Sẽ xử lý nghiêm những người cố tình cản trở

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:13, 28/06/2013

(HNM) - Được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư xây dựng từ tháng 7-2009, theo đúng tiến độ ban đầu, Nhà máy Xử lý nước thải (NMXLNT) tại thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) được xây dựng từ năm 2011.


Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động, NMXLNT sẽ khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn thị xã, đồng thời nâng cao chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, đã 4 năm trôi qua, dự án vẫn nằm nguyên trên giấy do vấp phải phản ứng của một số người dân trong khâu giải phóng mặt bằng. Tại cuộc họp báo chiều 27-6, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn khẳng định: Sẽ thực hiện cưỡng chế GPMB để lấy đất thực hiện dự án ngay trong tháng 7-2013!

Trạm bơm Trịnh Nguyễn, sát dự án Nhà máy Xử lý nước thải Từ Sơn, cũng phải ngừng thi công vì bị một số hộ dân cản trở.



Tính cấp thiết của một dự án dân sinh

Xét đề nghị của UBND tỉnh Bắc Ninh tại văn bản số 1011/TTr-HTKT ngày 15-6-2009 và ý kiến của các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án NMXLNT tại thị xã Từ Sơn theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), ngày 16-7-2009, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1161/TTg-KTN chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án. Ngay sau khi nhận được văn bản nêu trên, UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND thị xã Từ Sơn cùng các cơ quan chức năng và chủ đầu tư dự án đã tiến hành thủ tục pháp lý về bồi thường, thu hồi đất nhằm GPMB, lấy đất thực hiện dự án theo đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật. Tiếp đó, ngày 7-1-2010, UBND tỉnh có Quyết định số 14/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư NMXLNT tại thị xã Từ Sơn với tổng công suất thiết kế 30.000m3/ngày đêm. Nhà đầu tư được lựa chọn là Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Phú Điền (đại diện cho Công ty CPĐT Phát triển môi trường SFC Việt Nam và Công ty CP Chứng khoán quốc tế Hoàng Gia). Theo đó, giai đoạn I của NMXLNT sẽ được hoàn thành vào năm 2015 với công suất vận hành 20.000m3/ngày đêm, có nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải cho 7 phường; giai đoạn II sẽ hoàn thành vào năm 2020 với công suất 10.000m3/ngày đêm, có nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải tại các khu vực còn lại.

Theo các chuyên gia môi trường, việc xây dựng NMXLNT tại Từ Sơn là việc làm vô cùng bức thiết, có tác động tích cực nhằm cải tạo môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Với đặc thù có nhiều làng nghề so với các đô thị khác, lượng nước thải tại Từ Sơn có mức độ ô nhiễm cao và rất độc hại. Kết quả khảo sát môi trường tại các làng nghề sản xuất thép Đa Hội, đồ gỗ Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc, dệt vải Hồi Quan… cho thấy, môi trường đất, nước và không khí đều trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Hầu hết hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, nước mưa, nước thải công nghiệp… đều dùng chung một hệ thống tiêu thoát mà không hề có bất cứ biện pháp xử lý nào. Nước thải chưa qua xử lý được thải trực tiếp vào sông Ngũ Huyện Khê, từ đó gây ô nhiễm sông Cầu và hệ thống sông Thái Bình - là nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu của hàng triệu người dân. Như vậy, nguồn nước thải ô nhiễm của thị xã Từ Sơn không những đang ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 200.000 người dân thị xã mà còn ảnh hưởng đến hàng triệu người dân trong lưu vực sông Cầu - hệ thống sông Thái Bình. Việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng NMXLNT tại Từ Sơn thể hiện tầm nhìn cũng như tính ưu việt của dự án đối với sự phát triển của địa phương và đời sống của người dân.

Lợi ích của cộng đồng bị một số cá nhân cản trở

Dự án vì lợi ích chung của cộng đồng dân cư Từ Sơn này đã nhận được sự ủng hộ của đại đa số bà con khu vực. Trong tổng số 62 hộ dân thuộc diện GPMB, hiện đã có 39 hộ (chiếm gần 70%) nhận tiền đền bù qua 6 lần Hội đồng GPMB chi trả tiền. Tuy nhiên, các hộ còn lại vẫn tiếp tục tập trung khiếu kiện đông người, gửi đơn vượt cấp đến nhiều cơ quan và cấp có thẩm quyền. Những ngày cuối tháng 6 này, bất chấp thời tiết nắng nóng, nhiều người vẫn tụ tập ở khu vực dự án xây dựng NMXLNT, căng băng - rôn, biểu ngữ, phản đối việc cưỡng chế thu hồi đất để xây dựng nhà máy. Để tiếp cận khu vực này, chúng tôi phải mượn xe máy của cán bộ phường Châu Khê, đội mũ bảo hiểm che kín mặt, vượt qua mấy kilômét bụi mù bùn đất để đến được trạm bơm Trịnh Nguyễn, sát khu đất Dự án NMXLNT Từ Sơn. Khu vực trạm bơm đang được cải tạo cũng bị chậm tiến độ do người dân tụ tập, phản đối GPMB NMXLNT. Có khá nhiều người đang tập trung tại đây, họ nhìn người lạ bằng ánh mắt dò xét, cảnh giác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những lý do khiếu kiện mà người dân đưa ra là nhà máy xây dựng quá gần khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân; vị trí xây nhà máy ở đầu hệ thống tưới tiêu của gần 100 mẫu ruộng, đất thuộc diện phải thu hồi là đất canh tác "bờ xôi ruộng mật", trong đó có nhiều diện tích đã cấp cho các gia đình chính sách. Thậm chí một số người còn khiếu kiện việc cán bộ địa phương không minh bạch trong công tác đền bù, GPMB, yêu cầu di dời vị trí xây dựng nhà máy đến khu Đồng Khô cách đó khoảng 1km.

