Người đẹp Thanh Hóa đăng quang Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2013
Văn hóa - Ngày đăng : 00:13, 27/06/2013
Nguyễn Thị Ngọc Anh, dân tộc Kinh, đăng quang Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2013 |
Vẻ đẹp hồn nhiên tỏa sáng
Ngay từ vòng Bán kết phía Bắc, cô gái đến từ Thanh Hóa – Nguyễn Ngọc Anh đã khá nổi bật và được đánh giá là ứng cử viên cho ngôi vị hoa hậu cuộc thi năm nay. Ngọc Anh hiện đang là sinh viên trường Đại học Mở Hà Nội. Cô cao 1,69m với các chỉ số hình thể là 84-60-89. Dù không phải là thí sinh có chiều cao quá ấn tượng nhưng Ngọc Anh lại toát lên vẻ đẹp dịu dàng, hồn nhiên với mái tóc dài bồng bềnh cùng nụ cười rạng rỡ. Ngọc Anh cũng đã có phần trình diễn ấn tượng trong phần thi trang phục truyền thống khi mặc một chiếc áo dài, đội mấn có họa tiết hoa sen.
Tân hoa hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh trong 2 phần thi trang phục truyền thống và áo tắm |
Danh hiệu Á hậu I, với phần thưởng là 50 triệu đồng đã thuộc về cô gái đến từ dân tộc rất hiếm của Việt Nam: Cô gái Lò Thị Minh (SBD 33), dân tộc Xinh Mun. Danh hiệu Á hậu II với phần thưởng 30 triệu đồng đã thuộc về thí sinh Nguyễn Thị Loan (SBD 30), cô gái đã từng giành giải Người đẹp biển tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010.
Lò Thị Minh, dân tộc Xinh Mun - Á hậu 1 |
Cô gái đến từ mảnh đất Lâm Đồng, Trần Ngọc Nguyên Khánh đã giành giải “Người đẹp thân thiện”. Danh hiệu “Người đẹp Xứ Quảng” thuộc về thí sinh Đặng Thị Hà (SBD 14) đến từ Quảng Nam. Danh hiệu “Người đẹp Du lịch” thuộc về thi sinh Phạm Thanh Tâm (SBD 48), cô gái công an của thành phố Cần Thơ. Đó cũng chính là 3 thí sinh thuộc top 6 của cuộc thi năm nay.
Nguyễn Thị Loan, dân tộc Kinh - Á hậu 2 |
Với 4 giải thưởng còn lại, hai cô gái Nguyễn Thị Hồng Nhung đã cùng được tôn vinh. Nguyễn Thị Hồng Nhung (SBD 40) giành danh hiệu “Người đẹp tài năng”, thí sinh Nguyễn Thị Hồng Nhung (SBD 41), đến từ Hải Phòng với chiều cao lý tưởng 1,77m, cao nhất cuộc thi, đã giành danh hiệu “Người đẹp Biển”. Danh hiệu “Người đẹp trình diễn trang phục dân tộc truyền thống đẹp nhất” thuộc về thí sinh Đinh Thị Thuỳ Trang (SBD 52), dân tộc H’rê, đến từ tỉnh Quảng Ngãi. Và cuối cùng, danh hiệu “Người đẹp Ảnh” đã thuộc về thí sinh Vũ Trần Triều Thu (SBD 51), thí sinh đã từng dự thi tại cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2011.
Đêm chung kết đậm đà bản sắc dân tộc
Đêm chung kết Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ 3-2013 cũng chính là đêm bế mạc của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V-2013. Không gian vẫn là Nhà hát Hội An, với sân khấu mang đậm nét của hai di sản của tỉnh Quảng Nam, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới: Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An. Cùng với đó là những hoa văn chim Lạc bập bùng trong ánh lửa mang sắc thái Tây Nguyên, hình ảnh những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh của vùng Tây Bắc… Đặc biệt điểm nhấn của sân khấu là hình ảnh cách điệu những chiếc cồng chiêng Tây Nguyên, mang lại nét giao hoà của văn hoá truyền thống các dân tộc Việt Nam…
Phần nghệ thuật với những điểm nhấn là những điệu múa mang đậm nét văn hoá của vùng đất xứ Quảng này đan xen với những nét văn hoá của các dân tộc Việt Nam. Đó là điệu múa “Đèn lồng” với hình ảnh những cô gái trong trang phục áo dài truyền thống, tóc chải bồng, mang nét của Hội An thế kỷ 19, cùng những chiếc đèn lồng rất đặc trưng của phố Hội, với nền sân khấu mà những mái nhà cổ kính của khu phố cổ Hội An. Hay điệu múa “Thiếu nữ dệt mây” khắc hoạ vẻ đẹp của thiếu nữ Cơ Tu dân tộc Quảng Nam trong lao động và cuộc sống. Các nghệ sĩ nổi tiếng tham gia biểu diễn như Thanh Lam, Tùng Dương, Hồ Quỳnh Hương… góp phần làm nên một không gian văn hóa nhiều màu sắc của đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam.
Thiếu nữ dân tộc Kinh duyên dáng với áo dài |
62 thí sinh, thuộc 20 dân tộc như Tày, Xinh Mun, H’rê, Cơ Ho, Ê đê, S’tiêng… đến từ 39 tỉnh thành trong cả nước, tham dự vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, đã xuất hiện thật duyên dáng và bừng sáng trong bộ sưu tập áo dài “Một thoáng Việt Nam” của NTK Tuấn Hải, với hoạ tiết chính là những danh thắng nổi tiếng của Việt Nam; cùng những chiếc nón lá, mang tới cho sân khấu một “hương sắc” thật rực rỡ.
