Sớm triển khai “rào cản kỹ thuật” để quản lý nhập cư
Đời sống - Ngày đăng : 05:50, 01/07/2013
Sức ép từ việc gia tăng dân số
Thủ đô Hà Nội những năm gần đây đang phải chịu áp lực ngày càng lớn từ những bất cập trong phát triển đô thị, đặc biệt là trong quản lý dân cư. Qua 6 năm thực hiện Luật Cư trú, số người chuyển về Hà Nội làm ăn sinh sống, số lao động tự do, tạm trú, vãng lai tăng nhanh, gây sức ép lớn về gia tăng dân số cơ học. Tình trạng gia tăng dân cư quá nhanh hiện nay ở Thủ đô có nhiều nguyên nhân, trong đó không thể phủ nhận mức độ "hấp dẫn" của Hà Nội về khả năng tìm việc làm, điều kiện sinh sống, làm việc và học tập. Một nguyên nhân mang tính "kỹ thuật" khiến cho dân số Hà Nội tăng nhanh là trong quá trình thực hiện Luật Cư trú, đã nới lỏng điều kiện đăng ký thường trú, quyền tự do cư trú của công dân được mở rộng và dễ dàng hơn...
Hạn chế nhập cư vào khu vực nội thành sẽ giảm áp lực đối với hạ tầng kinh tế, xã hội, đô thị. Ảnh: Phương Thảo |
Điều đáng lo ngại là tốc độ gia tăng dân số của Hà Nội chưa phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Dân số tăng nhanh đã tạo ra sức ép lớn trong vấn đề việc làm, đồng thời cũng là nguyên nhân phát sinh những mặt tiêu cực khác. Thực tế là cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện nay của Hà Nội chưa đáp ứng được tốc độ tăng dân số cơ học. Việc tăng dân số còn làm gia tăng sức ép đối với công tác quản lý địa bàn; công tác bảo đảm trật tự đô thị. Chính sách nhập cư thông thoáng cũng làm cho nhiều vấn đề phức tạp về tội phạm, trật tự xã hội nảy sinh, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Theo báo cáo của CATP, mật độ dân cư trung bình của Hà Nội là khoảng gần 2.200 người/1km2, cao gấp 8 lần bình quân cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh. Dân số Hà Nội tăng chủ yếu do lượng người từ các tỉnh dồn về, chiếm khoảng 85%. Dân cư phân bố không đồng đều, tập trung ở khu vực nội thành, ví dụ mật độ dân cư của quận Đống Đa là khoảng 38.000 người/1km2; quận Hai Bà Trưng là 30.000 người/1km2, quận Hoàn Kiếm 28.000 người/1km2…
Để luật đi vào cuộc sống
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua đến nay mới được hơn nửa năm. Khoảng thời gian đó dường như chưa đủ để các cơ quan chức năng chuẩn bị phương án cụ thể hóa luật vào cuộc sống. Cùng với việc cố gắng trình Quốc hội thông qua sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, cơ quan chức năng chưa thể sớm triển khai hướng dẫn thực hiện Luật Thủ đô.
Trong Luật Thủ đô, về vấn đề quản lý dân cư, hạn chế nhập cư vào khu vực nội thành là một biện pháp hành chính áp dụng trước mắt để giảm áp lực dân số đối với hạ tầng kinh tế, xã hội, đô thị. Tại khu vực nội thành cần giãn dân, phân bố lại dân cư cho hợp lý nên đòi hỏi đặt ra là cần quy định cụ thể về vấn đề tạm trú tại khu vực nội thành, cần phải có những điều kiện cao hơn Luật Cư trú, như: tạm trú liên tục tại nơi sẽ đăng ký thường trú từ 2 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê lâu dài ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở... Đại tá Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, những quy định chặt chẽ nêu trên là hoàn toàn cần thiết, đồng thời không trái với các quy định của Luật Cư trú, không làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được quy định trong Luật Cư trú.
Nhìn lại quá trình thực hiện Luật Cư trú, bên cạnh các quy định chung, cũng đã đề cập đến quy định phải hạn chế nhập cư tại các đô thị lớn. Song, qua thực tiễn, cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều lỗ hổng và hàng chục kiểu "lách" luật để nhập cư. Ví dụ Luật Cư trú hiện hành không quy định diện tích nhà ở tối thiểu của từng cá nhân đối với nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì được đăng ký thường trú nên đã nảy sinh hiện tượng cho nhiều hộ, nhiều người nhập hộ khẩu vào gia đình nhưng thực tế những người này lại không cư trú tại đây...
Một trong những giải pháp bịt lỗ hổng đã được UBND thành phố xây dựng, thể hiện qua tờ trình về việc xây dựng Nghị quyết của HĐND thành phố quy định diện tích bình quân đối với nhà thuê để được đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội. Với giải pháp này, thành phố hy vọng giảm dân số nội thành từ 1,2 triệu người xuống 800 nghìn người vào năm 2020. Mức đề xuất trong giai đoạn hiện nay diện tích bình quân nhà ở là 22,8m2/người, diện tích nhà thuê bình quân ở nội thành Hà Nội để được đăng ký thường trú là 80,1m2/hộ gia đình...
Thực tế, mức diện tích nhà ở nêu trên khá cao so với mức trung bình của người dân Hà Nội, nhất là so với khu vực nội thành cũ. Nhưng nếu không áp dụng rào cản này, theo thống kê, hằng năm sẽ có khoảng 50 nghìn trường hợp đủ điều kiện đăng ký thường trú vào địa bàn các quận trung tâm của Hà Nội. Cùng với tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì đến năm 2020 dân số Hà Nội sẽ vào khoảng 13 đến 14 triệu người, dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch chung của thành phố. Để điều đó không xảy ra, Luật Thủ đô với những nội dung cụ thể hóa các biện pháp kỹ thuật để giảm tải dân số cho nội thành, bố trí hợp lý dân cư tại Thủ đô cũng như vùng Thủ đô cần phải sớm được nghiên cứu, triển khai.