Còn nhiều thủ tục phiền hà
Xe++ - Ngày đăng : 06:57, 26/06/2013
Tăng trưởng nhanh
Giám đốc Sở Công thương thành phố (TP) Huỳnh Khánh Hiệp cho biết, trong cơ cấu kinh tế của TP thì vai trò các sản phẩm công nghệ cao (CNC) ngày càng lớn. Năm 2012, xuất khẩu nhóm sản phẩm CNC trên địa bàn đạt 2,46 tỷ USD, tăng 3 lần so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng hơn 11% kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) trong đó, riêng Công ty Intel xuất khẩu được 1,9 tỷ USD. Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Quản lý Khu CNC TP cũng cho biết, 5 tháng đầu năm 2013, Khu CNC cũng đã xuất khẩu được hơn 1 tỷ USD với thị trường chủ yếu tập trung ở Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan và Hoa Kỳ. Theo Hội Tin học TP, với tốc độ tăng trưởng bình quân 40% như hiện nay thì đến năm 2015, tỷ trọng sản phẩm phần mềm xuất khẩu sẽ chiếm 2% trên tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.
Sản xuất hàng điện tử của Công ty Nidec tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. |
Mục tiêu giai đoạn 2013-2018 và hướng đến 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ nâng giá trị sản phẩm CNC đạt 35% trong tổng GDP của TP. Theo ông Huỳnh Khánh Hiệp, tuy nền kinh tế khó khăn nhưng lĩnh vực phần mềm ở Việt Nam vẫn phát triển nhờ ưu thế chi phí thấp nên được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Ngoài xuất khẩu, thị trường trong nước cũng phát triển do nhu cầu đầu tư công nghệ thông tin ngày càng cao ở các đơn vị quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Hiện TP đã quy hoạch các khu sản xuất sản phẩm CNC như Khu CNC TP, Khu Công viên phần mềm Quang Trung. Với Khu CNC, hiện đã cấp phép được 71 dự án với tổng vốn đạt hơn 2,2 tỷ USD (trong đó vốn đầu tư nước ngoài là 1,8 tỷ USD và vốn trong nước là 0,4 tỷ USD). Đến tháng 5-2013, đã có 37 dự án hoạt động sản xuất, 3 dự án đang làm thủ tục xây dựng và 16 dự án chưa triển khai vốn đầu tư. Trong khi đó, Khu Công viên phần mềm Quang Trung hiện có khoảng 200 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ CNTT (trong đó có 160 doanh nghiệp FDI).
"Ma trận" thủ tục
Mặc dù có tỷ trọng xuất khẩu cao nhưng có rất nhiều thủ tục trong hoạt động khai thuế xuất nhập khẩu gây lãng phí tiền bạc và thời gian của doanh nghiệp. Cụ thể, ông Trần Tiến Phát, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Datalogic Scanning Việt Nam phân tích, theo quy định thì sau khi mở tờ khai xuất khẩu, các công ty phải làm thủ tục thanh khoản trong 45 ngày. Do hợp đồng mua bán với khách hàng là 180 ngày nên Datalogic chưa có chứng từ thanh toán, buộc phải bổ sung hàng loạt giấy tờ để làm thủ tục thanh khoản. Mỗi tháng hoạt động, công ty này làm 200 bộ hồ sơ khai xuất khẩu, 2.000 bộ tờ khai nhập khẩu nên phải tốn đến 18.300 tờ giấy A4 cho các thủ tục khai thuế. Ông Trần Tiến Phát kiến nghị doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ thanh khoản mỗi quý một lần như các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu khác, hoặc nộp hồ sơ bằng file mềm vừa đỡ lãng phí cho doanh nghiệp mà cơ quan chức năng cũng làm công tác lưu trữ tốt hơn.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc mua hàng Công ty TNHH Intel Products Việt Nam cũng kiến nghị cần phải đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu, thủ tục cấp phép và hiện thực hóa chính sách "một cửa" và đẩy mạnh hơn nữa thương mại điện tử mới có thể thúc đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu ngành CNC.
Chưa hết, theo đại diện một số công ty khác, thủ tục từ các bộ, ngành (liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa thuộc quản lý chuyên ngành phải xin phép) rất chậm chạp, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Đơn cử trường hợp Công ty FPT Software đang thực hiện sản xuất phần mềm, trong đó có phần mềm chạy trên thiết bị y tế nên FPT Software phải làm thủ tục xin phép nhập khẩu thiết bị y tế ở Bộ Y tế và xin phép nhập thiết bị ở Bộ Công thương, tổng cộng mất đến 3 tháng mới có giấy phép. Cùng "nỗi khổ" này, Công ty Nanogen cần sử dụng các hóa chất đặc biệt nhập từ nước ngoài được bảo quản nghiêm ngặt ở nhiệt độ âm và đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc nhập khẩu phải xin phép bộ chuyên ngành và thời gian cấp phép 15-30 ngày dẫn đến hàng lưu kho quá lâu nên chất lượng giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Đức Nga, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho biết, yêu cầu phải có giấy phép của các bộ chuyên ngành khi làm thủ tục hải quan là do quy định của từng bộ, ngành, không thuộc thẩm quyền của Tổng cục Hải quan. Vì vậy, để có cơ chế riêng thì doanh nghiệp cần kiến nghị lên các bộ, ngành liên quan. Riêng về thủ tục thanh khoản đối với tờ khai báo hải quan, ông Nga cho biết, thời gian tới, quy định này sẽ được bãi bỏ để giảm phiền hà cho doanh nghiệp.