”Chuyện của Lý” - Tiểu thuyết mới của nhà văn Ma Văn Kháng
Văn hóa - Ngày đăng : 06:25, 23/06/2013
Với mong muốn cùng bạn đọc khám phá tác phẩm một cách nhiều chiều, phong phú hơn, PV Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan, hiện là biên tập viên Báo Văn nghệ quanh tác phẩm này.
- “Chuyện của Lý” xuất hiện khi Ma Văn Kháng đã ở tuổi toàn quyền được nghỉ ngơi, thậm chí đáng được nghỉ ngơi bởi ông đã đạt những giải thưởng văn học lớn (Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001; Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2012) . Vậy có thể xem như sự ra đời “Chuyện của Lý” vừa thể hiện đặc tính cố hữu của nhà văn là “được viết” nhưng cũng lại vừa chứa đầy yếu tố phiêu lưu?
- Nhà văn thuộc lớp người không bao giờ được nghỉ ngơi. Dường như họ coi các giải thưởng như những trở ngại đáng tự hào chặn đường về quá khứ. “Chuyện của Lý” đúng như bạn nói là một cuộc phiêu lưu mới của Ma Văn Kháng, bởi trong cuốn này ông tái hiện một hình mẫu văn chương “chủ nghĩa hiện thực XHCN” đã được điều chỉnh bằng việc xây dựng các hình ảnh con người lý tưởng để bổ sung và làm mới tính lý tưởng cách mạng. Thêm vào đó là những yếu tố tô điểm hợp thời mô tả các dục vọng của tính người. Đấy có lẽ thuộc về những “yếu tố phiêu lưu”, bởi chúng làm mờ nhòe các nét điển hình của nhân vật đã được xây dựng theo lối “điển hình hóa” quen thuộc.
Bìa cuốn tiểu thuyết. Ảnh: Hà Chi |
- Mỗi nhà văn hình như đều có một vùng hiện thực riêng mang lại cho họ những cảm hứng sáng tạo độc đáo. Có cảm giác như Ma Văn Kháng đã trở về mảnh đất ấy trong “Chuyện của Lý”, nên câu chữ, diễn biến câu chuyện, bối cảnh văn hóa phong tục đều hiện lên sinh động, hấp dẫn hơn. Liệu nhà phê bình có một lý giải nào khác về điều này không?
- Chất truyện phong tục quả là rất rõ, nhưng chỉ được dùng như một phương tiện tạo hình làm nền cho truyện kể. Các mô tả về phong tục truyền thống người Dao, bối cảnh địa phương rừng núi, chuyện cây cỏ muông thú… đều mang tính ước lệ rất lớn, như gọi con mèo là “mèo Nhung”, chó là “con Mực”, khu rừng là “Rừng Già”… và tất cả đều rất trau chuốt về mặt hình ảnh hay vận động, thế nên nó trở nên tĩnh, thiếu chất sống của cái ngẫu nhiên, tham gia rất ít vào diễn biến câu chuyện. Chẳng hạn, cứ thử bỏ những đoạn mô tả nhân vật ông Thòn cúng bái, làm bùa phép, giảng giải đạo lý… cho đến cả đám ma của ông với tình tiết xác ông hồi dương chớp nhoáng để nói với Lý… thì sẽ thấy các tình tiết phong tục như thế không ảnh hưởng gì đến các chuỗi sự kiện, các tính cách nhân vật. Những mô tả phong tục chỉ đơn giản hiện diện ở đó, không vận động theo biến chuyển của con người và thời thế trong truyện, hay ít ra ta không thấy rõ điều ấy. Một nguyên nhân sâu xa là câu chuyện chủ yếu dẫn dắt bởi những người miền xuôi lên công tác và định cư ở miền núi, mang lên tất cả các vấn đề nhân sự và thời đại, văn hóa ưu thế của họ. Chủ đề tư tưởng của truyện chỉ mượn lấy cái địa điểm rừng núi để diễn tấn kịch của nó.
- “Sex” trong văn học là một đề tài từng gây tranh cãi nhiều, nhất là gần đây khi không chỉ nhà văn trẻ mà ngay cả lão nhà văn cũng khai thác khía cạnh này trong tác phẩm văn học. Nếu “sex” hợp lý, như trong “Chuyện của Lý” thì có gì phải phàn nàn nhỉ?
- Không có gì để nói về ba trường đoạn mô tả cận cảnh dục tình có vẻ nóng bỏng trong cuốn này, chỉ vì chúng chẳng còn mấy thứ cho người ta tưởng tượng, chúng quá đủ và nhân vật no nê cảm xúc, chúng hoàn toàn đứng đắn trong cái chuyện người lớn với tình yêu lớn của các nhân vật đó, và nói như một bậc thầy hội họa thời trước thì chúng đẹp quá đến mức khiến người xem ngờ vực.
- “Chuyện của Lý” cũng như nhiều tác phẩm mang vẻ đẹp của một phong cách, bút pháp truyền thống hình như ít được giới phê bình chú ý hơn vì nó không nổi như các tác phẩm của tác giả mới, mang bút pháp mới?…
Nếu thật sự có quan tâm đến bút pháp, thì đây là một trường hợp đáng quan tâm, bởi vì ở đây tác giả cũng pha trộn các yếu tố thời thượng như hình sự, phê phán thực tế xã hội, phê phán nhân cách, cũng sử dụng các giai thoại huyền hoặc, siêu thực - việc pha trộn mà kiểu “bút pháp mới” đương thời cũng làm. Tôi cho rằng sự khác biệt đến từ chất văn chương, giọng điệu, quan niệm, mới là căn bản. “Chuyện của Lý” mang mẫu hình “hiện thực XHCN” để xây dựng các nhân vật, các tuyến truyện, trong một tổng thể lý tưởng hóa những cái kết có hậu. Tuy là chuyện đời một nhân vật, nhưng nó hầu như không có tính cá nhân về truyện kể, mà hướng đến sự bàn luận đánh giá mô hình kinh điển về “mối tổng hòa các quan hệ xã hội” với tư cách nhân vật văn học, đề nghị cái hiện thực cần phải có, hàm ngụ tính quy luật xã hội trong phát ngôn của các nhân vật… tóm lại là đưa vào truyện các tiêu chí và định hướng.
- Ông có ngại đưa ra đánh giá về vị trí của tác phẩm này trong đời văn của Ma Văn Kháng không?
- Tác phẩm này đầy những vang vọng xã hội đương thời, nó cho thấy tác giả không ngừng suy nghĩ về thực tại đương hiện và không ngừng tìm cách thể hiện bằng văn học những suy nghĩ đó. Ông từng viết về “Đám cưới không có giấy giá thú”, thì ở đây ông lại kể về một “Cái Lý là con không giá thú” (tr.83). Ta có thể thấy dường như hệ chủ đề tiềm ẩn của một tác giả lại nổi lên. Lúc này, với tác phẩm này, ta chỉ có thể nhận thấy rằng, khi một nhà văn trở lại giải quyết một mô típ ám ảnh của ông thì vị trí của tác phẩm cụ thể vẫn chưa có được lời xác nhận chung quyết.
- Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện này!