Chợ Đồng Xuân ở phương Nam
Xã hội - Ngày đăng : 06:19, 30/06/2013
Cái "chợ" đầy hoài niệm đó có mặt tại TP Hồ Chí Minh đã hơn 12 năm nay. Diện tích "chợ" chỉ rộng hơn 120m2, chia làm hai khu vực kinh doanh thực phẩm và ẩm thực. Cũng khác hoàn toàn Đồng Xuân ở Hà Nội, tiếng là "chợ" nhưng tại đây chỉ có một hộ tiểu thương là gia đình bà Nguyễn Thị Thầu (sinh năm 1954 tại Hà Nội) kinh doanh trên 200 mặt hàng đặc sản khác nhau như: Gạo Pắc Bó, rượu Bắc Ninh, nấm Sa Pa, nấm Tuyên Quang, chè Thái Nguyên, bánh đa cua Hải Phòng, mắm tép, mắm tôm, măng khô, bột sắn dây ướp hoa bưởi và các đặc sản theo mùa... Về ẩm thực, thực đơn quán vô cùng phong phú như bún riêu ốc, bún riêu mọc, bún mọc, miến ngan, miến lươn, cháo trai... được chế biến kỳ công.
Bà Nguyễn Thị Thầu. |
Chính cái tên "Chợ Đồng Xuân" đã thu hút rất nhiều thực khách phương Nam khám phá, thưởng thức để hiểu thêm sự đúc kết "ăn Bắc mặc Nam". Còn những người Hà Nội xa quê thì chỉ cần bước vào đây sẽ như cảm giác được về thăm một góc nào đó của chợ Đồng Xuân quê nhà. Riêng người chủ, việc đặt tên "Chợ Đồng Xuân" chất chứa một câu chuyện, nỗi niềm riêng. Thoăn thoắt chuẩn bị xong tô bún cho khách, bà Nguyễn Thị Thầu trải lòng cùng chúng tôi: "Ở Hà Nội, từ nhỏ tôi đã bán hàng tại chợ Đồng Xuân, cho đến khi lập gia đình, có con, nuôi con cũng nhờ tiền kinh doanh tại chợ. Năm 1994, chợ Đồng Xuân cháy lớn, khiến quầy hàng vải của tôi chỉ còn đống tro tàn. Thiệt hại nặng nề, cả gia đình không biết bám víu vào đâu nên quyết định khăn gói vào TP Hồ Chí Minh kiếm sống. Nhiều lúc tôi muốn quên tất cả, muốn lao vào làm thuê làm mướn, nhưng nhớ chợ, nhớ nhà tôi quyết định mở cửa hàng để buôn bán và đặt tên là "Chợ Đồng Xuân".
Phải đi xa làm ăn, nhưng bà thừa nhận vẫn chưa hết duyên hết nợ với chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, không chỉ từ việc đặt tên cửa hàng mà đến bây giờ, toàn bộ hàng hóa ở đây chủ yếu được lấy từ chợ này. Kể đến đây, ký ức trở lại, bà Thầu ươn ướt nước mắt tâm sự rằng, khi vào TP Hồ Chí Minh, có những khoảng thời gian, vụ hỏa hoạn chợ Đồng Xuân trở thành nỗi sợ hãi, ám ảnh trong chính giấc mơ của bà.
12 năm qua, "Chợ Đồng Xuân" đã nuôi sống gia đình 5 người và đã giúp bà Thầu dần lấy lại cơ nghiệp đã mất. Từ những năm đầu mở cửa, "Chợ Đồng Xuân" chủ yếu phục vụ khách Hà Nội, cán bộ nhân viên hàng không khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và bộ phận người dân miền Bắc vào Nam sinh sống. Dần dần, những món ăn Hà Nội ở đây cùng sự khéo léo buôn bán, nấu nướng chế biến của bà Thầu đã chiếm được lòng khách đủ mọi miền quê. Dù tuổi cũng đã "xế chiều" nhưng đến tận bây giờ, bà Thầu vẫn giữ thói quen ngày còn kinh doanh ở chợ Đồng Xuân năm nào, cứ 4 giờ sáng là bật dậy thổi bếp nấu bún chuẩn bị bữa sáng cho mọi người, giục các con bày biện hàng hóa để đón khách. Cũng cái "nếp" của người phụ nữ Hà Nội, vừa đảm đang và khéo léo, lại hòa nhập với văn hóa kinh doanh miền Nam, bà rất khéo chiều khách. "Khách đặt hàng gì từ Hà Nội là tôi cố gắng liên hệ mua cho bằng được, chủ yếu là mặt hàng ẩm thực, rượu và đồ cúng lễ. Có khi khách đến ăn kêu có nước trà, nhưng thiếu điếu thuốc lá Thăng Long, tôi lại nhờ ngoài Hà Nội gửi vào bằng được", bà Thầu kể.
Ông Nguyễn Xuân Trung, một cán bộ hưu trí và khách hàng quen của bà Thầu tâm sự: "Đây vừa như một chợ Đồng Xuân thu nhỏ, rất nhỏ nhưng lại như một gia đình ấm cúng. Tôi cùng bạn bè gốc Hà Nội thường hay đến hàn huyên những câu chuyện đời, những ký ức về Hà Nội ngày nào. Có được một góc Hà Nội ở thành phố này, âu cũng là một sự ủi an cho những ai phải xa quê hương!".