Tín nhiệm và trách nhiệm
Xã hội - Ngày đăng : 05:25, 01/07/2013
Trước hết phải khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là hết sức quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong tiến trình thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về đổi mới hoạt động của các cơ quan dân cử. Và không chỉ dừng ở đây, sau khi hoàn thành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu, phê chuẩn, sẽ rút kinh nghiệm để triển khai một cách đồng bộ, sâu rộng trong toàn Đảng bộ thành phố, tới các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Có nhiều ý kiến cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm chính là "thuốc thử" đối với công tác cán bộ, phản ánh thực chất năng lực thực thi công vụ và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ; đồng thời kết quả lấy phiếu tín nhiệm còn là "tấm gương" phản chiếu để người được lấy phiếu tín nhiệm tự xem xét, thấy rõ những ưu điểm cũng như hạn chế, thiếu sót của bản thân để rút kinh nghiệm, sửa chữa khắc phục. Đó thực sự là những đánh giá hết sức xác đáng.
Đây là lần đầu tiên việc lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND được tiến hành nên công việc này hết sức mới mẻ. Trước đó, với vai trò "đầu tàu gương mẫu", Đảng bộ Hà Nội đã đi tiên phong trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước tiến hành thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố và lãnh đạo 7 sở, ngành. Giờ đây, sau khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh chủ chốt trong kỳ họp vừa qua thì Hà Nội lại trở thành địa phương đầu tiên triển khai lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh do HĐND thành phố bầu và phê chuẩn.
Thực ra, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, đảng viên không hẳn là mới. Chúng ta đã và hiện vẫn đang thực hiện việc lấy ý kiến quần chúng nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên định kỳ hằng năm, hoặc vào cuối mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên, so với việc nhận xét, đánh giá phân loại đảng viên hằng năm (đã bộc lộ những hạn chế và mang tính hình thức do không phù hợp với thực tiễn, chưa có tiêu chí riêng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, đánh giá không thông qua phiếu kín…), có thể thấy việc lấy phiếu tín nhiệm lần này có nhiều nét mới như: Tập trung đánh giá vào hai tiêu chí cơ bản là: năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống. Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm tập trung vào các chức danh cán bộ chủ chốt, những chức danh do HĐND bầu, phê chuẩn, những người đứng đầu các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị…
Không ít người đã nhầm lẫn giữa việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm là căn cứ để đưa ra khỏi bộ máy quản lý những cán bộ yếu kém về năng lực, phẩm chất. Hiểu như vậy là chưa đầy đủ. Lấy phiếu tín nhiệm là một bước để thăm dò mức độ tín nhiệm, làm cơ sở cho việc phân loại, đánh giá, bố trí cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Nếu chức danh nào đó 2 năm liên tục vẫn tín nhiệm thấp sẽ được chuyển sang hình thức bỏ phiếu tín nhiệm (thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm, làm cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm cán bộ). Cũng có người cho rằng, nếu không loại bỏ được những cán bộ yếu kém, cuối cùng vẫn "hòa cả làng" thì việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là hình thức. Như đã giải thích ở trên, mục đích của lấy phiếu tín nhiệm nhằm đánh giá, phân biệt giữa những cán bộ lãnh đạo yếu kém, không làm tròn chức trách của mình trên cương vị công tác với những cán bộ lãnh đạo làm việc tốt. Nói như thế không có nghĩa là xem nhẹ việc lấy phiếu tín nhiệm, bởi nếu được triển khai thường xuyên, nghiêm túc sẽ có tác dụng rất lớn trong công tác cán bộ. Cũng như việc phòng bệnh có ý nghĩa quan trọng không kém so với chữa bệnh.
Cần nói thêm rằng, sau khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh do cơ quan quyền lực cao nhất bầu, phê chuẩn và công khai kết quả, đông đảo người dân và dư luận trong nước đã bày tỏ sự ủng hộ, tin tưởng vào chủ trương đúng đắn và việc làm hết sức thiết thực này. Đặc biệt, nhiều tờ báo, hãng thông tấn quốc tế và giới chuyên gia cũng đánh giá cao sự kiện quan trọng này và cho rằng Việt Nam đã cho thấy một hình ảnh mới, một bước tiến trong hoạt động của Quốc hội, "Quốc hội Việt Nam đã trở thành một nghị trường đích thực khi ngày càng tạo ra sức hút lớn với báo giới, bảo đảm tính công khai và thực hiện được vai trò giám sát của một cơ quan làm luật", đồng thời "việc các nhà lãnh đạo Việt Nam được đánh giá công khai qua một cuộc bỏ phiếu mở đầu cho nhiều thay đổi trong tương lai"… Tương tự, việc thành phố Hà Nội đi tiên phong trong lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu, phê chuẩn được dư luận quan tâm, đánh giá đây là một việc làm thiết thực, hợp lòng dân, vừa bảo đảm mở rộng, phát huy dân chủ vừa tạo thêm một kênh giám sát, góp phần đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác…
Không chỉ vì là "trái tim" của cả nước, là "đầu tàu" trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về công tác xây dựng Đảng mà Hà Nội triển khai lấy phiếu tín nhiệm sớm hơn các địa phương khác còn bởi Đảng bộ, chính quyền Thủ đô đã xác định năm 2013 là "Năm kỷ cương hành chính", chọn đột phá vào khâu cán bộ để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, hướng tới xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Và việc Hà Nội chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đồng thời triển khai công việc này một cách sâu rộng, tạo sức lan tỏa, từ lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố gương mẫu thực hiện trước để cấp dưới ở cơ sở thực hiện theo - chính là bước đột phá cần thiết, kịp thời để nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả bộ máy công quyền và nâng cao năng lực đội ngũ "công bộc" của nhân dân.
