Nhà khảo cổ chân đất và bảo tàng cấp xã đầu tiên
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:28, 27/06/2013
Dòng nước sông Hồng hung hãn đã nuốt trôi nhiều vườn tược, đất đai của người Kim Lan nhưng cũng vô tình phát lộ những di tích và di vật cổ quý giá. Năm 2012, một bảo tàng gốm sứ cấp xã đầu tiên của Việt Nam được thành lập tại đây, là kết quả từ tình yêu và sự tâm huyết với làng nghề có lịch sử lâu đời của nhiều thế hệ người dân Kim Lan.
Nhà khảo cổ chân đất
Nằm kề cận làng gốm sứ Bát Tràng, nhưng phải đến khoảng hơn chục năm nay, người dân xã Kim Lan mới ngỡ ngàng phát hiện ngay trên mảnh đất quê mình đã từng tồn tại một làng gốm cổ. Một trong những người ngày ngày lặng lẽ thu lượm và cất giữ những mảnh gốm còn sót lại khỏi sự xói mòn của dòng nước sông Hồng, góp phần khơi dậy lịch sử của làng gốm Kim Lan là ông Nguyễn Việt Hồng - lâu nay vẫn được dân làng tôn vinh bằng cái tên "nhà khảo cổ chân đất".
Bộ bát, lọ hoa lam thế kỷ XV - di vật quý tại Nhà trưng bày gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan. |
Theo chân anh cán bộ xã Kim Lan, chúng tôi tìm đến nhà ông Hồng vào một buổi chiều hè nắng gắt. Ngôi nhà ngói ba gian lọt thỏm sau khu vườn um tùm cây cối và khoảng sân rộng phơi kín lạc, ngô... đậm chất miền quê Bắc bộ. Ở cái tuổi "xưa nay hiếm", ông Hồng vẫn đọc vanh vách từng sự kiện lịch sử, chính xác đến từng ngày, tháng...
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1996, sau trận lụt lịch sử, nước rút đi để lại trên bãi Hàm Rồng bạt ngàn mảnh gốm, có cả những món đồ gần như nguyên lành và những chiếc lọ đầy ắp tiền cổ. Vừa nhìn những đồng tiền xu han gỉ, mốc xanh mốc đỏ, ông Hồng hiểu ngay đấy là những đồng tiền cổ. Cũng từ đó, ông Hồng bắt đầu tha thẩn dọc bãi sông tìm nhặt những mảnh gốm cổ. Ban đầu chỉ là để thỏa chí tò mò của một người từng nhiều năm làm Trưởng phòng Kỹ thuật tại Xí nghiệp Sứ Bát Tràng, xem cái cách người xưa làm xương gốm ra sao, họa tiết, màu men thế nào... rồi đam mê những mảnh gốm sứ "biết nói" ấy từ lúc nào chẳng biết. Theo năm tháng, hàng nghìn, hàng vạn mảnh gốm lần lượt quy tụ về ngôi nhà nhỏ của ông. Những di vật gốm tìm được được ông Hồng đặt trên bàn thờ, bàn uống nước, trong tủ kính, góc nhà... thậm chí cả dưới gầm giường. Tất cả đều được ông phân loại kỹ lưỡng nhờ sự hướng dẫn của các cán bộ chuyên môn thuộc Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam theo tiêu chí: Tính đa dạng của hiện vật, tính hệ thống liên tục kéo dài qua nhiều thế kỷ và nhóm những bằng chứng về nghề sản xuất gốm sứ cổ của làng. Vốn chữ Hán ít ỏi học lỏm từ ngày nhỏ không đủ giúp phân loại đồ gốm, ông quyết tâm tìm mua, nhờ người mượn tư liệu liên quan về tự học. Ban ngày nai lưng bên lò gốm của gia đình, tối đến ông lại chong đèn ngồi đọc sách, tra từ điển và lôi các di vật tìm được ra đối chiếu, so sánh, ghi chép cẩn thận...
Năm 2000, ông Hồng cùng 5 người bạn thành lập nhóm "Tìm về cội nguồn của làng". Đó là các bậc cao niên trong làng, những người hiểu biết về lịch sử nghề gốm sứ và quan trọng nhất là tâm huyết với mảnh đất Kim Lan như các ông Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Văn Viện, Nguyễn Tiến Cung, Nguyễn Văn Lanh. Các cháu nhỏ và người dân trong làng cũng để tâm góp nhặt những di vật quý mang về cho các ông. Với hàng nghìn cổ vật tìm được, sau khi tiến hành phân loại, nhóm đã đi đến kết luận: Bãi Hàm Rồng thuộc xã Kim Lan là một kho báu vô giá, ẩn chứa hệ thống những di vật cổ là bằng chứng về một làng nghề sản xuất sành, gốm, sứ, đất nung cổ, liên tục kéo dài nhiều thế kỷ, đặc biệt phát triển phong phú nhất vào thế kỷ XIII-XIV".
