Phát triển công nghệ thông tin - Cần tạo môi trường thuận lợi
Xe++ - Ngày đăng : 06:05, 24/06/2013
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Đây cũng là 7 nội dung mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại diễn đàn nhằm thúc đẩy CNTT trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia. Một là, nâng cao nhận thức, quán triệt quan điểm CNTT là nền tảng của phương thức phát triển mới trong các cấp quản lý các ngành kinh tế - xã hội, trong DN và toàn xã hội; phát triển và ứng dụng CNTT trong sản xuất, kinh doanh và quản lý, hướng tới mục tiêu nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia. Hai là, xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, ban hành chuẩn thông tin quốc gia bảo đảm khả năng kết nối liên thông, đồng bộ, chú trọng công tác an ninh, an toàn và bảo mật thông tin quốc gia. Ba là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, làm chủ các bí quyết, giải pháp công nghệ mới; ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT của từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương, DN và cả quốc gia. Bốn là, xây dựng cơ chế chính sách đào tạo thuận lợi và hiệu quả nhất nhằm bảo đảm việc ứng dụng CNTT trở thành một yêu cầu tiên quyết trong mọi lĩnh vực, mọi công trình, dự án đầu tư… Năm là, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thị trường CNTT, hỗ trợ các DN phát triển, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và xây dựng năng lực cạnh tranh vươn ra thị trường nước ngoài. Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển CNTT. Bảy là, phát triển và ứng dụng CNTT được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội. Người đứng đầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về triển khai ứng dụng hiệu quả CNTT vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Đào tạo nhân lực công nghệ thông tin tại Đại học FPT Hà Nội. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Theo các chuyên gia, để thành công, bên cạnh quyết tâm, phải có chiến lược, chính sách phát triển, ứng dụng CNTT cụ thể, rõ ràng ở từng lĩnh vực. Trước hết, với vấn đề hạ tầng thông tin quốc gia, các đại biểu đều cho rằng để phát triển hạ tầng thông tin quốc gia, phải có chính sách đột phá phát triển; kế hoạch xây dựng quy hoạch tổng thể hạ tầng thông tin quốc gia; xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn thông tin quốc gia bảo đảm đồng bộ, thống nhất và khả năng kết nối liên thông với quốc tế và có sự phân công phân cấp cụ thể. Lãnh đạo Bộ TT-TT cho biết, Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển CNTT thay thế Chỉ thị 58 (ban hành năm 2000), qua đó tầm nhìn, định hướng và các tư tưởng chỉ đạo mới sẽ tạo cơ hội cho CNTT-TT Việt Nam phát triển mạnh hơn. Hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia sẽ được ưu tiên phát triển, ban đầu ưu tiên cho hai lĩnh vực cơ sở dữ liệu về dân cư và tài nguyên môi trường.
Đẩy mạnh ứng dụng
Với khối DN, ứng dụng CNTT nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tái cấu trúc, đổi mới phương thức vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Theo khảo sát của Đảng ủy khối DN TƯ tại 19/32 tập đoàn, tổng công ty lớn cho thấy CNTT có vai trò đặc biệt trong quản lý và nâng cao năng lực cạnh tranh. Khối các đơn vị này sử dụng 193.000 máy tính, hơn 6.000 máy chủ, mỗi năm đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng cho ứng dụng CNTT; triển khai ứng dụng về quản trị khách hàng và quản trị tổng thể nguồn nhân lực. Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, tuy phải cắt giảm chi cho CNTT nhưng các DN này vẫn giữ nguyên đầu tư cho phần mềm ứng dụng. Đại diện Tập đoàn FPT cho rằng, trong 5 năm tới dịch vụ CNTT thế giới đem lại giá trị 287 tỷ USD cần có đội ngũ nhân lực lớn và tập đoàn này chia sẻ ước mơ sẽ có 1 triệu lập trình viên quốc tế. Về vấn đề ứng dụng CNTT nhằm cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh vĩ mô, trong những năm qua, từ Chính phủ đến các cấp, ngành đã quyết tâm đầu tư cho việc cải cách thể chế, thủ tục hành chính… Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ sửa đổi hơn 3.000 văn bản, quyết định song song với việc ứng dụng CNTT nhằm cải cách hành chính sâu rộng, đồng thời xây dựng chính phủ điện tử, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công, góp phần cải tiến kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.