Hồi kết của cuộc chiến pháp lý dai dẳng

Hồ sơ - Ngày đăng : 06:47, 28/06/2013

(HNM) - Cuộc chiến pháp lý giữa giáo sĩ cực đoan Abu Qatada và Chính phủ Anh đã trở nên ầm ĩ nhiều tháng nay.

Kể từ khi London cố gắng trục xuất ông Qatada ra khỏi xứ sở Sương mù năm 2005, nó đã ngốn ngân sách của Anh tới 1,7 triệu bảng. Tuy nhiên, cuộc đấu pháp lý chỉ kết thúc khi Quốc hội Anh thông qua Hiệp định hỗ trợ tư pháp mà chính phủ nước này ký kết với Jordan (hồi tháng 3-2013) nhằm dẫn độ giáo sĩ Qatada hiện đang bị giam giữ tại Anh về Jordan để đối mặt với những cáo buộc phạm tội khủng bố.


Giáo sĩ Qatada tên thật là Omar Othman, 51 tuổi, được coi là cánh tay mặt của trùm khủng bố Osama bin Laden. Qatada đến Anh năm 1993 với giấy tờ giả, bị bắt tại nước này năm 2002, bị giam tại nhà tù Long Lartin ở hạt Worcestershire nhưng lại được thả vào tháng 11-2012. Tháng 3-2013, Cơ quan biên giới Anh (UKBA) bắt giam trở lại Qatada với cáo buộc vi phạm các điều kiện về bảo lãnh. Theo đó ông chỉ được phép ra khỏi nhà trong khoảng thời gian từ 8h đến 16h, phải đeo một thẻ điện tử và hạn chế gặp một số người.

Theo hồ sơ của Cơ quan Phản gián Anh (MI-5) thì Qatada là tác giả của một fatwa (sắc dụ Hồi giáo) cách đây 10 năm kêu gọi người Hồi giáo tham gia vào cuộc thánh chiến mở rộng chống phương Tây và tàn sát các công dân Anh và Mỹ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ. Vị giáo sĩ này kêu gọi người Hồi giáo tấn công nhằm vào người Mỹ và cả những ai cộng tác với Washington. Sắc dụ Hồi giáo của Qatada cũng đưa ra lời bào chữa về sự kiện 11-9 đã giết hại gần 3.000 người vô tội. Cũng theo hồ sơ của MI-5, Qatada cũng từng phát đi một fatwa nổi tiếng vào năm 1995 kêu gọi người Hồi giáo tàn sát phụ nữ và trẻ em trong cuộc nội chiến ở Algeria. Nhóm khủng bố Algeria (GIA) đã lợi dụng fatwa để ra tay giết hàng nghìn người dân ở nước này. Vị giáo sĩ cực đoan cũng được xem là có liên quan đến nhóm khủng bố cực hữu ở thành phố Hamburg (Đức), bởi Cảnh sát Đức đã tìm thấy 18 video ghi lại những bài thuyết giáo của Qatada trong một căn hộ ở đây, nơi một số phần tử khủng bố trú ngụ.

Mặc dù vậy, Qatada vẫn chưa một lần bị kết án tại Anh. Trong khi đó, chính quyền Jordan liên tục yêu cầu dẫn độ nhân vật này về quốc gia Trung Đông, nơi ông ta từng bị tòa án kết tội vắng mặt vì tiến hành các hoạt động khủng bố. Tuy nhiên, Qatada liên tục kháng án lên các tòa án của Anh, phản đối việc bị trục xuất do lo ngại bị đối xử vô nhân đạo và sẽ bị xét xử một cách không công bằng ở Jordan. Năm 2002, khi bị bắt lần đầu tiên, London đã cố gắng tìm cách dẫn độ giáo sĩ này về Jordan thụ án nhưng không được Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) chấp thuận vì lo ngại ông này sẽ bị tra tấn. Đến tháng 4-2012, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May tiếp tục ra lệnh trục xuất Qatada, thế nhưng vào trung tuần tháng 11-2012, Ủy ban đặc biệt về di trú (SIAC) của Anh đã bác bỏ yêu cầu này.

Hồi tháng 3 năm nay, Anh và Jordan đã thông qua Hiệp định hỗ trợ tư pháp, mở đường cho việc trục xuất Qatada. Quyền Bộ trưởng Thông tin của Jordan, ông Nayef al-Fayef tuyên bố, chính quyền Jordan chia sẻ với Anh về quyết định khó chấp nhận được của SIAC, đồng thời cam kết Hiến pháp Jordan và tòa án sẽ mở phiên tòa xét xử công minh đối với Qatada. Hiện tại, hiệp định này vẫn cần thêm một số thủ tục hành chính trước khi có hiệu lực, trong đó có việc xuất bản trên một tờ báo chính thức ở Jordan và trao đổi công hàm ngoại giao giữa hai nước. Dư luận cho rằng, đó chỉ là vấn đề mang tính thủ tục và cuộc chiến pháp lý dai dẳng này đang bước vào hồi kết.

Trung Hiếu