Gắn kết cử tri với đại biểu dân cử
Chính trị - Ngày đăng : 07:16, 29/06/2013
Tại đề án "Đổi mới công tác tiếp dân của đại biểu HĐND TP Hà Nội", có một yêu cầu bắt buộc định kỳ hằng tháng, các đại biểu phải xuống tiếp dân tại nơi mình ứng cử. Có thể nói, việc trực tiếp về địa phương gặp gỡ cử tri là bước thay đổi căn bản trong công tác tiếp dân của đại biểu HĐND TP, thay vì 3-4 tháng các tổ đại biểu mới có dịp ngồi ở phòng tiếp dân thành phố đợi công dân đến phản ánh như trước kia.
Cử tri quận Ba Đình đóng góp ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri của HĐND TP (tháng 6-2013). Ảnh: Bá Hoạt |
Theo đánh giá bước đầu của Thường trực HĐND TP Hà Nội, từ khi triển khai đề án, số buổi và số lượt đại biểu tham gia tiếp công dân đã tăng so với tổ chức tiếp tại trụ sở tiếp dân thành phố. Công tác tiếp công dân đã được 29 tổ đại biểu thực hiện nghiêm túc. Theo số liệu thống kê đến tháng 4, các đại biểu HĐND đã tổ chức 87 buổi tiếp công dân, nhận 400 đơn, xử lý, chuyển gần 300 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền. Tình trạng một công dân khiếu kiện gặp gỡ nhiều lượt đại biểu về cùng một vấn đề từng bước được hạn chế.
Cử tri Đào Hồng Hạnh ở Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên đánh giá, việc các tổ đại biểu về tiếp dân tại địa phương ứng cử giúp cử tri khỏi phải lặn lội đi xa mỗi khi có việc cần. Điều này sẽ giúp các đại biểu nắm bắt địa bàn tốt hơn và gần gũi cử tri hơn.
Còn với các đại biểu dân cử, đề án cũng mang lại những hiệu quả tích cực. Theo đại biểu Phạm Ngọc Thạch, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND TP ứng cử tại huyện Mỹ Đức, việc tổ chức tiếp công dân tại nơi ứng cử giúp các đại biểu nắm bắt vấn đề dễ dàng hơn, ý thức trách nhiệm rõ hơn. Cách làm này khác hẳn trước đây, khi tiếp dân tại trụ sở tiếp dân của thành phố (20 Hoàng Diệu, quận Hà Đông), phần lớn là tiếp công dân quận Hà Đông và có nhiều vụ việc, đại biểu không thực sự nắm bắt, sâu sát vấn đề cử tri phản ánh.
Với đại biểu Nguyễn Văn Xuyên, Tổ trưởng Tổ đại biểu ứng cử tại huyện Ứng Hòa, hiệu quả những buổi tiếp dân ở cơ sở khá rõ nét. Tại những buổi tiếp xúc, ngoài đại biểu HĐND TP còn có lãnh đạo UBND, các phòng, ban của huyện nên công dân được giải thích, hướng dẫn, trả lời rõ ràng, nhiều vấn đề được giải quyết ngay tại chỗ. Vì thế, bà con đến ngày một đông, từ chỗ lác đác vài người trong tháng đầu, đến nay đã lên tới hơn 20 lượt người mỗi buổi.
Nâng cao trách nhiệm
Tiếp công dân và đôn đốc giải quyết đơn, thư là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của đại biểu dân cử nói chung, đại biểu HĐND các cấp TP Hà Nội nói riêng. Thông qua đó, đại biểu HĐND thực hiện chức năng đại diện của mình, đồng thời thực hiện quyền giám sát đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi pháp luật. Đáng tiếc là, một số đại biểu dường như chưa nhận thức hết trách nhiệm của mình trong công tác này. Sau 3 tháng triển khai đề án, toàn thành phố hiện có 20 đại biểu chưa tham gia tiếp công dân. Vẫn còn hiện tượng một số đại biểu chỉ dừng lại ở việc gặp gỡ, trao đổi và chuyển đơn của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền, chưa chú trọng đến việc hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại tố cáo và theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn, thư.
Đại biểu Vũ Đức Bảo, Tổ trưởng Tổ đại biểu ứng cử tại quận Long Biên thẳng thắn đề cập một số vấn đề tồn tại cần khắc phục trong công tác tiếp dân. Đó là một số đại biểu là lãnh đạo thành phố, các sở, ngành ít tham gia tiếp công dân. Việc đôn đốc, giám sát giải quyết sau buổi tiếp công dân còn yếu. Đại biểu đề xuất, đối với các vụ việc nổi cộm, cần chuyển thành tiếp dân chuyên đề với sự tham gia của lãnh đạo thành phố và các sở, ngành mới thực sự hiệu quả.
Hình thức tiếp dân tại nơi ứng cử đã giúp thắt chặt hơn mối quan hệ giữa cử tri và các đại biểu hội đồng. Tuy nhiên, thước đo để đánh giá công tác tiếp dân lại chính là hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý các thông tin cử tri kiến nghị đến đâu. Yêu cầu từng đại biểu nêu cao trách nhiệm người đại biểu nhân dân trong việc nắm bắt, thu thập, theo dõi và đôn đốc việc giải quyết kiến nghị, đơn, thư của cử tri, nhất là cử tri tại đơn vị ứng cử, kịp thời chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết ngay từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng và đơn, thư khiếu nại vượt cấp là nguyện vọng, mong mỏi của đông đảo cử tri thành phố.