"Chạy đua" hạ lãi suất cho vay

Kinh tế - Ngày đăng : 07:46, 29/06/2013

(HNM) - Vấn đề được nhiều đại diện ngân hàng quan tâm là tìm cách đẩy vốn ra nền kinh tế nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho hệ thống.

Theo NHNN chi nhánh Hà Nội, đến hết tháng 6, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tập trung nguồn vốn để cho vay sản xuất kinh doanh, nhất là với nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa, cũng như xuất khẩu. Song chất lượng tín dụng có dấu hiệu suy giảm, nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của các khối ngân hàng đều tăng. Đến hết tháng 5, nợ xấu chiếm 6,58% so với tổng dư nợ, tăng 1,54% so với cuối năm 2012.

Hoạt động giao dịch của Ngân hàng Vietcombank. Ảnh: Hải Linh



Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống được đặt ra trong năm 2013 là 12%, nhưng đến nay mới chỉ ở mức khoảng 2% đối với các ngân hàng trên địa bàn và gần 3% cho toàn hệ thống. Như vậy, 6 tháng còn lại phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng để đạt thêm 10%. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không phải là nguồn vốn, bởi hầu hết đều dư thừa, khó khăn là tìm được khách hàng để cho vay. Hiện có khoảng 70-80% DN không đáp ứng điều kiện cho vay. Do đó, để có tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng tính đến cách hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng, thậm chí còn cạnh tranh với ngân hàng khác bằng việc mua lại nợ để "kéo" khách hàng. Sức ép hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng có thể đẩy ngân hàng vào rủi ro. Cộng với đó, để có thể tăng trưởng, ngân hàng lại triển khai những chương trình cho vay tiêu dùng với những điều kiện dễ dàng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tín dụng.

Có nên tiếp tục giảm, bỏ trần lãi suất?

Nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, NHNN nên cân nhắc đến việc có hay không tiếp tục giảm lãi suất, bởi chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay là 2% sẽ gây khó khăn trong việc cấu trúc và sử dụng nguồn vốn, đẩy ngân hàng vào rủi ro. Các đại biểu cũng cảnh báo, nếu tiếp tục nới lỏng tiền tệ và tín dụng, lạm phát có nguy cơ tăng trở lại.

Về việc áp dụng "trần" lãi suất, lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư-Phát triển (BIDV) cho rằng, NHNN đang có những chính sách dần tiến tới bỏ trần lãi suất là hợp lý. Trong điều kiện dư thừa nguồn vốn, tính thanh khoản được bảo đảm, việc dỡ bỏ trần lãi suất sẽ giúp các ngân hàng đưa ra mức lãi suất phù hợp, tạo ra kênh luân chuyển nguồn vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu. Nếu vẫn áp dụng trần lãi suất, những ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ sẽ bị "lép vế", bởi người gửi tiền sẽ chỉ chọn ngân hàng lớn để gửi nếu lãi suất huy động như nhau.

Trước đây chủ yếu chỉ có những cuộc "chạy đua" về lãi suất huy động, không có cuộc "đua" về lãi suất cho vay như hiện nay. "Sức khỏe" DN đi xuống, ít DN đáp ứng được điều kiện vay khiến các ngân hàng phải cạnh tranh quyết liệt để lôi kéo khách. Nếu một ngân hàng "chào" DN với lãi suất 10%/năm, sẽ có ngân hàng khác mời mức 9%/năm, thậm chí là 8%/năm, 7%/năm, đẩy chính các ngân hàng vào thế khó. Lợi dụng tình trạng này, một số DN đã thu lợi bằng việc vay ngân hàng với lãi suất thấp, mang gửi lại để hưởng chênh lệch. Đây được coi là hình thức cạnh tranh thiếu lành mạnh, tác động tiêu cực tới ngân hàng trong hệ thống.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát. Thành phố rất quan tâm đến chỉ số tăng trưởng tín dụng, nhưng không có nghĩa là chấp nhận hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng.

Thanh Nga