Cho vay hộ cận nghèo ở Hà Nội: Hạn mức, lãi suất chưa phù hợp
Kinh tế - Ngày đăng : 06:14, 26/06/2013
Những ngày tháng 6, tiếp xúc với một số hộ cận nghèo huyện Đan Phượng đã được vay vốn, chúng tôi mới thấy hết niềm vui, sự phấn khởi của người dân khi được nhận chính sách ưu đãi này. Anh Bùi Văn Cương ở cụm 1 xã Tân Lập cho biết: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện nghèo, cuộc sống của vợ chồng và 2 đứa con phụ thuộc hoàn toàn vào mấy sào ruộng. Nhờ được vay vốn hộ nghèo nên gia đình đã thoát nghèo vào năm 2012. Hiện tại, gia đình đã mở được một xưởng mộc nhỏ nhưng do thiếu vốn nên không có điều kiện nhập nhiều gỗ dẫn đến sản phẩm sản xuất ra có giá thành cao, sau khi trừ các chi phí chỉ còn lấy công làm lãi. "Đang lúc khó khăn, gia đình tôi được các hội, đoàn thể trong xóm, xã, NHCSXH huyện bình xét cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi cho hộ cận nghèo. Nguồn tiền này đã giải tỏa một phần khó khăn về vốn cho gia đình tôi" - anh Cương nói.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đan Phượng thăm mô hình kinh tế của các hộ cận nghèo xã Tân Lập. |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập Bùi Ngạc Luân: Hiện toàn xã có 197 hộ cận nghèo nhưng việc vay vốn của số hộ này gần như bế tắc vì các tổ chức tín dụng rất ngại đầu tư bởi khả năng tái nghèo rất cao. Chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn là cơ hội để xã tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách bền vững. Chính quyền xã đã chỉ đạo các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… phối hợp với NHCSXH huyện tổ chức thực hiện tốt chương trình tín dụng ưu đãi mới này của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Luân cũng cho rằng, mức đầu tư cho vay 30 triệu đồng/hộ cận nghèo (bằng mức cho vay hộ nghèo) là thấp, nhưng lãi suất cho vay bằng 130% lãi suất cho vay hộ nghèo (khoảng trên 10%/ năm) trong điều kiện mặt bằng lãi suất chung đang giảm là chưa phù hợp. Thực tế, tình hình sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn hiện rất khó khăn, đầu ra bấp bênh, người nông dân lấy công làm lãi nên cần được vay lãi suất ưu đãi mới cho hiệu quả. Mong muốn của các hộ cận nghèo là Chính phủ nên hạ lãi suất cho vay hộ cận nghèo xuống bằng hộ nghèo, đồng thời nâng mức cho vay từ 30 triệu lên 50-70 triệu đồng/hộ. Có như thế các hộ mới có điều kiện cải thiện tình hình sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, NHCSXH TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp để chính sách ưu đãi sớm đến tay người dân có nhu cầu. Ngoài việc phối hợp với các địa phương rà soát, lập danh sách các hộ cận nghèo có nhu cầu về vốn, đơn vị còn phối hợp với các ban, ngành liên quan, công khai chủ trương, chính sách, đối tượng thụ hưởng và danh sách các hộ được vay vốn tại các điểm giao dịch lưu động đặt tại UBND cấp xã để người dân được biết. Nhờ vậy, ngay sau khi Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành, chỉ trong vòng hai tháng, toàn thành phố đã cho hơn 7.000 hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi với tổng vốn trên 112 tỷ đồng. Dự kiến hết năm 2013, NHCSXH TP Hà Nội sẽ triển khai gói tín dụng này với quy mô hơn 200 tỷ đồng. Số vốn đó sẽ giúp thêm hàng chục nghìn hộ cận nghèo trên địa bàn có cơ hội tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi.
Theo ông Tạ Văn Tự, Trưởng phòng Tín dụng NHCSXH thành phố: "Ngoài sự nỗ lực của cơ quan tín dụng, quan trọng hơn hết vẫn là sự lồng ghép việc cho vay với chương trình khuyến nông, khuyến lâm, giải quyết việc làm, hướng dẫn sản xuất để hộ cận nghèo sử dụng đồng vốn hiệu quả… mới giúp họ thoát nghèo bền vững". Mặt khác, ở một số địa phương, UBND các xã, phường, thị trấn còn chưa bám sát các tiêu chí, rà soát danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; chưa chủ động điều chỉnh, bổ sung kịp thời vào danh sách những hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo để ngân hàng có căn cứ cho vay vốn. Do đó, các địa phương cần phối hợp hiệu quả với NHCSXH để đồng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, không bỏ sót, gây thiệt thòi cho các hộ cận nghèo.