Chính vì tính chất quan trọng của công việc, lại là việc rất mới mẻ, thế nên có thể thấy việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND TP bầu, phê chuẩn nói riêng và triển khai lấy phiếu tín nhiệm rộng rãi trong toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội nói chung sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Do vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên khó tránh khỏi lúng túng. Đáng lưu ý là việc lấy phiếu tín nhiệm còn "vướng" ở chỗ, lâu nay trong các cơ quan, đơn vị thường phổ biến nếp nghĩ xuê xoa, thói quen "đóng cửa bảo nhau", nhất là đối với việc cấp dưới nhận xét lãnh đạo cấp trên thì càng e dè, ngại đụng chạm… (Bởi vậy mà đã từng có đánh giá tới 30% cán bộ "sáng cắp ô đi, tối cắp về", làm việc trì trệ, kém hiệu quả, khiến người dân mất dần niềm tin). Tuy nhiên, khó mấy cũng phải quyết tâm làm, không thể chậm trễ, chần chừ. Vì như đã nói, đây là một công việc hết sức quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội ở Thủ đô, đặc biệt trong thời điểm kinh tế thế giới và đất nước vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Quyết tâm đó đã được Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định tại Hội nghị lần thứ mười một BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội: "Mỗi người chúng ta đều xác định được rằng, đây là việc làm mới, khó, nhưng nếu chúng ta tập trung chỉ đạo làm tốt, chắc chắn sẽ có ý nghĩa và tác dụng rất lớn".
Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn đối với công tác lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, như một số ý kiến dư luận đã băn khoăn bày tỏ, đó là tình trạng lợi dụng dân chủ để lồng động cơ cá nhân không đúng đắn, bỏ phiếu triệt hạ người này, nâng đỡ người kia, làm sai lệch kết quả lấy phiếu tín nhiệm, hoặc người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ "vận động hành lang" để thu lợi cho mình… Lo ngại đó không phải không có cơ sở. Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã nhấn mạnh: "Chúng ta cần có cơ chế, biện pháp ngăn ngừa việc lợi dụng lấy phiếu để làm sai lệch kết quả đánh giá cán bộ; nhưng chúng ta cần có niềm tin vào sự sáng suốt, công bằng của tập thể, của số đông cán bộ. Thiếu niềm tin, thiếu quyết tâm, chúng ta sẽ chẳng dám đổi mới". Trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình chiều 28-6, trao đổi về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã phân tích: "Quan trọng là lấy phiếu có công tâm, khách quan, trong sáng hay không?".
Rõ ràng là để thực hiện thành công việc lấy phiếu tín nhiệm thì yếu tố quan trọng nhất là người bỏ phiếu phải thực sự công tâm, khách quan trong nhận xét, đánh giá cán bộ. Nói cách khác là người bỏ phiếu phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình. Trách nhiệm với lá phiếu để giúp phân loại, đánh giá chính xác chất lượng cán bộ, cũng chính là trách nhiệm với cơ quan, với đồng chí, đồng nghiệp, nói rộng ra là trách nhiệm với sự phát triển bền vững của thành phố cũng như trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước. Tuy nhiên, cũng không thể không nhắc đến một yếu tố cần khác, đó là bảo đảm quy trình lấy phiếu khoa học, trên cơ sở một bộ tiêu chí đầy đủ, khách quan, minh bạch, đặc biệt là phải cung cấp thông tin trung thực về đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm.
Như đã nói, mục tiêu lấy phiếu tín nhiệm còn nhằm để động viên, khích lệ người có tín nhiệm cao, đồng thời nhắc nhở, cảnh tỉnh người có tín nhiệm chưa cao. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp cán bộ nhận rõ mặt mạnh, mặt yếu của mình, qua đó phát huy mặt mạnh, khắc phục hạn chế yếu kém, từ đó phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao. Người cán bộ làm được điều đó chính là đã thể hiện trách nhiệm đối với lá phiếu tín nhiệm của đồng nghiệp, đồng chí gửi gắm nơi mình, thể hiện trách nhiệm với công việc, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, với niềm tin yêu, trông đợi của nhân dân.