Ai lo cho sức khỏe giống nòi?
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:41, 23/06/2013
Theo phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng, đây là lần xử lý mạnh tay đầu tiên của cơ quan chức năng Đà Lạt với vụ việc khoai tây Trung Quốc nhập vào địa phương rồi "phù phép" thành khoai mang thương hiệu Đà Lạt. Cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt vi phạm là chuyện bình thường, không có gì đáng bàn, nhưng đằng sau nó là hàng loạt vấn đề cần xem xét, đánh giá nghiêm túc.
Điều đáng nói, lô hàng trên được nhập khẩu khi đã có giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII. Cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận, vậy tại sao dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn cao gấp 16 lần cho phép? Thật khó hiểu vì sao cơ quan chức năng "bị" 26 tấn khoai tây chềnh ềnh dễ dàng "qua mặt"? 26 tấn khoai "đổ đâu nằm đó" còn như vậy, với những mặt hàng nhạy cảm hơn sẽ thế nào? Với hàng được kiểm tra, giám sát còn vậy, hàng nhập lậu sẽ ra sao, bởi chính các cơ quan chức năng nước nhà đang gặp rất nhiều khó khăn kiểm soát nông sản nhập lậu. Chuyện gà loại thải từ Trung Quốc đã một thời gian dài gây "náo loạn" dư luận, mãi đến khi có sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ. Chuyện gà thải loại vẫn đang còn "dư âm", thì đến gừng nhập khẩu nhiễm độc, rồi người tiêu dùng "có điều kiện" cũng hoảng hồn vì món cá tầm cũng là nhập lậu và chẳng qua kiểm dịch. Theo cơ quan quản lý CITES Việt Nam, mỗi ngày có hàng chục tấn cá tầm nhập lậu và do không được kiểm soát nên nguy cơ gây bất ổn thị trường, đem dịch bệnh đến người dùng rất cao. Liên tục, liên tục các vụ vi phạm quy định được phát hiện, phanh phui khiến người tiêu dùng thực sự hoang mang…
"Bệnh vào từ miệng…". Với một thị trường thực phẩm nhập khẩu hỗn độn hiện nay, sức khỏe giống nòi đang thực sự bị đe dọa. Không thể không sử dụng thực phẩm. Các cơ quan chức năng liên tục khuyến cáo nên là "người tiêu dùng thông minh", nhưng lựa chọn, sử dụng thực phẩm nào có lẽ đến Albert Einstein nếu sống lại cũng chịu. Bởi vì sao? Quay lại chuyện 26 tấn khoai tây nhập khẩu. Vì lợi nhuận, thương lái sử dụng máy tẩy rửa, rồi "phù phép" thành khoai tây Đà Lạt đem bán. Nghe nói, khoai tây nhập khẩu về tới Đà Lạt giá khoảng 10.000 đồng/kg. Thế nhưng, chỉ qua vài chiêu "phù phép" để nhìn giống khoai Đà Lạt, giá lên tới 15.000-18.000đồng/kg. Thật giả, giả thật. Người nghèo đã khổ, người có tiền, mua hàng có thương hiệu cũng chưa chắc.
Hiện có ba bộ, ngành cùng tham gia quản lý chất lượng hàng hóa, thực phẩm gồm: Y tế, Công thương và NN&PTNT. Đó là chưa kể thêm một phần chức năng của hải quan, thuế vụ, công an… Ấy vậy mà vẫn lọt và không phải ít. Đấy, 26 tấn khoai tây đã được kiểm tra, giám sát đàng hoàng vẫn qua mắt được lực lượng chức năng, vượt hơn nghìn kilômét vào Nam. Thật đáng giật mình! Nếu tiếp tục cách thức tổ chức quản lý hiện nay, sức khỏe, tinh hoa giống nòi ngày mai sẽ ra sao? Tại không ít quốc gia, khi nhập cảnh, chỉ cần phát hiện khách đem theo chút hoa quả, thực phẩm "lạ", ngay lập tức sẽ bị giữ lại xét hỏi, tịch thu, thậm chí xử phạt nếu vi phạm quy định luật pháp nước sở tại. Ở nước ta, mọi việc lại theo hướng ngược lại - quá dễ dãi. Đã đến lúc phải xem xét nghiêm túc, có giải pháp quyết liệt. Chuyện con ốc bươu vàng, cá dọn bể, rùa tai đỏ… làm ảnh hưởng, thậm chí tiêu diệt vật nuôi bản địa vẫn chưa được giải quyết và tiềm ẩn nguy cơ cao. Chẳng lẽ với người dân, cứ là "người tiêu dùng thông minh" là xong!?