Vì lợi ích lâu dài cần tạo ra ngành công nghiệp đủ mạnh

Xã hội - Ngày đăng : 05:45, 23/06/2013

(HNM) - Chưa hết những tác động tiêu cực do kinh tế suy giảm, ngành thủy sản trong nước lại chồng chất thêm khó khăn khi con tôm đang bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp thuế chống trợ cấp, còn mặt hàng cá tra philê cũng bị áp thuế tăng gấp nhiều lần trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 8 của vụ kiện chống bán phá giá. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này.

Khó cả trong lẫn ngoài

- Dù xuất khẩu trong hai tháng 4 và 5 đã tăng trưởng trở lại, nhưng tính chung 5 tháng đầu năm 2013 thì vẫn giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?

- Thị trường xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm nay có nhiều biến động. Có 4 nguyên nhân chính khiến xuất khẩu giảm sút. Nguyên nhân bên ngoài là nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chính giảm do suy giảm kinh tế; cùng với đó là các rào cản kỹ thuật và thuế quan tại các thị trường nhập khẩu chủ lực như các loại thuế chống bán phá giá (CBPG), thuế chống trợ cấp (CVD) tại thị trường Mỹ và rào cản kháng sinh tại Nhật. Nguyên nhân bên trong là nguồn nguyên liệu không ổn định; các DN gặp khó khăn về tài chính, lãi suất…

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe.


- Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thủy sản sẽ có những cơ hội và gặp những thách thức gì, thưa ông?

- Những thuận lợi của chúng ta hiện nay là lãi suất giảm, vốn tín dụng cũng mở hơn. Về thị trường thì Quốc hội Mỹ đã thông qua không áp dụng chương trình thanh tra giám sát cá da trơn, Nhật Bản bỏ quy định kiểm tra 100% chất Trifluralin. Tuy nhiên chúng ta cũng đang vướng nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là kết quả kỳ xem xét hành chính lần thứ 8 của vụ kiện CBPG mặt hàng cá tra philê (POR8) với mức thuế tăng gấp nhiều lần và kết quả sơ bộ thuế CVD mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới công bố. Mặt khác là thách thức về thị trường chưa hồi phục và tình trạng thiếu hụt nguyên liệu… Tất cả các yếu tố này sẽ tác động đến tình hình xuất khẩu.

- Trong bối cảnh đó, liệu chúng ta có đạt được mục tiêu xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD đặt ra cho năm 2013?

- Xuất khẩu 5 tháng đã đạt 2,2 tỷ USD và dự kiến trong 6 tháng đầu năm sẽ đạt xấp xỉ 3 tỷ USD. Thông thường, giai đoạn cuối năm tiêu thụ nhiều nên có khả năng xuất khẩu đạt hơn 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, rất khó khẳng định mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu 6,5 tỷ USD có đạt được hay không vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó thứ nhất là kinh tế thế giới có hồi phục kịp hay không, vì chỉ cần một trong 3 thị trường trọng điểm là Nhật, Hoa Kỳ, EU sụt giảm là đã tác động rất lớn. Cùng với đó là kết quả CVD cuối cùng dự kiến được DOC công bố vào ngày 13-8, nếu DOC vẫn không thay đổi, áp thuế 6,05%, nghĩa là mỗi kilôgam tôm phải chịu hơn 60 cent tiền thuế thì khả năng cạnh tranh rất kém.

- Con tôm và cá tra là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản. Xin ông cho biết cụ thể hơn về tình hình sản xuất, xuất khẩu hai mặt hàng này?

- Năm nay ngành tôm vẫn tiếp tục gặp khó khăn cũ là thiếu nguyên liệu. Hội chứng tôm chết sớm (EMS) lan rộng trên nhiều nước khiến sản lượng tôm sụt giảm nên giá nguyên liệu bị đẩy lên cao. Nhưng khó khăn lớn nhất là áp lực thuế CBPG và thuế CVD từ Mỹ. Mục tiêu xuất khẩu tôm năm nay là đạt 2,4 tỷ USD nhưng thị trường đang khó khăn do nhu cầu từ Nhật đang yếu, còn thị trường Mỹ thì là rào cản thuế quan. Nguyên liệu thiếu hụt khiến giá tăng nhưng đầu ra là xuất khẩu lại khó nên sẽ là cuộc giằng co khá căng thẳng của các DN chế biến xuất khẩu tôm.

