Chuỗi liên kết giữa sản xuất và phân phối của chúng ta rất lỏng lẻo
Xã hội - Ngày đăng : 05:44, 30/06/2013
Để có cái nhìn toàn diện, đánh giá đúng thực trạng đâu là mặt mạnh, đâu là điểm yếu, từ đó kiến nghị những giải pháp nhằm phát triển hệ thống phân phối, kinh doanh dịch vụ của Hà Nội cũng như của cả nước để kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường bán buôn, bán lẻ, hình thành chuỗi liên kết giữa sản xuất và phân phối, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội về những vấn đề trên.
Hết thời “trăm người bán, vạn người mua”
- Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông đánh giá như thế nào về thị trường Hà Nội hiện nay và triển vọng trong tương lai?
- Gói gọn lại là nhu cầu và tiềm năng rất lớn. Cụ thể, một tháng người dân Hà Nội tiêu dùng khoảng 5 nghìn tỷ đồng hàng hóa, dịch vụ. Con số này là rất cao so với các địa phương khác trong cả nước. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội đã đạt gần 2.500 USD/năm. Mục tiêu đặt ra năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội đạt 4.100 - 4.200 USD, như vậy thời điểm đó, nhu cầu tiêu dùng của người Hà Nội sẽ gấp đôi mức hiện tại. Đây chính là “lực hấp dẫn” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Vũ Vinh Phú. |
- Vậy hệ thống phân phối, kinh doanh dịch vụ của chúng ta đã sẵn sàng đáp ứng có hiệu quả cho những nhu cầu đó?
- Trên thực tế, để tiềm năng trở thành sự thật là cả một quãng đường dài. Hà Nội hiện có 70 siêu thị, 12 trung tâm thương mại và 412 chợ các loại (loại 1, loại 2 và loại 3). Hệ thống siêu thị của Hà Nội trước đây chiếm khoảng 20% thị phần, tuy nhiên sau khi mở rộng địa giới hành chính (1-8-2008), tính toán lại mật độ dân số thì thị phần của hệ thống siêu thị chỉ còn 13%; hơn 40% thị phần là của các chợ; cũng khoảng 40% là thị phần của các cửa hàng bán lẻ, bán rong; số còn lại là các cơ sở sản xuất trực tiếp bán hàng. Như vậy có thể thấy chúng ta vẫn nặng về mua bán theo kiểu truyền thống, kênh thương mại văn minh, hiện đại chưa chiếm lĩnh được thị trường.
- Thưa ông, trước đây có câu “trăm người bán, vạn người mua” nhưng hiện giờ dường như là ngược lại “vạn người bán, trăm người mua”. Điều đó cho thấy vấn đề gì của thị trường?
- Theo tôi, đó là sự thay đổi cơ bản về chất, giúp cho các “thượng đế” có nhiều sự lựa chọn hơn, được chiều chuộng hơn về mặt quyền lợi. Tuy nhiên ở chiều ngược lại là sự cạnh tranh gay gắt giữa các thành phần kinh tế, giữa kênh mua bán truyền thống và kênh mua bán văn minh, giữa tư nhân và Nhà nước, giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Điều đó có những yếu tố tích cực và những hạn chế nhất định.
- Ông có thể cho biết cụ thể hơn về cái được và cái chưa được?
- Tôi lấy ví dụ từ đầu năm 2009 khi chúng ta mở cửa cho các doanh nghiệp (DN) 100% vốn FDI thì rất nhiều thương hiệu bán lẻ, siêu thị nước ngoài vào đầu tư như Metro, BigC, Parkson… Điều này tạo luồng gió mới thay đổi diện mạo ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam và chúng ta được tiếp cận với cách làm ăn chuyên nghiệp. Các DN trong nước cũng buộc phải đổi mới tư duy, cách thức quản lý, kinh doanh mới có thể tồn tại. Sự cạnh tranh đó giúp cho các DN phát triển tốt hơn, song mặt khác lại tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, làm ăn chộp giật, thiếu văn hóa trong kinh doanh giữa các DN của chúng ta với nhau mà đáng lẽ ra họ phải “bắt tay”, liên kết lại để khai thác nguồn hàng, phân bổ lượng hàng hóa…
"Gót chân asin" trong hệ thống phân phối
- Thưa ông, nhìn chung cái được là thấy rõ và ai cũng thích đề cập, nhưng có lẽ chúng ta cần đi sâu phân tích những hạn chế, bất cập của hệ thống phân phối, kinh doanh dịch vụ hiện nay - Điều mà ông luôn cho rằng đó là những điểm yếu “chết người”.
