Phụ nữ, hãy đừng đánh mất mình!

Xã hội - Ngày đăng : 06:06, 28/06/2013

(HNM) - “Khi phụ nữ tự đánh mất quyền con người của bản thân thì không đủ khả năng che chở, bảo vệ những đứa con thân yêu trước sự bạo hành của người chồng, người cha hay sự cám dỗ của xã hội

Gia đình hạnh phúc. Ảnh: Đan Toàn


Những con số biết nói

Đại diện cho hàng nghìn chị em từng tạm trú tại Ngôi nhà bình yên (NNBY), một phụ nữ (PN) cư trú tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: Tôi bị bạo lực gia đình (BLGĐ) suốt 15 năm trời mà không ai hay biết. Như bao PN Việt Nam khác, tôi nghĩ PN khi lấy chồng, sinh con nên biết nhẫn nhục, chịu đựng cho gia đình cơm lành canh ngọt, chồng dù tốt hay xấu vẫn là chồng mình, bố của con mình, "xấu chàng hổ ai"… Giữ nếp nghĩ ấy, tôi bị chồng đối xử không ra gì ngay sau khi kết hôn nhưng vẫn âm thầm chịu đựng. Chồng tôi có thú vui cờ bạc, rượu bia, cá cược bóng đá, thậm chí bồ bịch, hễ thua bạc hay chán chường bên ngoài là về đánh chửi vợ con. Hai đứa con tôi phải chứng kiến các cuộc cãi vã, đánh nhau của bố mẹ nên đều bị mắc chứng trầm cảm. Năm con trai tôi học lớp 7, tôi giật mình phát hiện ra những dấu hiệu bất thường trong suy nghĩ của con. Con tôi hay giấu dao ở giường, đề phòng bố đánh mẹ thì còn có cách cứu. Lúc này tôi mới nhận ra chính sự nhẫn nhục, chịu đựng của tôi khiến con tôi đã có suy nghĩ mẹ là người yếu đuối, cần phải bảo vệ... Tình trạng này kéo dài rất có thể con tôi sẽ có hành động bạo lực (BL) với chính bố đẻ của mình. Tìm đến NNBY để tạm lánh, hiện ba mẹ con tôi đang sống vui vẻ, các cháu chăm chỉ học hành, chan hòa với những người xung quanh.

Một ví dụ khác "điển hình" của tình trạng PN bị BLGĐ là một bé gái mới 14 tuổi, dân tộc Mông (Điện Biên). Cháu cho biết: "Gia đình có 5 chị em, cháu là chị cả. Bố cháu hay uống rượu, hay đánh mẹ. Vì chung sống không hạnh phúc, bố cháu có "người yêu", mẹ cháu cũng có "người yêu". Mẹ mang theo cháu trốn sang Hà Giang lấy chồng khác, bỏ lại 4 đứa em cho bố cháu. Cháu rất sợ bố mới, mấy lần ông ấy bảo cháu ngủ với ông và đẻ cho ông một đứa con trai, một đứa con gái. Một hôm, em gái của bố mới ở Trung Quốc về thăm bảo cháu sang Trung Quốc lấy chồng cho sướng. Thế là bố mẹ và cô ấy đưa cháu bán sang Trung Quốc. Sang bên ấy cháu làm vợ một anh hơn cháu 10 tuổi. Suốt ngày, người ta canh giữ cháu, có ngày cháu bị ép quan hệ tình dục 3-4 lần, cháu rất sợ. May mắn là có người cùng quê báo cho công an và cháu được giải thoát"…

NNBY thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, địa chỉ được giữ bí mật nhằm bảo đảm an toàn cho các nạn nhân. Chị Lê Thị Phương Thúy, Trưởng phòng Tư vấn (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển), cho hay: BLGĐ xảy ra ở mọi lứa tuổi, trình độ, trong đó 32% người bị BL ở độ tuổi từ 20-30 do "làn sóng ly hôn xanh"; 55% ở độ tuổi 30-55 do họ vì con mà chịu đựng. PN bị BL chủ yếu thuộc nhóm người làm nghề tự do, công việc không ổn định, thiếu thông tin, thiếu kỹ năng sống. Thực tế cũng cho thấy, PN đăng ký kết hôn có thể bị cả ba hình thức BL là BL thể chất, tinh thần và kinh tế, mà nguyên nhân chính là do họ muốn bảo vệ hôn nhân hợp pháp, vì tương lai các con, không có khả năng độc lập kinh tế hoặc người chồng dùng con gây áp lực… 71% PN bị BL tìm đến NNBY trong tình trạng sợ hãi, muốn tự tử, cơ thể bầm tím, xương gẫy, chấn thương sọ não…

"Nhìn dưới mọi góc độ, căn nguyên của nạn bạo hành là do tính gia trưởng của đàn ông và sự bất bình đẳng giới" - Chị Lê Thị Phương Thúy khẳng định.

Thực tế trên cũng cho thấy PN càng nhẫn nhục chịu đựng, càng làm mình thêm thiệt thòi và đó chính là nhận thức có phần lệch lạc của không ít PN Việt Nam hiện nay, nhất là PN ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Cần thêm nhiều "địa chỉ bình yên"

BS Nguyễn Ngọc Quyết, Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Chăm sóc sức khỏe phụ nữ (TTTV-CSSKPN) cho biết: Qua khảo sát tâm lý của những người đến TTTV-CSSKPN, hầu hết nạn nhân mất lòng tin vào sự giải quyết của chính quyền vì trên thực tế, lãnh đạo các địa phương chưa quan tâm toàn diện đến công tác gia đình; họ cũng ít tin tưởng hội phụ nữ vì hội cũng phụ thuộc quá nhiều vào chính quyền. "Nạn nhân ở cơ sở bị BLGĐ rồi sẽ đi về đâu khi các địa phương chưa có nhà tạm lánh, đến trạm y tế thì chỉ được
lưu trú không quá một ngày, nơi tạm lánh "truyền thống" là gia đình thì cũng không thể ở mãi được", BS Nguyễn Ngọc Quyết băn khoăn.

Để giải quyết tình trạng này, theo BS Quyết chính quyền các địa phương nên dành cho y tế cơ sở một khoản kinh phí phục vụ công tác phòng, chống BLGĐ; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ. Đồng quan điểm, chị Lê Thị Phương Thúy cho rằng: "Trong khi chúng ta cần một quá trình để thay đổi suy nghĩ, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong xã hội thì ngay từ bây giờ, nên có nhiều hơn những địa chỉ bình yên để giúp đỡ người bị bạo hành".

Biểu dương các gia đình tiêu biểu

* Ngày 27-6, Ban Dân tộc TP Hà Nội tổ chức hội nghị biểu dương 146 gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu, xuất sắc.

Các gia đình được biểu dương đều là những gia đình gương mẫu, đi đầu trong xây dựng gia đình hòa thuận - hạnh phúc - tiến bộ; giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa, nhiệt tình tham gia hoạt động cộng đồng…

* Cùng ngày, UBND TP Hồ Chí Minh tuyên dương 128 gia đình hạnh phúc tiêu biểu năm 2013. Đồng thời, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP khai mạc triển lãm ảnh với chủ đề "Hạnh phúc gia đình - Niềm vui cho cộng đồng".

Thu Hương, Luân Thủy

Minh Ngọc