Với cá tra thì nguồn nguyên liệu không thiếu như tôm nhưng cũng bấp bênh vì nhiều người nuôi bỏ ao do thua lỗ. Về xuất khẩu thì nhu cầu từ EU cũng đang giảm sút, chỉ kỳ vọng vào thị trường Mỹ nhưng kỳ POR8 vừa rồi thuế suất quá cao nên không còn thuận lợi. Nếu thị trường EU hồi phục sớm thì xuất khẩu cá tra có thể đạt mục tiêu 1,8 tỷ USD trong năm nay, còn không thì cũng như tôm, các DN sẽ phải điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu năm 2013.

Cần quy hoạch vùng nuôi và liên kết để cùng có lợi

- Chuyện thiếu hụt nguyên liệu, chuyện được mùa giảm giá đã xảy ra từ nhiều năm nay khiến cả người nông dân và nhà chế biến, xuất khẩu đều khó. Tại sao chúng ta không khắc phục được những vấn đề này, thưa ông?

- Từ trước đến nay chúng ta luôn gặp phải sự khập khiễng trên thị trường như sản lượng cá tra quá lớn còn tôm thì lại thiếu; hoặc trong khi người nuôi bỏ ao vì thua lỗ hoặc bí đầu ra thì nhà máy lại thiếu nguyên liệu. Chúng ta cần được quy hoạch vùng nuôi. Bên cạnh đó, liên kết giữa nhà chăn nuôi và chế biến là cần thiết để cùng giúp nhau bảo đảm được giá thành, bao tiêu sản phẩm, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, cùng có lợi.

- Là tổ chức đại diện cho những nhà chế biến xuất khẩu, VASEP có chương trình liên kết nào kết nối các DN của mình với người chăn nuôi?

- Những năm gần đây VASEP luôn quan tâm vấn đề nối kết với người nuôi nên xu hướng hiện nay các DN đang đầu tư cho hoạt động nuôi trồng rộng hơn. Các DN chế biến cá tra đã tham gia đầu tư nuôi khoảng 60%-70% nguyên liệu, còn các DN ngành tôm cũng đang mở rộng vùng nuôi với quy trình khép kín.

- Để tránh các DN cạnh tranh bằng hạ giá, trước đây VASEP đã từng có giá sàn cho cá tra nhưng tại sao không tiếp tục thực hiện, thưa ông?

- Có nhiều vấn đề trong việc áp giá sàn. Đầu tiên là việc ai sẽ quy định giá sàn và quản lý giá sàn? DN không thể tự quy định giá sàn cũng như không thể quản lý vì nếu tự mình đặt ra rồi tự mình quản lý sẽ không có tác dụng. Vậy thì chỉ có Nhà nước đặt ra và quản lý. Nhưng nếu Nhà nước can thiệp thì chúng ta sẽ phải trả lời thế nào với câu hỏi của DOC liên quan đến vụ kiện CBPG là Nhà nước có kiểm soát các DN xuất khẩu cá tra hay không? Vấn đề này không hề đơn giản khiến chương trình giá sàn cứ loay hoay.

- Một thực tế là các DN xuất khẩu cá tra của chúng ta thường xuyên cạnh tranh bằng cách giảm giá. Điều này không chỉ làm thiệt thòi cho nông dân nuôi cá mà đợt xem xét hành chính kỳ tới của DOC có thể lại bị đánh thuế cao, khiến chúng ta thiệt đơn, thiệt kép. Nếu không ban hành giá sàn thì có cách nào để tránh tình trạng cạnh tranh như vậy?