Về những nội dung khiếu kiện trên, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Bắc Ninh, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp đều đã có văn bản trả lời, cán bộ có thẩm quyền cũng đã tổ chức hội nghị nhân dân, thậm chí đến tận nhà từng hộ khiếu kiện để vận động, giải thích. Mới đây, ngày 11-6-2013, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 11/BXD-HTKT khẳng định, vị trí NMXLNT Từ Sơn đã được xác định trong quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 213/QĐ-SXD của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh. Về quy định đối với khoảng cách ly tối thiểu từ NMXLNT đến khu vực dân cư gần nhất, căn cứ QCVN 07:2010/BXD thì khoảng cách tối thiểu là 30m. Trong khi đó theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, khoảng cách 150m từ NMXLNT Từ Sơn đến khu dân cư gần nhất được Bộ Xây dựng khẳng định là "phù hợp với quy định hiện hành". Về công nghệ xử lý nước thải đã được lựa chọn cho NMXLNT Từ Sơn, Bộ cho biết đây là công nghệ xử lý sinh học hiếu khí bùn hoạt tính tuần hoàn, gọi tắt là C-tech. Đây là loại công nghệ đang được ứng dụng rộng rãi trong các công trình xử lý nước thải lớn của thế giới và Việt Nam như NMXLNT Yên Sở, Hồ Tây (Hà Nội), thành phố Bắc Ninh, VSIP Bắc Ninh, thành phố Vinh - Nghệ An… Theo thiết kế của dự án, toàn bộ nhà máy được xây kín, nước thải sau khi xử lý đạt quy định tại cột A, QCVN 14:2008/BTNMT sẽ được xả ra sông Ngũ Huyện Khê. Công nghệ này được đánh giá là không ảnh hưởng đến đời sống cũng như sinh hoạt của người dân trong vùng dự án. Đơn vị tư vấn dự án cho biết thêm, nguồn nước sau xử lý người dân có thể sử dụng tưới cây, rửa xe…

Trả lời ý kiến đề nghị di chuyển dự án đến khu Đồng Khô, ngày 17-6-2013, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Quyết định số 684/QĐ-UBND khẳng định, việc này là "không có căn cứ để giải quyết! Việc xác định vị trí NMXLNT Từ Sơn bảo đảm tuân thủ các quy định về quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch dự án, khảo sát của Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị. Sau đó Sở Xây dựng Bắc Ninh cũng đã có văn bản ngày 25-6-2013 cho biết, khu vực Đồng Khô đã được cấp có thẩm quyền bố trí đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như trường học, trường mầm non, nhà văn hóa và hai tuyến đường trục chính đô thị, trong đó có tỉnh lộ 277 từ trung tâm thị xã đến khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đang được triển khai xây dựng.

Ngày 27-6, trong cuộc gặp gỡ với các cơ quan báo chí trung ương, Hà Nội và Bắc Ninh, ông Nguyễn Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn một lần nữa khẳng định: "Dự án xây dựng NMXLNT Từ Sơn là một dự án dân sinh, phục vụ mục đích công cộng, không phục vụ một nhóm lợi ích nào. Dự án hoàn toàn xây dựng bằng ngân sách nhà nước. Nếu được triển khai đúng tiến độ thì nhà máy đã phải được xây dựng từ năm 2011, nay đã chậm mất hai năm, chậm thêm ngày nào bà con khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường ngày đó. Ngày 1-7 là thời điểm quyết định cưỡng chế có hiệu lực, những ngày tới chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động, thuyết phục những hộ dân còn lại nhận tiền đền bù, nếu vẫn còn hộ cố tình chống đối, chúng tôi sẽ xem xét, khi đủ điều kiện và thời điểm thích hợp sẽ tổ chức cưỡng chế theo luật định".

Xây dựng NMXLNT tại thị xã Từ Sơn không chỉ bảo đảm cuộc sống an toàn cho người dân hôm nay mà còn có ý nghĩa không nhỏ trong việc giữ gìn môi trường trong lành cho các thế hệ sau. Tuy nhiên, chỉ vì sự phản đối vô lý của một số ít người dân mà dự án có ý nghĩa xã hội lớn lao này đã bị chậm tiến độ đến hai năm. Điều này nói lên sự thiếu kiên quyết, triệt để của chính quyền cơ sở cũng như sự hoạt động kém hiệu quả của các cấp ủy đảng và các tổ chức đoàn thể trong việc vận động người dân chấp hành quy định pháp luật, nhất là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bảo Nga - Ngọc Thủy