Khắc khoải hồn xòe then Tà Chải

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:06, 26/06/2013

(HNM) - Xòe then dần hồi sinh để mỗi năm đến ngày mở hội Xuống đồng (Lồng tồng), Tà Chải lại nhộn nhịp vòng xòe cho thỏa nỗi nhớ mong.

Người Bắc Hà có câu “Muốn uống rượu ngon thì về Bản Phố. Muốn ăn thắng cố ngon đi chợ Bắc Hà. Muốn xem xòe đẹp thì về Tà Chải”. Nương theo câu ca ấy, chúng tôi tìm về xã Tà Chải để được một lần chứng kiến lễ hát then của người Tày mới được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đội xòe thôn Na Pắc Ngam.



1. Chị Cáo Thị Liên - cán bộ văn hóa xã Tà Chải (huyện Bắc Hà) hồ hởi kể, Tà Chải có 9 thôn thì có 9 đội văn nghệ, trong đó 7 thôn có đội xòe. Xòe Tà Chải nổi tiếng, mới đây cử 3 đội tham gia Liên hoan xòe toàn huyện Bắc Hà 2013 thì hai ngôi vị cao nhất đều thuộc về Tà Chải với giải nhất thuộc về thôn Na Hô, giải nhì là thôn Na Noong. Còn nơi nhiều nghệ nhân cao tuổi là thôn Na Pắc Ngam gồm các bác Lâm Văn Sủn, Lâm Văn Lù, Vàng Thị Tiều, Lâm Văn Vang... phóng viên muốn đến đâu nào? - Chị Liên hỏi.

Chẳng ai bảo ai, tôi cùng đồng nghiệp Trần Tuấn Ngọc (Báo Lào Cai) đồng thanh xin được xuống cả hai nơi. Tôi nghĩ bụng, đã đến đây thì phải tìm hiểu cho tỏ ngọn nguồn. Vừa gặp những nghệ nhân cao tuổi của bản, vừa được xem, được trò chuyện cùng các anh chị em thanh niên đang giữ lửa cho xòe. Chẳng quản đường sá xa xôi, lại lúc giữa trưa, chị Liên dẫn chúng tôi xuống bản.

Trên đất “cao nguyên trắng” này, câu chuyện về xòe then như dòng nước ngầm chảy trong lòng đất. Đời trước truyền lại đời sau, người già kể cho người trẻ rằng vào năm 1921, cha con thổ ty Hoàng Yến Chao và Hoàng A Tưởng sau 7 năm khởi công đã xây xong dinh thự. Dinh thự - mà chính xác phải gọi là lâu đài theo kiến trúc Tây Âu - của cha con thổ ty người Tày (còn dân gian cứ quen gọi “vua Mèo”), giờ trở thành di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Để ăn mừng “nhà mới”, năm 1924, Hoàng Yến Chao cho con nuôi là Hoàng Văn Phiển lặn lội sang tận cao nguyên Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đón hai thầy về Bắc Hà dạy các điệu xòe: xòe nón, xòe khăn, xòe mời rượu để đội văn nghệ phục vụ khách.

Nghệ nhân Lâm Văn Sủn ở thôn Na Pắc Ngam năm nay 78 tuổi, trong đôi mắt vẫn ánh lên niềm háo hức như thuở thiếu thời đi xòe ở dinh. Mười ba tuổi, cậu Sủn đã biết đốt đuốc bằng nứa khô, rồi cứ thế men theo tiếng nhạc mà tìm đến với xòe. Nhiều đêm, trên sàn ván gỗ dinh thự “vua Mèo”, người đến xòe đông quá, phải chia thành 2-3 vòng xòe. Rồi mê xòe lúc nào không hay! Cứ nghe thấy tiếng kèn, tiếng trống bên Nậm Cáy là trong bụng đám thanh niên lại rạo rực, cái chân tự khắc tìm đến xòe. Sức thanh niên, cơm chiều chưa ăn nhưng sẵn sàng chịu đói để theo điệu xòe. Sau tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng nhạc cùng hòa tấu, từng bát rượu ngô thơm phức được rót ra. Khi hương men đượm tình cũng là lúc từng nhịp xòe của nam thanh nữ tú trên sàn gỗ rập rình theo. Vừa xòe họ vừa trao nhau những ánh mắt tình tứ, những cái nắm tay bịn rịn...

Chẳng bao lâu sau, các điệu xòe từng chỉ để mua vui cho tầng lớp thống trị, được nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả trong thiên “tùy bút Sông Đà” đẫm nước mắt về thân phận các cô gái múa xòe đất Tây Bắc - Điện Biên, đã vượt qua cả bức tường thành kiên cố ấy mà thành đứa con tinh thần của bà con người Tày ở Tà Chải. Rồi lại thêm một người dân địa phương đi lính cho Pháp, học của người Nhắng ở Bát Xát điệu xòe, trở về dạy cho bà con. Người Tày ở Tà Chải vốn thông minh, đã cải tiến để tạo thành hình thức văn hóa nghệ thuật dân gian độc đáo: Xòe then (vừa múa xòe vừa hát then). Tháng hai âm lịch, ngày 15, nghi lễ xòe then truyền thống được tổ chức. Bà then ngồi đằng trước hát, đoàn xòe đi đằng sau múa. Hát rằng: “Nhăm páy tẩu ón kha. Nhăm má nựa ón khấu. Tập páy kéng tập ma. Pa páy kéng pa lại nàm ơi. Vui lắm té, vui lại nàng ơi...”.