- Khi bắt đầu có kết quả của POR8 vào tháng 3, chúng tôi dự đoán tình hình giá sẽ tăng và nhiều nhà nhập khẩu cũng dự đoán như vậy. Vì dự đoán giá tăng nên nhiều nhà nhập khẩu xác lập hợp đồng sớm khiến cho số lượng tăng nhanh. Mặt khác, thời điểm này các thị trường khác không tốt lắm, chỉ còn lại thị trường Hoa Kỳ nên các DN xuất khẩu trong nước cũng đưa sản lượng vào nhiều hơn. Sản lượng tăng lên nhiều khiến cho giá bị giảm. Các DN đã ngồi lại và thống nhất sẽ chủ động ổn định sản lượng để có kết quả tốt hơn trong kinh doanh cũng như trong kỳ xem xét hành chính CBPG sắp tới. Vấn đề này cần sự đồng thuận của các DN, nhưng vì nó mang tính tự giác và đồng thuận cao nên cần phải có thời gian.

- Nhưng nếu chỉ mang tính tự giác thì e rằng việc thực hiện sẽ rất khó khăn?

- Đây cũng là trăn trở của VASEP. Trong đại hội sắp tới chúng tôi sẽ lấy ý kiến về việc thay đổi một số nội dung trong điều lệ của Hiệp hội để tham gia thêm một số hoạt động, trong đó đặt nặng vấn đề cam kết cộng đồng được bảo đảm hiệu lực chứ không phải cam kết xong rồi thực hiện hay không thực hiện cũng được.

DN cần hướng tới lợi ích lâu dài

- Cách đây 10 năm, DN tôm Việt Nam lần đầu tiên bị kiện bán phá giá vào Mỹ. Năm nay chúng ta lại vướng vào vụ kiện chống trợ cấp. Điều đó cho thấy là các nước luôn bảo vệ ngành công nghiệp của nước mình trong khi Việt Nam luôn trong tình trạng bị động. Đó có phải do DN Việt yếu hay do cơ quan quản lý nhà nước chưa quan tâm bảo vệ DN?

- Việc các nước sử dụng pháp luật của họ làm rào cản để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước là vấn đề tất yếu của thị trường. Về bản chất, kiện CBPG, chống trợ cấp là hình thức bảo vệ sản xuất trong nước trước nguy cơ cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu giá rẻ. Vậy nên khi DN thâm nhập vào thị trường, đạt sản lượng cao thì lập tức sẽ là đối tượng xem xét của nước nhập khẩu. Khi tham gia thương trường, chúng ta phải đối đầu với các vấn đề đó nhưng chuyện ở chỗ chúng ta chủ động đến mức nào mà thôi.

- Ecuador và Indonesia được DOC công bố quyết định sơ bộ về mức thuế CVD đối với tôm bằng 0. Kết quả này có phải do hai quốc gia này đã đấu tranh mạnh mẽ hay do những yếu tố nào?

- Thuế CVD cũng tương tự như thuế CBPG, có quy trình cụ thể. Trong quá trình điều tra và tính toán cho ra một mức thuế, DOC sẽ chọn các công ty bị đơn bắt buộc là những công ty có xuất khẩu nhiều, tính toán mức thuế riêng cho từng công ty này và sau đó lấy bình quân áp cho các công ty còn lại. Trong vụ kiện CVD lần này, DOC đã tiến hành điều tra 7 quốc gia. Sau khi điều tra tính toán thì DOC cho rằng các công ty của Ecuador và Indonesia có mức trợ cấp dưới 1-2%. Theo quy tắc của CVD thì mức trợ cấp dưới 2% đối với các nước đang phát triển được tính bằng 0, do vậy DOC công bố mức thuế CVD ở hai quốc gia này bằng 0. Việt Nam thì Công ty Minh Phú bị áp mức thuế 5,08%; Công ty Nha Trang Seafoods có mức thuế 7,05% nên mức thuế bình quân cho tất cả các công ty còn lại là 6,07%. Bốn nước còn lại thì Malaysia có mức thuế cao nhất với 62,74%, Ấn Độ 5,91%, Trung Quốc 5,76%, Thái Lan 2,09%.

