MTTQ thành phố phát huy hiệu quả hoạt động giám sát

Chính trị - Ngày đăng : 05:45, 01/07/2013

(HNM) - Giám sát là một trong những hoạt động quan trọng, thể hiện vị trí, vai trò của tổ chức MTTQ. Tính riêng năm 2012 vừa qua, các cấp MTTQ thành phố Hà Nội đã giám sát 4.275 vụ việc, phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị thu về cho Nhà nước 4,158 tỷ đồng và trên 5.200m2 đất. Với sự kiện Luật Thủ đô được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, các cấp MTTQ thành phố Hà Nội cần tiếp tục thể hiện rõ vai trò của mình để luật triển khai có hiệu quả và đi vào cuộc sống.

Những tín hiệu đáng mừng

Nhìn vào con số thống kê hàng năm về kết quả thực hiện các hoạt động giám sát của MTTQ các cấp có thể thấy, công tác này đã ngày càng phát huy hiệu quả. Nếu như năm 2008 có trên 2.500 vụ việc được phát hiện qua thanh tra giám sát thì năm 2011 con số đó là hơn 3.600 vụ việc; năm 2012 là 4.275 vụ việc và trong quý I-2013, MTTQ cấp cơ sở đã phát hiện hơn 800 vụ việc, trong đó kiến nghị xử lý 784 vụ việc. Đáng chú ý, không chỉ có số vụ việc được phát hiện qua giám sát tăng, cán bộ MTTQ còn phân loại, chỉ rõ các loại vi phạm và số vụ việc được MTTQ kiến nghị, đề xuất xử lý cũng tăng. Năm 2012, riêng trong lĩnh vực trật tự xây dựng đã có hơn 2.600 vi phạm được cán bộ MTTQ phát hiện, thu hồi về ngân sách hơn 4 tỷ đồng và hơn 5.200m2 đất. Trong quý I năm nay, MTTQ đã phát hiện, kiến nghị

thu hồi gần 14.000m2 đất. Với chủ trương giám sát chặt và giám sát đến cùng, MTTQ đã đưa ra ánh sáng nhiều sai phạm và giám sát việc sửa sai hiệu quả. Điển hình như, cán bộ ban giám sát đầu tư cộng đồng quận Long Biên giám sát 52 dự án, công trình xây dựng trên địa bàn, phát hiện và yêu cầu bóc dỡ, làm lại hàng chục mét hè đường ở phường Phúc Đồng mới lát không bảo đảm chất lượng; kiến nghị đơn vị thi công ở phường Phúc Lợi phải đổi hơn 4.000 viên gạch kém chất lượng. MTTQ phường Bạch Mai đề nghị phá dỡ xây lại hệ thống cống thoát tại ngõ 71 Mai Hương...

Chủ tịch MTTQ thành phố Hà Nội Đào Văn Bình cho biết, với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, ngoài các vụ việc cụ thể, MTTQ còn chú trọng giám sát về con người. Qua thực hiện giám sát cán bộ công chức, đảng viên ở khu dân cư, MTTQ các cấp đã phát hiện nhiều trường hợp sai phạm và đề xuất hình thức xử lý, một số trường hợp phải áp dụng hình thức kỷ luật chuyển công tác, thôi việc…

Cần những "cây gậy" về mặt pháp lý

Theo Chủ tịch MTTQ thành phố Hà Nội Đào Văn Bình, vai trò của các cấp MTTQ trong giám sát việc thực hiện Luật Thủ đô là đặc biệt quan trọng. Thực hiện tốt công tác này sẽ giúp cho các điều khoản quy định trong luật nhanh chóng đi vào đời sống, đồng thời góp phần nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ theo chức năng được phân công. Tuy nhiên, thực hiện trọng trách đó không đơn giản. Hiện MTTQ các cấp đã được kiện toàn với hơn 5.400 người, thuộc "biên chế" của các Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng tại 577 xã, phường, thị trấn. Song công tác giám sát vẫn "vấp" phải nhiều rào cản và bị bó hẹp, chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ chế chính sách, cơ chế phối hợp chưa đồng bộ, còn những bất cập nhất định. Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sóc Sơn Đỗ Văn Chính phản ánh, hiện tượng phổ biến nhất là tình trạng chủ đầu tư không hợp tác, thậm chí gây khó dễ cho công tác giám sát của MTTQ. Cụ thể như không công khai danh mục các công trình đầu tư trên địa bàn, không cung cấp bản thiết kế, không công khai về kinh phí… Một số cán bộ MTTQ lại phàn nàn, khi kết quả giám sát được đưa ra, cơ quan liên quan chậm tiếp thu, sửa chữa khiến người giám sát chán nản, mệt mỏi, có nơi buông xuôi trách nhiệm. Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) Bạch Ngọc Khanh chia sẻ kinh nghiệm nếu nơi nào được cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ thì Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng hoạt động rất tích cực và hiệu quả…

Như vậy, để công tác giám sát nói chung cũng như giám sát việc thực hiện Luật Thủ đô nói riêng của MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố thu được hiệu quả cao, những bất cập nêu trên cần được tháo gỡ bằng những cơ chế chính sách cụ thể phù hợp với thực tế. Đó chính là những "cây gậy" cần thiết về mặt pháp lý để các cấp MTTQ thành phố Hà Nội góp sức thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Hương Oanh