Vấn đề là phải có ”chuẩn”

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:54, 28/06/2013

(HNM) - Ngày 24-6, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Theo số liệu Bộ Nội vụ cung cấp, hết năm 2007, tổng số biên chế cán bộ, công chức từ trung ương đến cơ sở là 346.379 người (không bao gồm biên chế sự nghiệp và công an, quân đội). 5 năm 2007-2012, thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế, tổng số biên chế cán bộ, công chức là 388.480 người (tăng hơn 42.000 biên chế).

Theo yêu cầu về tinh giản biên chế thì những đối tượng phải tinh giản gồm: Những người không thường xuyên bảo đảm chất lượng và thời gian lao động quy định, chuyên môn, nghiệp vụ yếu, không đủ sức khỏe làm việc...; những người dôi ra do điều chỉnh cơ cấu công chức, viên chức ở bộ phận phục vụ; những người được cơ quan điều động sang tổ chức không sử dụng biên chế, ngân sách nhà nước... Tuy nhiên trên thực tế, hầu như không có đối tượng bị tinh giản biên chế vì lý do "không đáp ứng được yêu cầu công việc hay thiếu tinh thần trách nhiệm". 5 năm 2007-2012, cả nước có 67.389 người nghỉ thuộc diện "tinh giản biên chế", nhưng trong đó có tới 61.018 người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm hơn 90,5%). Tiếp đó, khi "tinh giản biên chế" được bao nhiêu người thì bộ máy lại được bổ sung một số lượng nhân sự tương đương hoặc hơn thế, dẫn đến càng tinh giản thì số lượng biên chế càng phình thêm dù rằng đã có nhiều ý kiến đánh giá trong số đó có khoảng 30% cán bộ, công chức đều đặn lĩnh lương để làm mỗi một việc… "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Kết quả là không khuyến khích được hiệu quả lao động; bình quân, cào bằng việc thụ hưởng chế độ đãi ngộ giữa người làm tốt và người làm kém.

Phân tích tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, phải thay đổi từ tư duy, nhận thức trong cách làm chứ không phải chỉ đơn giản là giảm một cách cơ học, máy móc về số lượng cán bộ, công chức. Ngay cả việc có thời điểm chúng ta đưa ra mục tiêu tinh giản biên chế 15-20% cán bộ, công chức cũng là duy ý chí, đối phó một cách tình thế. Mặt khác, trong khi bộ máy vẫn cồng kềnh thì tại nhiều cơ quan, đơn vị lại rất thiếu người làm được việc. Người thừa nhưng có những vị trí công tác "bói" không ra nhân sự để bố trí, sắp xếp; có những cán bộ, công chức làm "tối mặt" cũng không hết việc. Rồi ở nhiều bộ, ngành, địa phương thời gian qua biên chế tăng thêm do việc phân cấp nhưng lại thiếu cơ chế kiểm soát thống nhất từ trung ương. Việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế của nhiều bộ, ngành, địa phương không có phương án cụ thể ngay từ đầu, nên không có kế hoạch về số lượng người phải tinh giản, cũng như ai sẽ là người được giữ lại trong cơ cấu của cơ quan, đơn vị…

Tóm lại, nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc tinh giản biên chế thu được hiệu quả thấp, không đạt được mục tiêu đề ra là do thiếu… chuẩn. Chuẩn về mặt con người, chuẩn về tổ chức và chuẩn về bộ máy.

Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả việc tinh giản biên chế cũng như xây dựng Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức sát với thực tế, công việc cấp thiết cần làm là phải xây dựng các chuẩn mực nêu trên. Tinh giản bao hàm cả vấn đề nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng được khối lượng công việc ở mỗi cơ quan, đơn vị. Có chính sách giải quyết ổn thỏa số cán bộ, công chức dôi dư, không gây xáo trộn, không làm người trong diện tinh giản phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Xây dựng danh mục vị trí việc làm, cơ cấu cán bộ, công chức theo ngạch, bậc để làm cơ sở tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí cán bộ, công chức một cách hợp lý, hiệu quả. Cùng với đó là việc sắp xếp tổ chức, bộ máy một cách khoa học, hợp lý; không giao biên chế cho công việc có tính thời vụ, giai đoạn; kiên quyết xóa bỏ bao cấp về kinh phí hoạt động đối với các tổ chức hội; sắp xếp lại các bộ đa ngành, đa lĩnh vực; nghiên cứu thành lập cơ quan về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức…

Hoàng Thu Vân