- VASEP đã đối phó với kết quả này như thế nào để bảo vệ DN của mình, thưa ông?

- Kết quả sơ bộ này là sự áp đặt bất công với các DN chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam, vì họ đang hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp của Nhà nước. Quyết định này, cùng với việc đánh thuế CBPG tôm Việt Nam vào Mỹ là một quyết định không công bằng, đánh hai loại thuế lên cùng một sản phẩm. Chúng tôi đã phản đối kết quả này, yêu cầu DOC xem xét lại kết quả và công tâm khi thẩm tra tại chỗ trong thời gian tới để công nhận ngành tôm Việt Nam không có trợ cấp. Hiện các DN ở các nước bị áp thuế CVD cũng đang lên tiếng phản ứng mạnh mẽ cho rằng mình không nhận trợ cấp của Chính phủ cũng như không gây thiệt hại cho ngành tôm nội địa của Mỹ. VASEP cũng sẽ phối hợp với các nước này để giải quyết vấn đề CVD. Sự đồng thuận của các nước có thể mang lại kết quả khả quan hơn cho các bị đơn của vụ kiện, trong đó có Việt Nam.

- Còn đối với kết quả kỳ xem xét hành chính lần thứ 8 của vụ kiện CBPG mặt hàng cá tra philê?

- Do mức thuế suất của POR8 là vô lý nên chúng tôi đã tiến hành khởi kiện kết quả của POR8 lên Tòa án Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (CIT) để tòa án phán quyết. Các thủ tục vụ kiện sẽ có thể kéo dài trong thời gian hơn 2 năm thì mới có kết quả.

- Cơ sở để khởi kiện là gì, thưa ông?

- Chúng ta có đủ cơ sở để kiện. Do Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường nên khi tính toán mức thuế CBPG phải chọn một quốc gia có nền kinh tế tương đồng làm quốc gia thay thế. Thế nhưng, trong POR8, DOC đã chọn Indonesia làm căn cứ tính thuế là không phù hợp vì Indonesia là quốc gia có các chỉ số được xem là phát triển hơn Việt Nam.

- Cách đây 10 năm, khi Mỹ áp thuế CBPG tôm thì các DN ngành này đã liên kết giữ được giá nên trong những đợt xem xét hành chính tiếp theo mức thuế luôn thay đổi theo chiều hướng thấp dần cho DN chúng ta. Tuy nhiên, cùng là ngành thủy sản nhưng có vẻ các DN cá tra lại không liên kết được, lại cạnh tranh bằng hạ giá để lại tiếp tục phải nhận thuế suất cao trong các kỳ xem xét thuế CBPG?

- Nhiều người cho rằng phải quản lý bằng giá sàn, nhưng như đã phân tích, việc thực hiện giá sàn là không ổn về tính lâu dài. Vì vậy nên vấn đề giá cả nằm trong quyết định của từng DN, và DN có thấy lợi ích lâu dài trong đó hay không. Vấn đề là một số DN cần lợi ích ngắn hạn và câu chuyện về giá cứ loay hoay mãi. Bản thân mỗi DN phải biết nhìn một lợi ích xa, dài hạn để có bước tiến vững chắc, cùng tạo ra một ngành công nghiệp mạnh.

- Vụ kiện CVD đối với tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ chỉ mới bắt đầu. Kinh nghiệm từ vụ kiện CBPG lần đầu và các lần xem xét hành chính trong suốt những năm vừa qua có giúp được gì cho vụ kiện lần này không, thưa ông?

- Tính chất và thủ tục của hai vụ kiện là khác nhau nên cũng khó mà nói rằng cần áp dụng kinh nghiệm gì. Tuy nhiên chúng ta đã thành công trong vụ kiện CBPG, xét ở góc độ thuế suất, thì có thể nói kết quả này sẽ củng cố niềm tin và giúp các DN chuẩn bị đầy đủ tâm lý để giành thắng lợi trong vụ kiện CVD.

- Cảm ơn ông về những vấn đề đã trao đổi!

Đặng Loan