Cán bộ nào, phong trào đó

Đời sống - Ngày đăng : 06:19, 25/06/2013

(HNM) - Một trong những công tác hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu của các cấp Công đoàn Thủ đô thời gian qua là hoạt động giúp đỡ những người lao động không may bị bệnh tật, gặp hoàn cảnh khó khăn.

Đội ngũ công nhân lao động trực tiếp sản xuất dù làm việc ở bất cứ doanh nghiệp (DN) nào đều phải không ngừng cố gắng, nỗ lực mới bảo đảm được thu nhập và việc làm ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình lao động không phải lúc nào cũng suôn sẻ, bất kể ai cũng có thể gặp những khó khăn khác nhau về sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, tai nạn lao động... Khi đó, nếu được tổ chức CĐ quan tâm hỗ trợ sẽ là động lực giúp họ vươn lên vượt qua khó khăn.

Công đoàn chăm lo đời sống, cho công nhân lao động, giúp họ ổn định cuộc sống. Ảnh: Trung Kiên


Thực tế cho thấy, ở đâu CĐ phát huy tốt vai trò chăm lo, bảo vệ quyền lợi NLĐ có hoàn cảnh khó khăn thì ở đó NLĐ có cơ hội giữ được công việc ổn định và đỡ gian nan, chật vật vì mất việc làm. Điển hình như trường hợp của chị Lưu Thị Ánh Nguyệt, 22 tuổi, công nhân Công ty STarHair (100% vốn của Hàn Quốc), chuyên làm tóc giả tại Khu công nghiệp Quang Minh. Mắc bệnh tan máu bẩm sinh và to lá lách, Nguyệt có sức khỏe yếu nên năng suất lao động thường đạt mức thấp. Khi công ty ít việc, Nguyệt nằm trong danh sách bị cắt giảm, nhưng nhờ CĐ đề xuất, công ty cho Nguyệt tiếp tục làm việc. Ngoài ra, CĐ còn quan tâm giúp đỡ, động viên thường xuyên giúp Nguyệt có thêm động lực làm việc, bảo đảm được mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Tương tự, trường hợp của Lê Duy Tùng, công nhân Công ty MUTO (100% vốn của Nhật Bản) ở Khu công nghiệp Quang Minh cũng nhờ có CĐ mà cuộc sống bớt chật vật. Quê ở Vĩnh Phúc, Tùng và vợ xin vào làm ở Công ty MUTO từ năm 2012. Vừa qua, vợ Tùng sinh con, không may cháu bé bị bệnh rối loạn công thức máu, thường xuyên phải vào viện và thuốc thang tại nhà. Tùng và vợ phải cắt cử, người này chăm con, người kia đi làm, nhiều hôm cùng làm ca đêm nên vợ Tùng phải xin nghỉ trông con, chấp nhận bị trừ lương. Trước hoàn cảnh đó, CĐ công ty động viên, đề xuất để Tùng không phải làm ca 3, vợ được nghỉ chế độ thai sản thêm 2 tháng. Nhờ vậy, cuộc sống vợ chồng Tùng đã bớt khó khăn…

Đặng Thị Thủy, 20 tuổi, công nhân ở Công ty ASTI cũng nhờ có sự quan tâm của CĐ mà tiếp tục được ở lại làm việc. Thủy chia sẻ, chồng bị tai nạn giao thông qua đời, công việc và trách nhiệm với 3 con nhỏ (con lớn 3 tuổi, hai con nhỏ sinh đôi 8 tháng) khiến Thủy kiệt sức, có lúc tưởng phải buông xuôi tất cả, nhưng nhờ CĐ và đồng nghiệp giúp đỡ, động viên, Thủy đã dần đứng vững và có thêm quyết tâm làm tốt công việc của mình để nuôi dạy con…

Trưởng ban Kinh tế chính sách LĐLĐ TP Hà Nội Kiều Hùng cho biết, quan tâm giúp đỡ về vật chất và những gì thiết thân nhất với NLĐ, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn luôn là một mục tiêu trọng yếu của tổ chức CĐ. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, hướng tới chào mừng Đại hội CĐ toàn quốc sắp diễn ra (tháng 7-2013), các cấp CĐ đang nỗ lực tổ chức nhiều chương trình hoạt động mới để chăm lo NLĐ nghèo. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, LĐLĐ thành phố vận động xây dựng Quỹ xã hội CĐ và đã trích hơn 1,5 tỷ đồng để ủng hộ hàng trăm CNVCLĐ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở bị xuống cấp không bảo đảm an toàn. Đồng thời, trích hơn 650 triệu đồng trợ cấp khó khăn đột xuất cho gần 600 công nhân lao động nghèo bị ốm, tai nạn. Ngoài ra, CĐ tổ chức thăm hỏi, tặng quà, đầu tư xây dựng nhiều điểm vui chơi có giá trị hàng trăm triệu đồng, giúp con em CNVCLĐ nghèo được đến trường và có chỗ vui chơi.

Rõ ràng, chăm lo cho NLĐ là trách nhiệm của CĐ, song vấn đề là làm thế nào để phát huy tối đa hiệu quả, trách nhiệm đó? Thực tế đã cho thấy, ở đâu có cán bộ CĐ cơ sở nhiệt tâm, ở đó NLĐ được chăm lo chu đáo. Muốn vậy, đòi hỏi tổ chức CĐ không ngừng phấn đấu vì NLĐ...

Kiều Oanh