Công tác y tế dự phòng: Đã thiếu lại yếu

Xã hội - Ngày đăng : 07:32, 29/06/2013

(HNM) -

Cán bộ y tế dự phòng phun thuốc phòng bệnh tại những khu vực có nguy cơ cao.


Hiện nay, mạng lưới y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh có 12 trung tâm chuyên môn cấp thành phố (y tế dự phòng; bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường; dinh dưỡng; truyền thông giáo dục và sức khỏe; kiểm dịch y tế quốc tế; kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, dược phẩm; chăm sóc sức khỏe sinh sản; kiểm chuẩn xét nghiệm; xét nghiệm y khoa; pháp y; giám định y khoa; giám định pháp y tâm thần; chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm; chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình), 24 trung tâm y tế dự phòng quận, huyện và 322 trạm y tế phường, xã, thị trấn.

Bộ khung là như vậy, nhưng nhìn vào chiều sâu ngành y tế dự phòng ở thành phố, nhiều chuyên gia cho rằng còn nhiều lỗ hổng, yếu nhất vẫn là nhân lực. Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu như các bác sĩ của hệ dự phòng đều từ hệ điều trị chuyển sang, thiếu những người được đào tạo chính quy về y tế dự phòng, vì thế công tác phòng chống dịch thời gian qua chưa đạt như mong muốn. Nhân viên y tế dự phòng phải xuống cộng đồng để tuyên truyền, giáo dục, điều tra, xử lý ổ dịch, chứ ít dùng đến máy móc và thiết bị kỹ thuật như lĩnh vực điều trị. Ngành này phần lớn là dùng đến sức người, nhưng định mức nhân sự lại rất thấp. Hơn 10 triệu dân mà chỉ có hơn 5.000 cán bộ y tế dự phòng là con số "khiêm tốn". Không ai muốn làm bác sĩ dự phòng, vì chế độ đãi ngộ thấp, không thể sống được bằng lương. Ngoài ra, bác sĩ ở hệ thống y tế dự phòng không có điều kiện phát triển nghề nghiệp. Ở TP Hồ Chí Minh, trung tâm y tế dự phòng của một số quận từng cử người đi học bác sĩ chuyên tu bằng ngân sách nhà nước, nhưng học xong họ chấp nhận đền tiền để được… ra đi. Chính vì nhân lực y tế dự phòng yếu, "chắp vá" nên đã góp phần gây nên tình trạng quá tải bệnh viện tại thành phố, nhất là khi dịch bệnh tấn công cộng đồng.

Trước vấn đề bức xúc trên, trong tháng 5 và tháng 6-2013, Ban Văn hóa xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh đã có đợt giám sát chuyên đề về lĩnh vực này và đưa ra nhận định, công tác y tế dự phòng còn hạn chế nhiều mặt, đặc biệt là hoạt động chuyên môn chưa kết nối được với các sở, ban, ngành khác. Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng đoàn giám sát cho biết, tới đây, HĐND thành phố tiếp tục giám sát và yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng thành phố rà soát lại quy chế hoạt động, xây dựng các chiến lược cụ thể của ngành, trong đó yêu cầu tập trung phát triển cho y tế dự phòng cả về cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo từng khu vực nội thành, ngoại thành.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang, ngành y tế dự phòng thành phố cần đề xuất với cơ quan chủ quản cấp ngân sách theo biên chế và theo hộ dân thì mới giải quyết được tình trạng thiếu hụt nhân lực và kinh phí làm dự phòng. Theo ông Giang, TP Hồ Chí Minh là đơn vị yếu trong y tế dự phòng nên cơ quan chức năng cũng cần sớm có giải pháp phù hợp.

Việt Tuấn