Điều trị dứt điểm bệnh mạn tính vùng hầu họng

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:31, 24/06/2013

Con tôi chỉ có triệu chứng ho kéo dài lâu ngày mà đi khám bác sĩ nói cháu bị bệnh thấp tim do nhiễm khuẩn đường hô hấp. Xin hỏi nguyên nhân gây bệnh thấp tim và cách phòng bệnh? (Anh Lê Anh Tuấn, Hoài Đức)

Con tôi chỉ có triệu chứng ho kéo dài lâu ngày mà đi khám bác sĩ nói cháu bị bệnh thấp tim do nhiễm khuẩn đường hô hấp. Xin hỏi nguyên nhân gây bệnh thấp tim và cách phòng bệnh?
(Anh Lê Anh Tuấn, Hoài Đức)

Ảnh minh họa



- Bệnh thấp tim là bệnh viêm của mô liên kết, xảy ra sau viêm họng do liên cầu bê-ta huyết nhóm A, gây tổn thương ở nhiều cơ quan, chủ yếu là tim, khớp, hệ thần kinh, da và mô dưới da... Trong đó, tổn thương ở tim là nguy hiểm nhất. Bệnh có thể gây suy tim, phù phổi trong giai đoạn cấp, dẫn tới tử vong. Những trường hợp nặng sẽ để lại biến chứng hẹp, hở van tim. Bệnh xuất hiện sau khi trẻ bị nhiễm khuẩn liên cầu bê-ta huyết nhóm A ở vùng hầu họng trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 tuần với những biểu hiện ban đầu là sốt cao, da xanh, mệt mỏi, niêm mạc thành sau họng và amidan xung huyết, nổi hạch góc hàm, tổn thương ở các khớp… Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp viêm họng hoặc nhiễm liên cầu (kể cả nhiễm liên cầu khuẩn bê-ta huyết nhóm A) đều dẫn đến bệnh thấp tim. Bệnh chỉ xảy ra ở những trẻ có cơ địa mẫn cảm với tác nhân gây bệnh.

Điều trị bệnh phải dùng đúng, đủ liều các loại thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn, chống viêm và những biến chứng (nếu có) theo chỉ định của bác sĩ. Cha mẹ tuyệt đối không tự mua các loại thuốc kháng sinh cho trẻ uống, vì nếu uống không đủ liều sẽ dẫn đến tình trạng nhờn thuốc. Khi thấy trẻ bị ho, sốt, đặc biệt viêm vùng hầu họng, phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm phát hiện tác nhân gây bệnh kịp thời. Do chưa có vắc xin nên để phòng bệnh thấp tim, hằng ngày trẻ phải vệ sinh răng miệng ít nhất hai lần, đồng thời điều trị dứt điểm các bệnh mạn tính vùng hầu họng.

BS Nguyễn Hùng