Phần thi trang phục truyền thống đã mở đầu cho đêm chung kết. Đây cũng là phần thi được mong chờ nhất bởi chính là sự hội tụ của những nét văn hoá các dân tộc anh em, thể hiện qua những bộ trang phục mà các thiếu nữ trình diễn.
Những thiếu nữ đến từ dân tộc Kinh đều chọn chiếc áo dài dân tộc cho phần thi của mình, nhưng đã được cách điệu để thêm phần điệu đà, đẹp mắt hơn. Hoạ tiết hoa sen được rất nhiều thiếu nữ chọn để “khoe” trên trang phục của mình. Từ những thí sinh đầu tiên trình diễn Hồ Hoàng Trâm Anh (SBD 01), Nguyễn Thị Ngọc Anh (SBD 04), Đặng Thị Lệ Hằng (SBD 16) chọn họa tiết hoa sen trên trang phục áo dài cho đến những thí sinh đã có kinh nghiệm thi cử ở các cuộc thi sắc đẹp là Nguyễn Thị Loan (SBD 30)- Người đẹp biển của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2010; Phạm Thị Phương Thảo (SBD 49)- Người đẹp xứ dừa cũng chọn hoa sen để làm nổi bật trên sân khấu.
Các thiếu nữ dân tộc rạng rỡ trong trang phục đặc trưng của dân tộc mình |
Với mỗi bộ trang phục của các thí sinh dân tộc xuất hiện trên sân khấu, thì thực sự là một vườn hoa của sắc màu văn hoá. Thí sinh Lù Thị Kim Duyên (SBD 13), đến từ tỉnh Lào Cai, mang tới một nét đáng yêu của núi rừng Tây Bắc. Thí sinh Lù Thị Bích (SBD 05) trong bộ trang phục dân tộc La Chí rất nổi bật với áo nhung xanh chàm và váy hồng đậm thật rực rỡ. Thí sinh Ka Brối (SBD 06) lại duyên dáng trong trang phục dân tộc Cơ Ho của mình với đạo cụ là chiếc bầu kín nước của những cô gái Cơ Ho. SBD 23 Lưu Thị Hoà, dân tộc Cơ Lao, đến từ Hà Giang, cũng mang tới cuộc thi sắc màu rực rỡ của núi rừng Tây Bắc trong bộ trang phục cô khoác trên người. Với Lò Thị Điểm (SBD 09), cô chinh phục khán giả bằng bộ trang phục của dân tộc Lào và điệu múa Lăm Vông, cùng những bông hoa lan trắng tinh khiết trên tay.
Hàn Thị Diệp (SBD 10) với trang phục dân tộc Tày lấp lánh những hoa văn truyền thống, cùng cây đàn tính vốn là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống của dân tộc Tày. Đinh Thị Dịu (SBD 12), dân tộc Thái, đến từ Sơn La, vốn là người mẫu, nên xuất hiện đầy uyển chuyển trong với trang phục Thái với chiếc khăn và chiếc áo chẽn rất đặc trưng. Thí sinh Lù Thị Minh (SBD 33) dân tộc Xinh Mun, mang đến phần thi bộ trang phục dân tộc của mình với chiếc váy nhung đen và áo chẽn đỏ bằng nhung, rất đặc trưng của mảnh đất Điện Biên quê hương cô. Thí sinh H’ Ăng Niê (SBD 42), dân tộc Ê đê, lại toả sáng với nét đẹp thật hoang dã trong bộ trang phục của dân tộc mình. Thí sinh dân tộc Dao Bàn Thị Phương (SBD 45), lại tươi tắn với bộ trang phục chàm kết những quả bông đỏ thật nổi bật. Thí sinh Đinh Thị Thuỳ Trang (SBD 52) xuất hiện với khuôn mặt nhỏ nhắn, chiếc gùi và điệu múa duyên dáng của dân tộc cô.
Phần thi áo tắm trẻ trung, năng động |
Trong phần thi áo tắm tiếp ngay sau đó với sự hiện diện của các thí sinh trong BST áo tắm của NTK Xuân Thu. Những bộ áo tắm đã làm nổi bật vẻ đẹp hình thể, nét trẻ trung, năng động của các thí sinh..
Cùng với kết quả của đêm chung kết và kết quả của các phần thi tài năng, hình thể, thi áo tắm, thi trang phục truyền thống, ứng xử… đã diễn ra trong hơn 10 ngày qua, BGK- gồm những tên tuổi có uy tín như TS Nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp, TS lịch sử Trịnh Thị Thuỷ- Vụ phó Vụ Văn hoá Dân tộc, Hoa hậu Thế giới Người Việt Lưu Thị Diễm Hương, Nhà báo Trường Sơn, Đại tá- nhà văn Chu Lai… đã chọn ra 18 thí sinh xuất sắc nhất của cuộc thi. Sau đó là top 6 người đẹp lọt vào vòng ứng xử.
Nguyễn Thị Ngọc Anh và giây phút đăng quang |
Cuối cùng, cái tên Nguyễn Thị Ngọc Anh được xướng lên để đăng quang ngôi vị cao nhất – Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013. Đây là kết quả khá xứng đáng với nỗ lực của Ngọc Anh cũng như là một cái kết đẹp trong Festival di sản Quảng Nam.