- Vâng, theo tôi điểm yếu đầu tiên là quy hoạch. Cụ thể là quy hoạch phát triển hệ thống phân phối của Hà Nội trong đó có hệ thống phân phối hiện đại gồm các loại hình siêu thị, trung tâm thương mại, mới có khoảng một năm nay. Như vậy là quá chậm, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế đời sống. Do đó, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại của Hà Nội hiện nay phần nhiều là tự phát, chưa đi vào quy củ. Nhiều nơi có tới 3-4 siêu thị, vài trung tâm thương mại nhưng có nơi chả có cái nào. Ngay tại một số khu đô thị mới xây dựng cũng rất thiếu quy hoạch chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm. Đến trường học, trạm y tế, bệnh viện cũng rất thiếu. Có lẽ chúng chỉ tồn tại trên giấy khi chủ đầu tư xây dựng dự án trình ra chủ yếu để xin phê duyệt. Vậy là chợ tạm, chợ cóc bùng phát là lẽ đương nhiên vì đây là nhu cầu tất yếu của đời sống. Thật ngán ngẩm khi chứng kiến cảnh người ta vác gạo hoặc mang bị thịt lợn, thịt bò… lên tầng 15-16 của các chung cư rao bán. Tôi không khôi hài, chuyện đó có thật 100%...
- Nhưng thưa ông, vừa rồi chúng ta cũng có quy hoạch xây dựng thêm một số chợ, trong đó có cả những chợ đầu mối khá lớn, rồi cải tạo lại một số chợ đã có, cũng rất bề thế, hiện đại, văn minh… nhưng nhiều nơi người mua không vào, các tiểu thương cũng nản nên đầu tư nhiều tỷ đồng trở thành lãng phí.
- Chuyện là ở chỗ đó nên tôi mới nói quy hoạch của chúng ta về mạng lưới thương mại là rất yếu. Chợ đầu mối Bắc Thăng Long (Hải Bối, Đông Anh) được xây dựng trên tổng diện tích 30.000m2 nhưng sớm bỏ hoang do không thu hút được tiểu thương. Chợ đầu mối nông sản Xuân Đỉnh (Từ Liêm) cũng “chết yểu” ngay từ ngày đầu đi vào sử dụng. Rồi chợ đầu mối Minh Khai buộc phải “cửa đóng then cài” vì không thu hút được mối hàng do nằm quá gần chợ đầu mối Dịch Vọng… Ở một số chợ khác được cải tạo xây mới như chợ Cửa Nam, Ô Chợ Dừa… khi hoàn thành dự án thì người dân cũng bỏ luôn thói quen vào đó đi chợ. Khu vực bán cá mà xây dựng như văn phòng, kính bịt kín mít, sao có thể hợp lý? Việc quy hoạch đâu là đại siêu thị, đâu là cửa hàng tự chọn, chợ dân sinh; chỗ nào cần xây mới, chỗ nào cần cải tạo… đều phải được cân nhắc, tính toán từ mật độ dân cư, khả năng kinh tế của người dân, vị trí, nguồn hàng, phù hợp đường giao thông thuận tiện và mạng lưới thương mại như cách chợ khác, siêu thị khác bao xa…
- Vấn đề tiếp theo là gì, thưa ông?
