Bí ẩn bất ngờ từ con tàu 700 tuổi Bình Châu

Công nghệ - Ngày đăng : 16:17, 27/06/2013

Gần 270 thùng với hàng nghìn cổ vật quí còn nguyên vẹn sau khoảng 700 năm đắm ở vùng biển Bình Châu.

Dù bị chìm dưới biển Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) gần 700 năm nhưng con tàu chứa cổ vật vẫn còn nguyên vẹn bánh lái, mạn, đáy tàu... khiến các chuyên gia, nhà khoa học ngạc nhiên.

Hàng nghìn cổ vật quý còn nguyên vẹn

Sau gần 1 tháng làm đê vây, hút thổi cát, các chuyên gia đã khai quật cổ vật dưới đáy biển theo phương pháp như trên bờ, thu về gần 270 thùng trong đó có hàng nghìn cổ vật quí. Đồng thời, lộ diện trên nền cát đáy biển là con tàu gỗ gần như còn nguyên vẹn sau khoảng 700 năm đắm ở vùng biển Bình Châu.

Sau gần 1 tháng làm đê vây, hút thổi cát, các chuyên gia đã khai quật cổ vật dưới đáy biển theo phương pháp như trên bờ



TS Đoàn Ngọc Khôi, phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi cho biết, con tàu cổ chìm ở vùng biển Bình Châu lộ diện còn nguyên vẹn bánh lái, đáy và be tàu còn nguyên khối, có niên đại sớm hơn nhiều so với nhiều con tàu đắm từng phát hiện ở vùng biển Việt Nam.


Con tàu dài gần 25m, đáy tàu rộng 5m nhưng bề ngang bên trên rộng ước khoảng 9m bị chìm theo phương thẳng đứng.

Cổ vật xếp ngăn nắp trong 12 khoang tàu còn khá vững chãi. Kết quả khai quật bước đầu trong lòng con tàu cho thấy có nhiều tiêu bản đĩa gốm chạm khắc hoa văn hình rồng có giá trị lớn. Ngoài ra có một số vật dụng của thủy thủ đoàn như tiền đồng, quả cân trong con tàu này.

Các chuyên gia vui mừng khi cổ vật còn nguyên vẹn


TS Khôi chia sẻ: ‘Con tàu gỗ chìm dưới đáy biển Bình Châu đã gần 700 năm nhưng đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn gây kinh ngạc cho giới nghiên cứu, khảo cổ học’.

Không trục vớt, để bảo tồn

Theo phương án trục vớt đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt, sau khi thu gom toàn bộ cổ vật trên con tàu đắm, đơn vị khai quật sẽ tiến hành trục vớt vỏ xác tàu chìm.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế, các nhà nghiên cứu và giới khảo cổ học cho rằng việc đưa vỏ tàu lên bờ để bảo quản và trưng bày trong thời điểm hiện nay là chưa phù hợp, bởi nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, do đó phương án bảo quản thân tàu đắm tại chỗ đang được tính đến, nhằm phát huy du lịch văn hóa biển có một không hai này.


Theo TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, Hội Khoa học nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam đánh giá, hệ thống bánh lái bằng gỗ còn tương đối nguyên vẹn, kỹ thuật làm sống thuyền cùng vách ngăn các khoang được liên kết chặt chẽ chịu được sóng to và các tác động khác, toàn bộ hệ thống ván ốp vách ngăn con thuyền đều được sử dụng bằng gỗ thông có độ dày từ 6-8 cm.

‘Phương pháp đóng thuyền buồm như con tàu cổ bị đắm tại Bình Châu, cần được nghiên cứu kỹ, bởi thông qua kết cấu gỗ và thân tàu, kỹ thuật đóng cho thấy kỹ thuật đóng tàu ở thời kỳ này khá phát triển, địa điểm đóng con tàu này phải là vùng có nhiều loại gỗ quý’ TS Nguyễn Việt khẳng định.

Còn ông Đoàn Sung, đại diện Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương (Đơn vị khai quật), cho rằng, sau khi hoàn tất việc khai quật, trục vớt cổ vật nằm bên trong con tàu cổ đắm, bắt đầu từ 30/6- 15/7, đơn vị khai quật sẽ phối hợp cùng các nhà khảo cổ học tiếp tục mở rộng vùng khai quật thêm 600m2 bằng phương pháp dùng thợ lặn để tìm kiếm, trục vớt cổ vật bị rơi vãi ra bên ngoài con tàu đắm.

Dự kiến, đến ngày 15/7, công tác khai quật con tàu cổ tại Quảng Ngãi sẽ hoàn tất. Toàn bộ số cổ vật khai quật được sẽ được trưng bày tại bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi.

Bích Ngọc – Văn Mịnh