Từ vài điệu xòe cổ, xòe Tà Chải phát triển lên đến hơn chục điệu. Xòe mang đến tiếng cười cho bản làng. Những cuộc vui lớn, những sự kiện trọng đại của đời người là dựng nhà mới, tổ chức đám cưới... đều không thể vắng xòe.

2. Vậy mà bỗng một thời gian dài xòe Tà Chải chìm vào quên lãng! Thiếu xòe, xóm làng có phần trở nên lạnh lẽo, con người có vẻ buồn tẻ, cô đơn hơn. Buồn tới mức đem kèn bỏ lên gác bếp cho bồ hóng bám quanh. Buồn đến mức cây đàn tính để quên trong xó buồng bao năm cho tơ nhện giăng mùng. Buồn đến mức trống chiêng để chỏng chơ không ai thèm ngó tới.

Đến khi cán bộ văn hóa của tỉnh, của huyện, của xã xuống đề nghị khơi lại nét đẹp truyền thống của xòe. Vậy là thỏa niềm khao khát mong chờ. Ông Sủn tìm lại chiếc kèn pí lè, lau cho sáng ánh đồng. Ông Lù căng lại dây đàn tính, chuẩn bị chiêng, trống. Bà Tiều giặt váy áo để chuẩn bị bước vào xòe. Không quản ngại tuổi già sức yếu, các nghệ nhân hăm hở mang hết tâm sức truyền dạy lại những điệu xòe then truyền thống cho cánh thanh niên. Nghệ nhân Lâm Văn Lù còn tham gia soạn lời cổ động phong trào xây dựng nông thôn mới...

Ông Vàng Văn Sỏi - Trưởng thôn Na Hô kể: Đội xòe của thôn vừa đoạt giải nhất Hội thi Đại xòe Bắc Hà - Xuân Quý Tỵ 2013. Điều đặc biệt, trong thôn có nhiều cặp đôi bén duyên nhau từ vòng xòe, thành vợ thành chồng, rồi gắn bó với xòe đến tận bây giờ: Lâm Văn Sơn - Mai Thị Thắm; Lâm Văn Tuấn - Mai Thị Hiền; Vàng Văn Nam - Lùng Thị Điểm; Vàng Văn Tân - Lâm Thị Toản…

Bóng chiều nắng ngả, nghệ nhân Lâm Văn Sủn (78 tuổi), nghệ nhân Lâm Văn Lù (76 tuổi) cùng song tấu hai cây pí lè. Cùng lúc đó, nghệ nhân Vàng Thị Tiều (73 tuổi) dạo những nhịp trống, nhịp chiêng, mạnh mẽ, chính xác. Tiếng nhạc như tiếng hiệu, loáng sau, từ trẻ đến già, thanh niên nam nữ thôn Na Pắc Ngam đã đến kín sân gia đình nghệ nhân Lâm Văn Lù háo hức đợi xem tập xòe.

Các cô gái Tày rạng rỡ trong trang phục truyền thống, vòng cổ bạc lấp lánh, khăn tím vấn đầu, dải lụa điệu đà quàng qua vai từ trong nhà bước ra. Chúng tôi lần lượt được xem các điệu: xòe chào khách, xòe khăn (the khăn), xòe bắt cá (pi ả), xòe cờ (the cơ), xòe chiêng (pa nhăm pa), xòe đôi, xòe bốn, xòe vòng, xòe đập lúa (phặt khẩu)... Xòe khăn kết hợp với đàn tính là hình thức độc đáo duy nhất được sử dụng trong nghi lễ hát then của người Tày, xã Tà Chải.

Xem xòe, người cao tuổi nét mặt rạng rỡ sống lại thời thanh niên. Những em bé ngồi trong lòng mẹ, đôi tay như hai cánh chim non cũng múa theo từng động tác của các cô, các chị… Còn tôi, cũng bị xòe hút vào khi nào không hay, để cùng nắm tay tham gia vào vòng xòe Tà Chải mà hát rằng: “Men men men ma men tập khẩu. Mí tập khẩu mí ma. Mi the ma mi pẻn. The the khẩu chính ma. The the ma chính khẩu. Pi noọng ơi. Ma men le chẩu the lo…” (Dân ca Tày, nghĩa là: Không về xòe, cây lúa không tốt/ Không múa, hạt lúa không về/Anh em trong làng ơi về xòe cây lúa mới tốt…).

Vui vì có đội văn nghệ nhưng khi nghe chúng tôi nói chuyện về công tác truyền nghề, nghệ nhân Lâm Văn Lù vẫn đầy ưu tư: “Muốn truyền đạt cho con cháu quá nhưng bây giờ chúng cứ thích nhạc Tây. Ngày xưa đám cưới, dựng nhà mới đều có xòe then. Bây giờ thì đám cưới người Tày không còn giữ được xòe then nữa rồi, chỉ còn người Mông, người Dao giữ được thôi. Nếu giữ được thì xòe bên này hay hơn vùng Đông bắc đấy. Các tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang chỉ có hát then thôi. Bên này chúng tôi vừa hát then lại vừa múa xòe!”.

…Nỗi lòng khắc khoải ấy chắc hẳn đâu chỉ là tâm sự của các nghệ nhân Tà Chải mà còn là tâm sự chung của những người đang hằng ngày, hằng giờ tham gia vào công tác bảo tồn văn hóa dân gian khắp các vùng miền trên cả nước.

Kiều Mai Sơn