- Đó là nguồn hàng như về thực phẩm, Hà Nội chỉ có thể tự đáp ứng 30% nhu cầu về thịt trâu, bò; 70% thịt lợn; 60% rau xanh… Trong khi đó chúng ta lại không dự trữ được nguồn hàng. Trong lý thuyết kinh tế thương mại, lưu thông không có dự trữ coi như không có lưu thông. Điều đó rất nguy hiểm nên các nước họ phải dự trữ từ nhiên liệu như xăng, dầu… cho tới lương thực, thực phẩm. Trở lại câu chuyện của Hà Nội cũng như các địa phương khác trong cả nước, không có nguồn hàng dự trữ dẫn tới việc luôn bị động, tạo nên việc “sốt” giá một số mặt hàng.
- Việc “sốt” giá một số mặt hàng có thể là ảo, do tư thương đầu cơ?
- Đúng là như vậy, nhưng cũng có thể là “sốt” thật do cung - cầu quá lệch nhau.
- Liệu còn có nguyên nhân nào khác không, thưa ông? Ví dụ như chuyện “sốt” đường mới đây, các DN sản xuất trong nước thì báo cáo lượng hàng tồn kho lớn và đề nghị dừng việc nhập khẩu, trong khi giá thành mặt hàng này ở các siêu thị liên tục tăng?
- Tôi được biết lượng đường trong nước sản xuất đang tồn kho khoảng nửa triệu tấn. Giá thành bán ra tại nơi sản xuất chỉ khoảng 13.000 - 14.000 đồng/kg, nhưng giá tại các siêu thị là trên 20.000 đồng/kg. Câu chuyện ở đây là các siêu thị không thể mua được đường trực tiếp từ nơi sản xuất mà phải qua 2-3 “cầu” trung gian. Qua mỗi “cầu” như vậy, từ tổng đại lý đến đại lý cấp 1, cấp 2, mỗi lần giá lại được đẩy thêm 15%. Cuối cùng, ai chịu giá thành đó? Chính là người tiêu dùng. Người tiêu dùng thiệt thòi, người hưởng lợi cũng không phải là nông dân mà chính là các đại lý, các khâu trung gian. Đúng là ở đây không phải chuyện cung - cầu, cũng không phải do việc đầu cơ, mà là chuỗi liên kết giữa sản xuất và phân phối của chúng ta chưa có hoặc rất lỏng lẻo, tạo điều kiện cho các khâu trung gian hưởng lợi. Chuyện này xảy ra cũng khá phổ biến, đặc biệt đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thủy sản…
- Chúng ta đã từng nhấn mạnh vai trò của các DN nhà nước trong việc bình ổn giá thị trường. Tuy nhiên trên thực tế dường như vai trò này còn mờ nhạt?
- Thực tế là như vậy, hiện nay trong lĩnh vực thương mại, tỷ trọng của DN nhà nước chỉ chiếm khoảng 8%, DN ngoài nhà nước gồm DN tư nhân, người bán lẻ, bán rong chiếm tới 81%, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 10,6%. Vậy nên gần 92% nguồn hàng là thị trường tự do quyết định về cung cầu, về giá cả, về chất lượng. Thực hiện việc bình ổn giá, so với mục tiêu đặt ra thì hiệu quả thu được cũng còn hạn chế. Thậm chí có ý kiến cho rằng, việc bình ổn giá hiện chưa đúng đối tượng, hưởng lợi không phải là người nghèo và người có thu nhập thấp trong xã hội.
- Chúng tôi được biết, có những mặt hàng bình ổn giá nhưng giá còn cao hơn giá bán tại một số siêu thị lớn như Metro, BigC… Vì sao có tình trạng này?
- Tôi thừa nhận điều đó, ví dụ như dầu ăn, can 5 lít - mặt hàng được bình ổn giá được một số nơi bán với giá 215.000 đồng, nhưng tại BigC giá chỉ có 203.900 đồng. Hay như bắp cải, trong siêu thị Metro Hà Đông bán với giá 2.700 đồng/kg thì ở các siêu thị của chúng ta vẫn bán với giá 12.000 - 13.000 đồng/kg… Tại sao như vậy, đơn giản vì họ chuyên nghiệp hơn ta, họ có nguồn hàng từ gốc hoặc gần… gốc, còn chúng ta thì có quá nhiều đầu mối trung gian như tôi đã nêu.
