham dự Đại hội Karatedo thế giới. Đây là đại hội karatedo quy mô lớn nhất từ trước đến nay với tổng số 140 nước, 1.700 VĐV tham gia. Điểm đặc biệt của cuộc thi này là khi tham gia, tất cả VĐV, người nhà VĐV, HLV phải ký cam kết vào… sổ tử. Nghĩa là có bị đánh chết cũng không được quyền lợi hay kiện cáo, thắc mắc gì. Để các học trò yên tâm thi đấu, không cần suy nghĩ, võ sư Đoàn Đình Long đã chọn chính con trai của mình là Đoàn Đình Lân tham gia trận đấu. Trong đại hội ấy, đoàn Việt Nam tuy chỉ có 3 VĐV tham gia nhưng đã xuất sắc vượt qua hàng loạt những cao thủ để đứng thứ 4 chung cuộc.
Sau 10 năm dẫn dắt cho Đội tuyển Karatedo quốc gia, võ sư Đoàn Đình Long rạng danh với hàng loạt tên tuổi như: Đặng Danh Tuấn - Huy chương Bạc (HCB) Giải vô địch Châu Âu - 1989 (hiện là HLV wushu đối kháng quốc gia); Trung Dũng - Huy chương Đồng (HCĐ) Giải vô địch Châu Âu 1989; Nguyễn Anh Tuấn - Huy chương Vàng (HCV) Karatedo đầu tiên của Việt Nam ở SEA Games (1993); Trần Văn Thông - HCV SEA Games 1993, HCB ASIAD 1994; Phạm Hồng Hà - HCB ASIAD 1994, vô địch Karatedo tại ba kì SEA Games liên tiếp (1997, 1999, 2001); Phạm Hồng Thắm - HCV SEA Games 2001 Karatedo hạng trên 60kg nữ; Vũ Quốc Huy - HCB SEA Games 20 năm 1999, HCV SEA Games 21 năm 2001, HCV SEA Games 22 năm 2003; Hà Kiều Trang - HCV SEA Games 2001 karatedo hạng dưới 60kg nữ; Nguyễn Thị Thu Trang: HCV SEA Games 21…
Năm 2001, sau bảy năm thay van tim, lần thứ ba võ sư Đoàn Đình Long lại đối diện với tử thần. Đó là lúc van tim mà ông đã thay trong lần mổ trước có vấn đề. Đó cũng là lúc mà ông đã phải đi sốc điện cả tháng vì sức khỏe xuống dốc trầm trọng. Các bác sĩ nhận định, lần mổ này cực kỳ nguy hiểm và tốn kém. Gia đình ông làm đơn xin ngành thể thao hỗ trợ kinh phí nhưng ngành thể thao cũng không biết giải quyết thế nào bởi dù có nhiều đóng góp cho nền thể thao nước nhà, được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1999 và Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2001 nhưng võ sư Đoàn Đình Long vẫn chưa thuộc biên chế của một đơn vị nào cả.
Một phong trào quyên góp tiền, hiến máu được phát động một cách rầm rộ chưa từng có. Người đăng ký hiến máu, người quyên góp vài trăm, vài triệu, chỉ mong người thầy lớn của karatedo Việt Nam qua khỏi cơn nguy kịch. Ơn trời, ca phẫu thuật thành công!
Sau ca phẫu thuật, ông rút về "ở ẩn". Năm 2010, vì niềm đam mê karatedo, cũng như muốn sáng tạo ra một hệ phái riêng, mang đậm chất Việt Nam, ông đã sáng lập Hệ phái Karatedo Đoàn Long. Cũng từ đây, hàng loạt những "hạt giống" võ thuật đang hình thành và từng ngày đơm hoa, kết trái...