Nhóm của ông Hồng đã gửi những báo cáo của mình lên Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở VH-TT&DL), Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam... Sự nhiệt huyết của họ cuối cùng cũng có kết quả. Tháng 4-2000, một đoàn cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã về Kim Lan, và những di vật do nhóm "Tìm về cội nguồn của làng" cung cấp đã khiến các nhà sử học sửng sốt. Liên tục từ năm 2001 đến 2003, đã có 3 đợt khai quật được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành trên bãi Hàm Rồng. Trong báo cáo "Kết quả thám sát và khai quật cổ học di tích Kim Lan năm 2003", tiến sĩ Ngô Thế Phong và Nguyễn Văn Đoàn thuộc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã nhận định: "Đợt khai quật đã thu được sưu tập hiện vật có số lượng lớn, trong đó đáng kể hơn cả là những đồ gốm sứ thời Trần với nhiều tiêu bản nguyên vẹn hoặc có thể phục nguyên... Di vật tìm được rất phong phú bao gồm nhiều vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, tiền đồng và đặc biệt đồ gốm sứ. Đồ gốm sứ có niên đại kéo dài từ thời Đường (thế kỷ VII - X) đến tận thời Lê (thế kỷ XVII - XVIII)".
Bảo tàng cấp xã đầu tiên
Nhận định của các nhà sử học càng thôi thúc mong muốn ấp ủ bao lâu nay của nhóm "Tìm về cội nguồn của làng": Lập một phòng trưng bày gốm sứ tại Kim Lan làm nơi để du khách tham quan, tìm hiểu về mảnh đất đã có nghìn năm lịch sử, gắn với bao thăng trầm của kinh thành Thăng Long.
Năm 2001, cơ duyên cho ông Hồng gặp Tiến sĩ Nishimura Masanari (Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa Việt - Nhật), người sau này đã trở nên thân thiết với gia đình ông như ruột thịt. Cũng giống như ông Hồng, nhà khảo cổ Nhật Bản đã dành toàn bộ tâm huyết của mình cho việc nghiên cứu lịch sử nghề gốm ở Kim Lan và gắn bó với mảnh đất này đến hơi thở cuối cùng. Tình yêu với gốm, với lịch sử đã kéo hai con người ở hai thế hệ, hai quốc tịch, hai đất nước xích lại gần nhau. Với sự cộng tác đắc lực và những cố gắng không ngừng nghỉ của Tiến sĩ Nishimura nhằm tìm kiếm nguồn tài trợ cho khảo cổ học cộng đồng từ Nhật Bản, tháng 3-2012, ông Hồng và người dân làng Kim Lan đã vỡ òa trong niềm vui khôn tả khi Nhà trưng bày gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan được khánh thành, đưa Kim Lan trở thành nơi đầu tiên trong cả nước có bảo tàng cấp xã.
Người Kim Lan tự hào lắm vì lần đầu tiên ở cấp xã lại có một bảo tàng chính quy đến vậy, các cổ vật ở đủ các thời đại được thuyết minh bằng ba ngôn ngữ Việt, Nhật, Anh mà điểm nhấn là những đồ gốm sứ do chính người làng sản xuất, dù chưa nhiều hiện vật nhưng đã có nội dung khoa học hết sức nghiêm túc mà ngay cả nhiều bảo tàng cấp tỉnh cũng chưa làm được. Tấm bảng ghi nhận sự góp công, góp của được đặt ở một góc trang trọng nói lên sự đồng thuận của chính quyền, nhân dân Kim Lan cũng như lòng hảo tâm của nhiều người bạn đến từ Nhật Bản và sự ủng hộ về chuyên môn của nhiều cơ quan nghiên cứu. Ông Nguyễn Đức Trí - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lan - người đã tâm huyết với nghề gốm sứ từ những ngày còn là Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ công nghiệp Kim Lan cho biết, hiện trong bảo tàng có hơn 300 hiện vật trưng bày theo tiến trình lịch sử đã kể được rất nhiều chuyện về làng nghề truyền thống, từ những dấu tích cư trú đầu tiên đến sự hưng thịnh hôm nay. Chính quyền địa phương cũng đã có chủ trương di chuyển chợ Kim Lan, xây dựng nhà dạy nghề gốm sứ cho con em trong làng, hình thành khu trưng bày và bán sản phẩm lưu niệm cho khách tham quan…
Nhờ tâm huyết của dân làng, sự giúp đỡ của những người bạn Nhật Bản và ủng hộ kịp thời của các cơ quan chuyên môn, một bảo tàng đã được dựng lên để kể chuyện cho hậu thế về một làng nghề đặc sắc của kinh thành Thăng Long xưa tưởng như đã bị chìm vào quá khứ bởi dòng nước sông Hồng. Còn với những bậc cao niên, người còn người đã khuất, trong nhóm "Tìm lại cội nguồn của làng", nói như ông Hồng thì "giờ chúng tôi đã có thể thanh thản mà về gặp ông bà tổ tiên được rồi"…