Ai Cập: Trước nguy cơ khủng hoảng sâu rộng
Thế giới - Ngày đăng : 06:32, 27/06/2013
Khoảng 100 người đã bị thương trong các cuộc biểu tình và đụng độ tại một số địa phương trong mấy ngày vừa qua, sau quyết định gây tranh cãi của ông M.Morsi bổ nhiệm hàng loạt tỉnh trưởng xuất thân từ tổ chức Anh em Hồi giáo.
Thế nhưng, mâu thuẫn chưa dừng lại ở đó. Giới quan sát nhìn nhận rằng, căng thẳng sẽ còn dữ dội hơn khi phe đối lập dự kiến tổ chức biểu tình lớn vào ngày 30-6 tới để phản đối tổ chức Anh em Hồi giáo và Tổng thống M.Morsi nhân một năm được bầu làm tổng thống.
Lực lượng an ninh Ai Cập đã được huy động tối đa để ngăn ngừa các cuộc biểu tình có thể gây xung đột lớn. |
Chiến dịch "Tamarod" (Nổi dậy) do phe đối lập phát động (từ ngày 1-5-2013), đã thu thập được 15 triệu chữ ký như mục tiêu đặt ra, vượt xa số lượng 13,2 triệu phiếu bầu mà ông M.Morsi giành được trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6-2012, qua đó giành chiến thắng sít sao trước đối thủ Ahmed Shafiq, thủ tướng cuối cùng của chế độ cũ. Chiến dịch này nhằm đòi Tổng thống M.Morsi từ chức và tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn dự kiến, lên đỉnh điểm bằng một cuộc biểu tình ngồi trước cửa Phủ Tổng thống cho đến khi yêu cầu của phe đối lập được đáp ứng. Trong một diễn biến mới, ngày 25-6, lo ngại bạo lực do biểu tình chống Tổng thống M.Morsi, Đại sứ quán Mỹ ở Cairo đã thông báo đóng cửa vào ngày 30-6 tới. Đồng thời, Sứ quán Mỹ khuyến cáo "do hoạt động phản đối dẫn đến bạo lực có thể xảy ra trước ngày 30-6, công dân Mỹ nên hạn chế đến các khu dân cư bắt đầu từ ngày 28-6"...
Từ những diễn biến của tình hình, giới phân tích cho rằng, sự việc vừa qua tại Ai Cập chỉ là "giọt nước tràn ly" những bất đồng tồn tại bấy lâu. Bởi trong năm qua, kể từ khi ông M.Morsi lên cầm quyền, trên toàn lãnh thổ xứ Kim Tự Tháp đã xảy ra gần 9.500 cuộc biểu tình, phá vỡ mọi kỷ lục từ trước tới nay. Hầu hết các cuộc biểu tình nhằm bày tỏ thái độ bất bình về các vấn đề kinh tế và xã hội; đòi hỏi quyền lợi lao động, nhà ở và các dịch vụ tốt hơn; phản đối tình trạng thiếu hụt nhiên liệu, bánh mì và điện... Bên cạnh đó, việc chính quyền của Tổng thống M.Morsi thâu tóm quyền lực, gạt phe đối lập ra ngoài lề và siết chặt các quyền tự do cũng là những nguyên nhân làm bùng nổ các cuộc biểu tình. Theo Trung tâm Phát triển quốc tế (IDC), số lượng các cuộc biểu tình tại Ai Cập vào tháng 3-2013 cao nhất thế giới với 1.354 cuộc. Ai Cập chưa bao giờ chứng kiến số lượng các cuộc biểu tình lớn đến vậy, kể cả vào đỉnh điểm ngày 25-1-2011.
Tình hình bất ổn đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước này. Theo số liệu do Bộ Tài chính Ai Cập công bố ngày 20-6, thâm hụt ngân sách trong 11 tháng qua (từ tháng 7-2012 đến tháng 5-2013), đã tăng lên 204,9 tỷ bảng Ai Cập (29,24 tỷ USD), tương đương 11,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tăng đáng kể so với mức thâm hụt 19,48 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Đến tháng 3-2013, nợ nước ngoài của Ai Cập cũng tăng 15,5% lên 38,6 tỷ USD, tương đương 14,9% GDP. Vì thế, tỷ lệ ủng hộ Đảng Tự do và Công lý (FJP), nhánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo và Tổng thống Ai Cập M.Morsi giảm mạnh sau gần một năm lãnh đạo đất nước là dễ hiểu. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Viện Nghiên cứu Zogby (ZRS) tiến hành vừa công bố trung tuần tháng 6 cho biết, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống M.Morsi đã giảm xuống chỉ còn 28%. Tỷ lệ ủng hộ đảng FJP cầm quyền hiện chỉ là 26% sau khi đảng này giành được 47% số ghế trong Quốc hội (hiện đã bị giải tán do vi hiến) trong cuộc bầu cử vào năm 2011. Trong khi đó, Mặt trận Cứu quốc (NSF), liên minh đối lập chính tại Ai Cập, nhận được 35% ý kiến ủng hộ...
Rõ ràng, chính quyền của Tổng thống M.Morsi đang đứng trước nhiều thách thức. Dư luận lo ngại, "cơn bão" mang tên "Mùa xuân Arab" tại Ai Cập đang có nguy cơ hiện hữu hơn bao giờ hết. Trong một diễn biến mới, ngày 25-6, lo ngại quốc gia đứng trước nguy cơ nội chiến, quân đội Ai Cập đã triển khai quân ở khu vực gần thủ đô Cairo để đối phó với làn sóng biểu tình lớn của phe đối lập. Xe bọc thép và lực lượng bộ binh đang được triển khai để bảo đảm an toàn ở tất cả các cửa vào thủ đô. Giới quan sát cho rằng, những hành động đó là cần trong bối cảnh hiện nay, nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Ai Cập muốn ổn định để phát triển rất cần có một cuộc "đại phẫu" với những quyết sách vì người dân lao động.