Thị trường trái phiếu tăng trưởng mạnh: Vấn đề là hiệu quả sử dụng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:10, 02/07/2013
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đầu tư vào TPCP được tính đến như một phương án an toàn và hiệu quả. |
Việt Nam - thị trường trái phiếu chính phủ phát triển nhanh nhất
Báo cáo sơ kết hoạt động thị trường TPCP 6 tháng đầu năm của Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2013, thị trường TPCP tiếp tục ghi nhận sự tăng truởng ấn tượng với quy mô phát hành và giao dịch gần bằng cả năm 2012. Mặt bằng lãi suất phát hành và giao dịch giảm mạnh từ 1% đến 2,5% so với thời điểm đầu năm, bám sát diễn biến lãi suất trên thị trường. Tại thị trường sơ cấp, đã diễn ra 117 phiên đấu thầu với tỷ lệ trúng thầu toàn thị trường tăng từ 52% (năm 2012) lên 68,9% trong 6 tháng đầu năm. Giá trị giao dịch TPCP bình quân phiên tăng đáng kể, đạt hơn 1.900 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2012. Trong đó, có sự giao dịch tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị giao dịch mua bán của khối này đạt hơn 100.000 tỷ đồng, gần bằng 80% giá trị giao dịch của khối ngoại trong cả năm 2012.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đầu tư vào TPCP luôn được tính đến như một phương án an toàn, hiệu quả mặc dù lãi suất không cao như các lĩnh vực khác. Phiên đấu thầu 1.000 tỷ đồng trái phiếu xây dựng Thủ đô do Kho bạc Nhà nước Hà Nội, Sở Tài chính và Sở GDCK Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 25-6 vừa qua đã thu được kết quả khả quan với lãi suất trúng thầu là 8,7%/năm. Phiên đấu thầu có tổng khối lượng gói thầu là 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, song tổng số tiền đăng ký đấu thầu hợp lệ lên tới 3.320 tỷ đồng. Báo cáo thị trường trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố mới đây cũng cho thấy, thị trường trái phiếu địa phương tại các nước Đông Á mới nổi tăng 12,1% mỗi năm lên mức 6.700 tỷ USD và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng. Việt Nam là quốc gia có thị trường TPCP phát triển nhanh nhất, tăng 64,6% lên mức 29 tỷ USD nhờ các đợt phát hành trái phiếu của Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.
Việc huy động thành công nguồn vốn NSNN thông qua phát hành TPCP sẽ tạo nguồn quan trọng phục vụ các nhiệm vụ chi đầu tư, phát triển trong năm 2013 và những năm tiếp theo.
Phải quản lý chặt chẽ
Theo các chuyên gia kinh tế, việc huy động thành công nguồn vốn TPCP sẽ giúp cân đối thu - chi NSNN bớt căng thẳng song vấn đề đặt ra là phải quản lý chặt chẽ và hiệu quả nguồn vốn này. Tại Nghị quyết về kết quả giám sát "Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn TPCP tại lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012" vừa được Quốc hội (QH) thông qua ngày 21-6, QH thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí vốn TPCP. Theo Nghị quyết, việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn TPCP có việc còn chưa nghiêm, hiệu quả đầu tư chưa cao, để xảy ra lãng phí, thất thoát. Việc mở rộng phạm vi đầu tư, bổ sung nhiều mục tiêu đã làm tăng số lượng dự án và tổng mức đầu tư; công tác thanh - quyết toán còn nhiều tồn tại, dẫn đến nhiều công trình, dự án chậm tiến độ, dở dang, lãng phí.
QH cho rằng, các tồn tại, hạn chế trong việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn TPCP cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012 có trách nhiệm của QH, Ủy ban Thường vụ QH trong việc quyết định một số chủ trương đầu tư từ nguồn vốn TPCP nhưng chưa đánh giá đầy đủ tác động, khả năng cân đối của nguồn vốn. Chính phủ cũng chưa bảo đảm khả năng cân đối vốn, chưa có cơ chế phân cấp quản lý nguồn vốn hợp lý, thiếu công cụ kiểm soát hữu hiệu, đồng thời chưa phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn TPCP...
Để quản lý chặt chẽ, chống lãng phí và sử dụng hiệu quả nguồn vốn TPCP, QH yêu cầu các cơ quan trực thuộc và Chính phủ tiếp tục nghiên cứu rà soát, đánh giá báo cáo QH về các dự án, công trình đang được đầu tư từ nguồn vốn này giai đoạn 2012-2015 nhưng còn thiếu vốn nhằm ưu tiên nguồn vốn dự phòng cho một số dự án quan trọng, cấp bách. Việc phát hành thêm vốn TPCP cho một số công trình quan trọng, cấp bách cần được xem xét thận trọng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia, trình QH quyết định. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước bổ sung kế hoạch kiểm toán năm 2013 và các năm tiếp theo để kiểm toán toàn diện chương trình TPCP và báo cáo kết quả với QH trong kỳ họp tới.