Biểu tình rầm rộ tại Brazil: Thử thách niềm tin
Thế giới - Ngày đăng : 06:17, 24/06/2013
Người Brazil xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố. |
Bắt đầu từ một cuộc biểu tình nhỏ tại Sao Paulo nhằm phản đối việc tăng giá vé xe buýt, xe điện ngầm hồi đầu tháng này, bất ổn đã nhanh chóng lan rộng ra các thành phố khác khi người dân bất bình trước việc Chính phủ đã chi tới 15 tỷ USD để tổ chức Giải bóng đá Cúp liên đoàn các châu lục và World Cup 2014. Các công dân của quốc gia Nam Mỹ cho rằng trong bối cảnh giá cả tăng cao, đời sống dân chúng ngày một khó khăn và tình trạng bất bình đẳng xã hội sâu sắc, quyết định đầu tư khoản tiền lớn như vậy cho các sự kiện thể thao là không phù hợp. Theo họ, nguồn tài chính khổng lồ này nên được chi cho lĩnh vực y tế, cải thiện chất lượng giáo dục và các chương trình xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trước sự phẫn nộ ngày càng có xu hướng mạnh mẽ hơn của người biểu tình, Tổng thống Roussef đã phải hủy bỏ chuyến công du chính thức Nhật Bản dự kiến từ ngày 26 đến 28-6 và triệu tập một phiên họp nội các khẩn để thảo luận các biện pháp trấn an người dân. Tỏ rõ thiện chí, ngoài những lời lẽ ôn hòa như một nỗ lực xoa dịu dòng người đang chất chứa sự bất mãn, Tổng thống Brazil đã công bố quyết định giảm giá vé phương tiện công cộng. Cam kết không tha thứ cho nạn tham nhũng, Tổng thống cũng khẳng định sẽ gặp gỡ những người biểu tình hòa bình, các thống đốc và thị trưởng của các thành phố lớn để xây dựng một kế hoạch quốc gia cải thiện giao thông đô thị, sử dụng nguồn lợi dầu mỏ đầu tư vào giáo dục.
Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố cải cách của Tổng thống Roussef, người dân Brazil vẫn không ngừng đổ ra đường phố. Trước tình hình này, các nhà phân tích cho rằng, sự kiện tăng giá vé xe buýt và chi phí tổ chức World Cup 2014 chỉ là những giọt nước tràn ly. Lâu nay, người dân tại quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất khu vực Mỹ Latinh tỏ ra không hài lòng với tình trạng giao thông công cộng nghèo nàn, nạn tham nhũng tăng cao và cuộc sống ngày càng khó khăn. Thực tế cho thấy, sau khi đạt mức tăng trưởng ấn tượng 7,5% năm 2010, kinh tế Brazil trượt vào vòng xoáy trì trệ. Năm 2012, cường quốc mới nổi của thế giới có tốc độ tăng GDP chưa đầy 1% và dường như tiếp tục giảm sút trong năm nay. 40 triệu người dân Brazil gia nhập tầng lớp trung lưu từ 12 năm gần đây chịu hậu quả nặng nề của nền kinh tế suy thoái. Hơn nữa, việc nhà nước phá giá đồng tiền (giảm 24% so với đồng USD) khiến giá hàng hóa nhập khẩu, giá thuê nhà và giá cả sinh hoạt hằng ngày tăng phi mã. Việc tăng giá xe buýt khiến Brazil trở thành một trong những nước có giá phương tiện công cộng đắt nhất thế giới. Thế nhưng, những người biểu tình cho biết họ không chỉ tuần hành chỉ để giảm vài xu tiền vé xe buýt mà quan trọng hơn là vì một đất nước Brazil tốt đẹp hơn. Nhiều nhà kinh tế đã lên tiếng cảnh báo tăng trưởng chậm, lạm phát cao đang làm xói mòn khả năng cạnh tranh của Brazil.
Cho đến nay, biểu tình lan rộng khắp nơi đã bắt đầu ảnh hưởng tới kinh tế Brazil với sự đình đốn của nhiều lĩnh vực sản xuất, thương mại và khiến thị trường chứng khoán rơi tự do. Đây cũng là thử thách lớn nhất với uy tín và nền tảng tưởng chừng rất vững chắc của Đảng Công nhân cầm quyền do bà Roussef, nhà lãnh đạo từng nhận được tỷ lệ ủng hộ vào hàng cao nhất thế giới, dẫn đầu. Chắc chắn, những ngày sắp tới sẽ là thời điểm rất khó khăn đối với nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia Nam Mỹ khi thực tế đang đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc để chèo lái con thuyền chòng chành vượt sóng lớn mà còn để khẳng định niềm tin của người dân vào phép màu Brazil ngày nào.