Về Xuân Nộn nghe hát tuồng

Xã hội - Ngày đăng : 06:31, 23/06/2013

(HNM) - Vượt qua những khó khăn, vất vả, người dân xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh vẫn luôn hết mình giữ trọn ngọn lửa tình yêu nghệ thuật tuồng.



Đáng trân trọng hơn, họ là những nông dân cả đời gắn bó với ruộng đồng nhưng lại say mê với bộ môn nghệ thuật được coi là "bác học". Ngày nay, khi các loại hình giải trí đa dạng, len lỏi ở khắp làng quê thì nhiều nghệ sĩ tuồng Xuân Nộn lại đang sống được bằng môn nghệ thuật truyền đời này.

Một cảnh diễn của các nghệ sĩ tuồng Xuân Nộn.


Với mỗi người dân xã Xuân Nộn, câu nói "Phi tuồng bất thành hội" đã trở thành phương châm sống, một thói quen sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống. Tuồng như đã "thấm vào máu", thấm đẫm trong mỗi con người với một tình yêu không thể đo đếm. Đối với nhiều người, ấn tượng nhất trong nhiều năm qua là xã Xuân Nộn đã duy trì, phát triển lớp học tuồng Đồng ấu "có một không hai" ở hai thôn Lương Quy và Đường Yên với khoảng 80 lượt học viên. Đối tượng của lớp học là những em nhỏ nhằm phát hiện, nuôi dưỡng tài năng tuồng trẻ và cung cấp diễn viên cho các đội tuồng trong xã. Trong những ngày hè, chúng tôi về Xuân Nộn, được xem đội tuồng Đồng ấu diễn mới thấy, Xuân Nộn nổi danh là "lò" đào tạo diễn viên tuồng là chuyện không phải nói chơi. Chị Nguyễn Thúy Hằng ở thôn Lương Quy, là lớp thế hệ đầu tiên của tuồng Đồng ấu chia sẻ: "Ấn tượng nhất là vai diễn Trưng Trắc. Được thể hiện vai một nữ anh hùng dân tộc bằng nghệ thuật tuồng, em rất tự hào. Những vai diễn này đã mang lại cho em và các bạn cùng trang lứa nhiều điều bổ ích trong cuộc sống, trân trọng hơn những gì mình đang có". Được biết, gia đình Nguyễn Thúy Hằng là một trong những cái nôi nổi tiếng cung cấp nhiều diễn viên tuồng cho xã Xuân Nộn. Trong đại gia đình chị Hằng bây giờ có người bác ruột là ông Nguyễn Hữu Thuyên, 72 tuổi là người lớn tuổi nhất vẫn đi diễn và đang tiếp tục truyền dạy con, cháu các làn điệu tuồng để không bị mai một.

Nghệ thuật tuồng từ lâu vẫn được coi là khó nghe, khó hát hơn các loại hình nghệ thuật khác nên người hát tuồng phải có tình yêu mãnh liệt xuất phát từ cái tâm. Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Nộn Nguyễn Thế Lộc, một trong những diễn viên tuồng không chuyên có tiếng ở Xuân Nộn cho hay, quan trọng nhất với diễn tuồng là phải kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa ngôn ngữ, âm nhạc và vũ điệu. Các điệu múa, lời hát, nhạc đệm, trang phục, hóa trang đều phải theo lối ước lệ. Ở Xuân Nộn có khoảng 10 làn điệu tuồng, trong đó có những điệu khó đã được diễn viên tuồng ở đây thể hiện rất tốt như Nam Ai, Nam Bình, Lối Bóp...

Lưu giữ, phát triển nghệ thuật tuồng đang là một vấn đề hóc búa đặt ra cho không chỉ các nhà quản lý văn hóa mà chính với những nghệ sĩ tuồng hiện nay. Thế nhưng, Xuân Nộn lại đang làm được cái việc khó này là giữ được ngọn lửa tình yêu nghệ thuật, đồng thời sống được bằng chính tình yêu đó. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, xã Xuân Nộn đã bắt đầu việc lưu giữ, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống. Chính vì thế, ngày nay, trong xã có nhiều câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng nhưng lại đi biểu diễn chuyên nghiệp ở nhiều địa phương trong cả nước. Ngoài hát tuồng, các câu lạc bộ cũng biểu diễn các loại hình như chèo, dân ca, xoan ghẹo, quan họ... Anh Ngô Văn Bình, chủ nhiệm một câu lạc bộ nghệ thuật cho biết, hiện trong câu lạc bộ anh đang quản lý có hơn 10 người thường xuyên đi diễn và ngoài ra, còn khoảng 40 diễn viên "vệ tinh". Anh Bình tâm sự: "Yêu nghề thì sống được bằng nghề và những người hát tuồng ở Xuân Nộn như chúng tôi đang làm rất tốt điều đó".

Kiều Linh