Kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm: Sự kỳ vọng có tăng?
Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:18, 25/06/2013
Không có sự đột biến hay tăng tốc về tỷ lệ của các địa phương như năm ngoái, những con số đẹp tròn trịa cũng giảm. Chưa thể khẳng định tính thực chất tới đâu, song rõ ràng đã bớt đi nhiều sự nghi ngại trong dư luận về tính nghiêm túc trong tổ chức kỳ thi của ngành GD-ĐT.
Thí sinh làm bài tại Hội đồng thi Trường THPT Kim Liên. Ảnh: Viết Thành |
Nỗi buồn "môn phụ"
Ở cấp phổ thông, các môn học đều được coi trọng và có vị trí như nhau, chỉ khác nhau về thời lượng học. Lý thuyết là thế, còn thực tế HS thường chia các môn thành hai loại: "Môn chính" và "môn phụ". "Môn chính" gồm toán, ngữ văn, tiếng Anh, hóa học, vật lý… tóm lại là những môn thường có tên trong các kỳ thi. Môn địa lý được gọi là "môn phụ", nằm trong danh mục ít được quan tâm, hoặc nếu có, chỉ là với những thí sinh (TS) có nguyện vọng thi ĐH, CĐ khối C, hoặc bởi có tên trong danh sách 6 môn thi tốt nghiệp THPT.
Kết quả thi môn địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 là một dẫn chứng. Đề thi được đánh giá hay, thời sự nhưng điểm thi của TS lại khiến nhiều người thất vọng. Ở hầu hết các địa phương, kết quả thi môn địa lý thấp nhất trong số 6 môn thi, phổ điểm chủ yếu chỉ ở mức 5-6,5 điểm. Nhiều HS bị hạ bậc xếp loại tốt nghiệp cũng do điểm môn địa lý "kéo" xuống.
TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ bài thi môn địa lý trên 5 điểm chiếm 82,4%, song 2/3 trong số này chỉ ở mức điểm 5-6,5. Tỷ lệ bài thi trên 5 điểm của TS Đà Nẵng chiếm 61% nhưng không có bài nào đạt điểm trên 9, trong khi các môn khác, kể cả ngữ văn đều có điểm tối đa. Tây Ninh có tới 62% bài thi môn địa lý dưới 5… Còn tại Hà Nội, tỷ lệ bài thi môn này có điểm trên 5 là gần 73%, song đạt từ 7 điểm trở lên chỉ là hơn 9 nghìn bài, chiếm gần 13%. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ xếp loại tốt nghiệp THPT loại khá và giỏi của Hà Nội năm nay giảm một nửa so với năm ngoái, còn hơn 12%.
Căn nguyên dẫn đến tình trạng này là tâm lý học gì thi nấy, coi thường những môn không thi tồn tại phổ biến ở các nhà trường. Thói quen học tủ, dự đoán các môn thi theo từng năm khiến TS bị bất ngờ bởi đây là năm thứ 5 liên tiếp môn địa lý là môn thi tốt nghiệp, trong khi môn lịch sử luôn trong "tầm ngắm" thì lại hụt. Bên cạnh đó, phần lớn TS lớp 12 đều thi ĐH ở các khối có môn khoa học tự nhiên, khoảng thời gian 2 tháng ôn tập cấp tốc khó có thể giúp TS đạt điểm cao nếu không có những kiến thức nền tảng. Thống kê của Bộ GD-ĐT về số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH năm 2013 cho thấy, chỉ có 6% số hồ sơ đăng ký thi khối C. Tại Hà Nội, tỷ lệ này là hơn 4%. Chuyện HS hờ hững với các ngành khoa học xã hội đã trở thành đề tài "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", song chưa có giải pháp nào hiệu quả.
Vì đâu?
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2013 ở cả hai hệ trên toàn quốc đều giảm so với năm 2012, trong đó hệ THPT giảm 1,45%, còn 97,52%; hệ bổ túc THPT giảm tới 7,39%, còn 78,08%. Trong khi năm trước hàng chục tỉnh, thành phố có tỷ lệ đỗ ngót nghét 100%, không ít nơi (kể cả những tỉnh miền núi, khó khăn) có kết quả tăng tốc đến chóng mặt, thì năm nay chỉ có hơn chục địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng nhẹ (0,02-2,08%), trong đó có một tỉnh tăng trên 1% và một tỉnh tăng trên 2%. Hầu hết các địa phương đều có kết quả thi tốt nghiệp giảm: Lâm Đồng giảm đến gần 14%, Yên Bái giảm gần 8%, Hà Giang và Tuyên Quang giảm trên 4%, Điện Biên giảm trên 3%... Hệ bổ túc THPT có tỷ lệ giảm mạnh hơn, có nơi giảm tới 63% như Phú Yên. Một số tỉnh miền núi giảm rõ rệt như Bắc Kạn - giảm 30%, Lào Cai - giảm 27%… Nhiều nơi có tỷ lệ tốt nghiệp giảm 20-25% như Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Điện Biên, Hậu Giang, Quảng Bình, Đà Nẵng…
Đánh giá về kết quả thi năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng tỷ lệ tốt nghiệp phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân như trình độ TS, hiệu quả của việc tổ chức ôn tập, đề thi, coi thi, chấm thi… Trong đó đáng kể nhất là công tác coi thi, chấm thi. Thứ trưởng khẳng định: Những giải pháp quyết liệt của Bộ GD-ĐT trong việc xử lý các hành vi tiêu cực, làm chặt khâu "hậu kiểm" bằng cách bổ sung thêm 2 khâu chấm kiểm tra và chấm thẩm định… đã tác động mạnh đến ý thức, trách nhiệm của các địa phương. Khâu coi thi - vốn là khâu yếu nhất từ nhiều năm, năm nay có chuyển biến tích cực. Việc cho TS mang máy ghi âm, ghi hình (không có chức năng truyền, nhận tín hiệu) mặc dù còn nhiều băn khoăn song cũng góp phần tạo thêm kênh giám sát đối với giám thị coi thi, hạn chế những hành vi thiếu trách nhiệm, dễ dãi khi thi hành nhiệm vụ. Trong 3 ngày thi, cả nước chỉ có 2 giám thị vi phạm quy chế (do mang điện thoại), giảm 6 trường hợp so với năm ngoái.
Đây được xem là tín hiệu tích cực về những chuyển biến ban đầu trong việc hướng đến mục tiêu mà ngành giáo dục đã theo đuổi từ nhiều năm là "thực chất trong đánh giá". Tuy nhiên, để lấy lại niềm tin, sự kỳ vọng từ xã hội về tính nghiêm túc, thực chất như chủ trương, ngành giáo dục còn cần thêm những điều chỉnh quyết liệt hơn nữa, cả về ý thức và hành động ở tất cả các khâu, từ dạy, học, kiểm tra đánh giá đến tổ chức các kỳ thi…