Tổng thống Mỹ B.Obama công du Châu Phi: Hiện diện tại địa bàn chiến lược

Thế giới - Ngày đăng : 06:23, 01/07/2013

(HNM) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có chuyến thăm lịch sử tới ba quốc gia Châu Phi (từ ngày 26-6 đến 3-7) với các chặng dừng chân gồm: Senegal, Nam Phi và Tanzania.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông B.Obama tới Lục địa đen kể từ khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai (năm 2012) và là chuyến thăm thứ hai kể từ khi bước vào Nhà Trắng năm 2009 với kỳ vọng tăng cường hơn nữa các cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Mỹ, giải quyết các vấn đề phát triển như an ninh lương thực, y tế, giáo dục, thúc đẩy dân chủ và củng cố an ninh khu vực. Thế nhưng, giới quan sát cho rằng, sức hút của vị tổng thống da màu với Châu Phi đã không còn mạnh mẽ so với thời điểm trước khi ông B.Obama mới đắc cử.

Tổng thống Mỹ B. Obama (trái) và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác giữa hai bên.



Nhìn vào những con số, các nhà phân tích có lý khi cho rằng, vị tổng thống da màu của nước Mỹ đã để tuột cơ hội ở thị trường Châu Phi khi để Trung Quốc vượt lên dẫn trước về đầu tư. Cụ thể kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Châu Phi đã tăng vọt từ 10 tỷ USD năm 2000 lên 200 tỷ USD năm 2012. Trung Quốc còn đầu tư mạnh vào châu lục này với hơn 75 tỷ USD và cứ 5 năm một lần, Bắc Kinh lại tổ chức Hội nghị Trung Quốc - Châu Phi quy tụ gần 50 nhà lãnh đạo Châu Phi để thúc đẩy quan hệ với Lục địa đen. Trong khi đó, sự quan tâm của ông B.Obama đã không được "mặn mà" so với những người tiền nhiệm. Ví như dưới thời của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, trong 8 năm cầm quyền, ông B.Clinton đã thăm 10 quốc gia Châu Phi và đã ký Luật Phát triển và cơ hội của Châu Phi (AGOA), trong đó dỡ bỏ các hạn chế thương mại với hơn 6 nghìn mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ từ 35 quốc gia Châu Phi. Còn dưới thời của cựu Tổng thống George W.Bush, 11 quốc gia ở Châu Phi đã được đón tiếp vị Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ. Bên cạnh đó, ông G.Bush cũng thúc đẩy hỗ trợ trực tiếp cho chương trình y tế được phát động vào năm 2003, nhằm giúp đỡ 4 triệu người Châu Phi chống lại dịch HIV/AIDS, thành lập cơ quan viện trợ nước ngoài cung cấp viện trợ của Mỹ cho các nước Châu Phi đáp ứng các tiêu chuẩn về quản lý hiệu quả...

Có nhiều cách lý giải cho sự "kém mặn nồng" của Tổng thống B.Obama cả về chủ quan lẫn khách quan. Theo đó, giới phân tích nhìn nhận rằng, cuộc khủng hoảng tài chính tiếp diễn, cũng như việc dốc toàn lực chấm dứt hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan đã tác động sâu đậm đến chính sách Mỹ vào Châu Phi. Và bây giờ, chuyến thăm được xem là sự tái khởi động của Washington ở địa bàn chiến lược.

Trước thềm chuyến thăm, Nhà Trắng tuyên bố sẽ giúp các nước Châu Phi tăng cường công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy nền pháp trị. Tại chặng dừng chân đầu tiên ở thủ đô Dakar (Senegal), ngày 27-6, Tổng thống B.Obama cam kết, Washington sẽ vẫn là đối tác tin cậy giúp các nước Châu Phi củng cố tiến trình bầu cử, bảo đảm an ninh. Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp hơn 292 triệu USD cho các nỗ lực này, đặc biệt là hỗ trợ xã hội dân sự. Bên cạnh đó, ông B.Obama còn công bố khởi động chương trình đào tạo chống tham nhũng, kéo dài hai năm, cho các nước thuộc Tây Phi. Trước đó, Tổng thống B.Obama đã hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Macky Sall, tập trung thảo luận về tình trạng thiếu lương thực, nghiện ma túy tại Senegal cũng như mối quan hệ hợp tác Mỹ - Senegal trong gìn giữ hòa bình, chống khủng bố. Còn tại cuộc hội đàm với Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, ngày 29-6, ông B.Obama cam kết sẽ đầu tư vào nền kinh tế trụ cột của châu lục vì lợi ích của cả hai bên. Kết thúc hội đàm, Chính phủ Nam Phi xem đây là một chuyến thăm "lịch sử", đưa các mối quan hệ kinh tế, chính trị cũng như quan hệ giữa người dân hai nước lên một tầm cao mới...

Theo lịch trình, hôm nay (1-7) người đứng đầu Nhà Trắng sẽ tới Tanzania. Mặc dù, kết quả cụ thể của chuyến thăm mang tính biểu tượng này được cho là còn khiêm tốn sau hai chặng dừng chân, nhưng Washington đã thành công khi tiếp tục khẳng định và thúc đẩy sự hiện diện Mỹ tại một địa bàn chiến lược quan trọng.

Trung Hiếu