Liên minh Châu Âu: Nguy cơ đánh mất cả một thế hệ
Thế giới - Ngày đăng : 05:30, 30/06/2013
Chương trình nghị sự kỳ này là những vấn đề không mới nhưng cấp bách với EU như thiết lập liên minh ngân hàng, những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, tăng cường tài chính cho nền kinh tế và mở rộng khối…
Khủng hoảng nợ đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở Châu Âu lên mức báo động. |
Diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn khu vực vẫn ảm đạm đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ được một số nhà lãnh đạo Châu Âu gần đây tuyên bố lạc quan là "đã ở lại phía sau". Song thực tế, kinh tế Châu Âu vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng sâu sắc nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhiều quốc gia đã trải qua suy thoái tháng thứ sáu liên tiếp. Trong khi đó, Ủy ban Châu Âu (EC) mới đây dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế của EU năm nay chỉ vỏn vẹn 0,1% và số người thất nghiệp toàn khu vực lên tới hơn 30 triệu người. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ từ 15-24 tuổi chiếm 12% (hơn 26 triệu người). Một số nước có tỷ lệ thất nghiệp ngoài sức tưởng tượng như Hy Lạp (62,5%), Tây Ban Nha (56,4%), Bồ Đào Nha (42,5%) và Italia là 40,5%. Ngay cả những quốc gia có số người thất nghiệp thấp thì tỷ lệ cũng lên tới 7,5% như Đức, 8% như Áo và 10,6% như Hà Lan. Điều này dẫn đến việc chăm sóc y tế, lương hưu và các hệ thống xã hội đang bên bờ vực sụp đổ.
Vì lẽ đó nên dù hội nghị đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng như để Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vay tiền, huy động ngân sách dài hạn trị giá 960 tỷ euro trong giai đoạn 2014-2020 và đưa ra các quy định mới nhằm giảm gánh nặng của người dân trong việc giải cứu các ngân hàng bị đổ vỡ, song mọi chú ý lại đổ dồn vào quyết định tăng ngân quỹ đối phó với tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ. Theo đó, từ tháng 1-2014, EU bắt đầu triển khai dự án tạo việc làm trị giá 6 tỷ euro và có thể được bổ sung thêm 2 tỷ euro nữa từ các quỹ dành cho các lĩnh vực khác chưa được sử dụng đến. Dự án này chủ yếu tập trung hỗ trợ mục tiêu tìm kiếm, tạo việc làm và đào tạo nghề cho thanh niên, đặc biệt ở những nước có tỷ lệ thất nghiệp lên tới hơn 25%.
Những động thái nêu trên là bước đi nhận được nhiều đồng tình trong khu vực, nhất là vào thời điểm mối lo Châu Âu có thể đánh mất toàn bộ một thế hệ trẻ ngày càng tăng khi các nhà lãnh đạo chỉ tập trung để cứu hệ thống ngân hàng đang ngày càng tỏ ra khó kiểm soát. Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ khu vực xảy ra đầu tiên ở Hy Lạp (cuối năm 2009), hầu như tất cả các giải pháp đưa ra đều hướng tới cơ chế giải cứu các hệ thống tài chính với đầy rẫy những bất ổn. Thế nhưng, EU hầu như chưa thể làm gì để giải quyết những tác động của cuộc khủng hoảng nói trên về mặt xã hội.
Trong khi đó, tình trạng thất nghiệp là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc biểu tình và bạo động ở miền Nam Châu Âu thời gian qua. Nghiêm trọng hơn nữa là tỷ lệ mất việc làm tăng cao sẽ làm gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội trên diện rộng, khiến giới trẻ hoàn toàn mất lòng tin vào khả năng giải quyết khủng hoảng của EU. Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz cho rằng "chúng ta đang có nguy cơ để mất cả một thế hệ". Theo quan điểm của ông, nếu thế hệ trẻ mất lòng tin thì EU thực sự "lâm nguy".
Xem ra, những lo ngại đó không phải không có cơ sở. Vì trong suốt 40 năm qua, thu nhập không ngừng tăng ở những nước như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Italia và Bồ Đào Nha… đã cho phép các tầng lớp lao động có thể đầu tư nhiều hơn bao giờ hết cho giáo dục; tạo cho giới trẻ khả năng kiếm được việc làm tại bất kỳ nơi nào ở Châu Âu không quá khó khăn. Nhưng mọi việc dường như đã thay đổi khi cuộc khủng hoảng nợ đã và đang làm sụp đổ ước mơ của hàng triệu người trẻ. Sinh viên ra trường với tấm bằng loại ưu không thể tìm được việc làm không còn là hiếm ở Cựu lục địa. Đây là một vấn đề kinh tế, nhưng đã trở thành bài toán chính trị - xã hội gai góc buộc giới "tinh hoa" EU phải xem xét nghiêm túc để tránh hủy hoại cả một thế hệ.