Không còn là “bệnh của nhà giàu”
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:32, 01/07/2013
Gia tăng nghiêm trọng
Trao đổi với báo chí tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết và ĐTĐ Việt Nam Thái Hồng Quang cho biết, theo điều tra năm 1990 và 1991 tại Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ người bệnh ĐTĐ ở 3 thành phố này mới chiếm từ 0,91 đến 2,25% số người trưởng thành. Kết quả điều tra toàn quốc 5 năm trước cho thấy tỷ lệ này đã ở mức 2,7% (thành phố 4,4%, vùng đồng bằng ven biển 2,2%, miền núi 2,1%). Còn theo báo cáo mới nhất vừa hoàn thành số liệu thô cách đây 1 tháng, con số này hiện đã ở mức 5,7% người trưởng thành. Tăng tới hơn 2 lần chỉ sau 5 năm là tốc độ gia tăng ở mức cao trên thế giới. Tỷ lệ mắc ĐTĐ không chỉ gia tăng nhanh ở thành phố, mà còn ở cả khu vực miền núi, trung du, nơi nhận thức của cộng đồng về bệnh ĐTĐ còn thấp. Bệnh ĐTĐ hiện đã rất phổ biến và không còn là "bệnh của nhà giàu" như quan niệm trước đây.
Thăm, khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nội tiết trung ương. Ảnh: Trung Kiên |
Các chuyên gia nội tiết nhận định, sự gia tăng nhanh chóng này đem đến 3 thách thức đối với công tác điều trị bệnh nhân ĐTĐ: Chi phí điều trị tốn kém, nhiều biến chứng nặng và hệ thống dự phòng, tầm soát chưa hoàn thiện. Bệnh nhân ngày càng đông trong khi hệ thống y tế lại chưa đáp ứng được nhu cầu khám, điều trị nên trên 70% bệnh nhân ĐTĐ ở nước ta không được phát hiện sớm. Do đó, người bệnh phải chịu nhiều biến chứng nặng như 8% số người mắc bệnh bị tổn thương võng mạc gây mù lòa, 44% tổn thương thận, thần kinh, nhiều người bị tim, đột quỵ; gây loét bàn chân phải cắt cụt chi dẫn đến tàn phế... Theo thống kê của Bệnh viện Nội tiết TƯ, chi phí trung bình để điều trị trực tiếp cho bệnh nhân ĐTĐ tăng 7,47 lần so với mức lương tối thiểu, trong đó ở người chưa có biến chứng tăng gấp 6,65 lần, còn ở người có biến chứng tăng gấp 8,86 lần. Đáng nói là có đến 72,7% số bệnh nhân mắc ĐTĐ không có khả năng chi trả viện phí.
Cần thay đổi lối sống
Ông Nguyễn Vinh Quang cho rằng, lối sống ít vận động, sử dụng nhiều thức ăn nhanh giàu năng lượng là lý do quan trọng dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng bệnh nhân ĐTĐ ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có một căn nguyên bệnh sinh. Đó là, trước đây, khi cuộc sống kham khổ nên tuyến tụy đã tiết ra lượng insulin - hormol chuyển hóa đường phù hợp với cuộc sống, nay kinh tế phát triển, người ta ăn nhiều thức ăn giàu đạm, mỡ, béo nên tuyến tụy phải làm việc quá sức, dẫn đến suy kiệt.
Những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ gồm nhóm trên 45 tuổi, có tăng huyết áp, có rối loạn lipit máu, người trong thời gian mang thai bị ĐTĐ, người có tiền sử sinh con trên 4kg hoặc có bố mẹ, anh em ruột bị ĐTĐ. Đáng lưu ý, người béo phì mắc bệnh ĐTĐ lớn hơn hẳn so với nhóm có trọng lượng cơ thể trung bình. ĐTĐ đang xuất hiện ở nhóm trẻ tuổi ngày càng nhiều và tỷ lệ thừa cân béo phì tăng nhanh ở lứa tuổi thiếu niên chính là "nguồn" bổ sung đáng lo ngại cho số lượng người bệnh ĐTĐ type 2. Tại Bệnh viện Nhi TƯ mấy năm qua đã ghi nhận nhiều bệnh nhi 9, 10 tuổi mắc ĐTĐ.
Hiện nay, kỹ thuật điều trị bệnh ĐTĐ đã có nhiều tiến bộ. Bệnh có thể phòng được bằng cách kiểm soát hiệu quả mức glucoza máu và các yếu tố nguy cơ liên quan (như tăng huyết áp). Nhưng ở nước ta, những kiến thức mới về phòng chống và điều trị bệnh này vẫn chưa được phổ biến, cập nhật. Thực tế cho thấy, 63,7% số người được hỏi (kể cả cán bộ y tế) không biết những biện pháp phòng chống bệnh ĐTĐ. Mục tiêu của chiến lược quốc gia phòng chống ĐTĐ giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn đến 2030 là 50% người dân trong cộng đồng hiểu biết về bệnh ĐTĐ, các yếu tố nguy cơ, đồng thời giảm tỷ lệ người bệnh bị bỏ sót xuống dưới 60%; xây dựng, triển khai mô hình quản lý bệnh nhân ĐTĐ trên toàn quốc.
Mỗi năm thế giới phải bỏ ra 1.030 tỷ USD cho bệnh ĐTĐ. Hầu hết chi phí trực tiếp cho bệnh liên quan đến biến chứng của bệnh. Các nghiên cứu ở những nước phát triển cho thấy, 5-10% ngân sách chi phí cho y tế đã phải dùng để điều trị bệnh ĐTĐ. Trong tương lai gần, với những chi phí khổng lồ này, cộng với việc giảm hiệu suất lao động do bệnh tật sẽ đặt gánh nặng lên nhiều nước đang phát triển. Để ĐTĐ không trở thành gánh nặng cho bản thân và xã hội, ngăn chặn tỷ lệ tiền ĐTĐ thành bệnh ĐTĐ, các bác sĩ khuyến cáo phương pháp tốt nhất là thay đổi lối sống, ăn uống hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực… Bên cạnh đó, những người có yếu tố nguy cơ, dù chỉ là một yếu tố, nên định kỳ tầm soát để phát hiện bệnh sớm.