Bốc thuốc chữa bệnh
- Thưa ông, với những điểm yếu “chết người” nêu trên, đâu là giải pháp khắc phục?
- Tôi cho rằng, không riêng đối với Hà Nội mà với hệ thống phân phối, kinh doanh thương mại của cả nước hiện nay chúng ta nên bắt đầu từ tầm vĩ mô. Trước hết Nhà nước cần nhận rõ tầm quan trọng đặc biệt của hệ thống phân phối quốc gia để xây dựng luật pháp, thể chế kinh doanh thương mại, cơ chế chính sách phát triển thông thoáng, bền vững. Bên cạnh đó là việc xây dựng kết cấu hạ tầng cho sản xuất và lưu thông hàng hóa bao gồm đường giao thông, cảng biển, kho dự trữ, sàn giao dịch hàng hóa, chợ đầu mối, chợ dân sinh, quy hoạch phát triển các kênh thương mại văn minh như siêu thị, trung tâm thương mại... Đồng thời quy hoạch phát triển sản xuất phân phối trong phạm vi cả nước, tạo điều kiện cho sự liên kết hợp tác sản xuất phân phối giữa các vùng miền trong cả nước, có chính sách, cơ chế để tạo những chuỗi cung sản xuất - phân phối trực tiếp từ sản xuất đến bán lẻ hiệu quả nhất…
- Không lẽ chỉ đề cập tới vai trò của Nhà nước, của các cơ quan quản lý; còn phần trách nhiệm các DN?
- Đó là tận dụng những cơ chế, chính sách mà Nhà nước đã ban hành, tiếp tục nâng cao công tác quản trị DN, tiết kiệm chi phí sản xuất lưu thông. Liên kết hợp tác chặt chẽ, bình đẳng giữa sản xuất với sản xuất, sản xuất với phân phối, phân phối với phân phối tạo sức mạnh tổng hợp, chấp nhận cạnh tranh bình đẳng với các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã có mặt tại thị trường Việt Nam.
- Ở trên, ông đã từng đề cập tới vấn đề văn hóa trong kinh doanh. Cụ thể là như thế nào, thưa ông?
- Đây là một vấn đề rất lớn, không dễ dàng thay đổi trong một sớm, một chiều. Trước hết, nền văn minh lúa nước đã khiến cho tư duy cùng nếp sống tiểu nông hiện nay vẫn hiện hữu trong cung cách làm việc, sinh hoạt ở nhiều nơi. Với một số DN kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, điều đó thể hiện qua cung cách làm ăn chộp giật, manh mún, thiếu chiến lược bài bản. Giữa các DN với nhau thì “anh” nào biết “anh” nấy, tính liên kết lỏng lẻo, không tạo ra sức mạnh của hệ thống. Với đội ngũ tiểu thương, văn hóa trong kinh doanh là việc niêm yết, bán đúng giá, trung thực với xuất xứ nguồn hàng, có trách nhiệm với chất lượng hàng hóa, tôn trọng người tiêu dùng… cũng rất yếu do chúng ta đã trải qua một thời gian sống quen với cơ chế bao cấp. Điều đó cần phải thay đổi trong một xã hội phát triển, có nền thương mại văn minh, hiện đại.
- Còn những vấn đề gì ông thấy cần phải kiến nghị?
- Tôi cho rằng, các ngành chức năng và lãnh đạo các địa phương cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường một cách minh bạch, công khai, quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, trốn thuế. Mục đích cuối cùng là để sản xuất phát triển, giao dịch thương mại nội địa công khai, minh bạch, hiệu quả và đúng luật pháp. Bên cạnh đó, người nông dân và các DN cần đầu tư khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Ví dụ, một héc ta đất của Israel hiện cho 3 triệu bông hồng, hay 500 tấn cà chua/vụ, trong khi đó chúng ta chỉ thu hoạch bình quân khoảng 10 tấn cà chua. Khi năng suất thấp như vậy thì giá thành sản phẩm sẽ bị đẩy lên cao và khả năng cạnh tranh là rất yếu…
- Cảm ơn ông về những vấn đề trao đổi.