Một việc làm rất ý nghĩa

Mỗi ngày một chuyện - Ngày đăng : 05:32, 23/06/2013

(HNM) - Thỉnh thoảng, Người Xây Dựng (NXD) đến thăm một người bạn ở ngõ 233, phố Minh Khai (Hai Bà Trưng), thấy bên chân cột điện ở đầu ngõ, gần mép đường nhựa có ai đó thường để một vài gói cơm, đôi khi chỉ là một vài cuộng rau muống được cho vào túi nhựa gọn ghẽ.

Hằng ngày, vào khoảng 18h, khi đã có xe rác đỗ ở gần vị trí đó, thì các gói cơm thừa, thức ăn thừa của các nhà trong ngõ được đeo vào cái càng xe rác, để người chở biết để riêng đem đi. Tình cờ một lần đến cái ngõ nhỏ này, NXD gặp bà Liên đang để một túi cơm nhỏ bên chân cột điện. Tò mò, NXD đứng lại nhìn. Dường như đoán biết NXD đang có điều "thắc mắc", bà Liên giải thích:

- Dù cẩn thận đến mấy, thì thi thoảng mỗi nhà cũng nấu cơm và có thức ăn thừa. Ông bảo hạt cơm trắng ngần thế này mà vứt vào xe rác thì uổng quá. Người không ăn thì để cho lợn, cho gà... Từ lâu rồi, chẳng ai bảo ai, vậy mà hơn 20 nhà ở ngõ này, từ già đến trẻ khi đi đổ rác đều lọc cơm, thức ăn thừa bỏ riêng vào một túi.

NXD chăm chú nghe, như được đà, bà Liên bộc bạch:

- Ngày bé, khi ăn cơm bố mẹ tôi bảo không được để vãi, lỡ tay thì phải nhặt vứt cho gà, vì hạt gạo là ngọc thực trời cho, phí phạm là phải tội. Nếu ông dừng lại đây, chỉ một lúc là thấy có người đi xe đạp nhặt gói cơm này…

Vài lời giãi bày của bà Liên gợi cho NXD nghĩ tới vẻ đẹp bình dị của một việc làm thấm nhuần tinh thần của người Việt là tiết kiệm, tránh lãng phí. Người xưa đã khéo léo biết gắn tâm linh (ngọc thực là của trời) vào việc thường nhật nên đạt hiệu quả, lâu dần trở thành đạo lý. Ngày nay, việc làm nhỏ bé của người dân ngõ 233 Minh Khai không những tiết kiệm mà còn là một cách sống văn minh, hiện đại. Tự mỗi nhà dân ngay từ đầu đã nghiêm túc phân loại rác thải rắn, rác thải mềm, rác thải khó phân hủy riêng biệt, còn thực phẩm thừa để riêng để tận dụng chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm. Việc làm này vừa không gây lãng phí, vừa không gây ô nhiễm môi trường.

Người Xây Dựng