Hà Nội đã vào cuộc với tinh thần cao nhất

Thể thao - Ngày đăng : 07:53, 22/06/2013

(HNM) -

Dù chưa được nhận chế độ bồi dưỡng, ngần ấy con người đã vượt qua khó khăn, vất vả để tập trung luyện tập, vì nhiệm vụ chung: Tổ chức tốt ASG5 tại Hà Nội" - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Hà Nội Nguyễn Đình Lân nhấn mạnh khi trao đổi cùng Báo Hànộimới.

- Ông có thể cho biết vai trò của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội - Sở VH-TT&DL Hà Nội trong quá trình chuẩn bị cho ASG5?

- Trong công tác phối hợp tổ chức đại hội giữa UBND TP Hà Nội và Bộ GD&ĐT, Sở VH-TT&DL Hà Nội được giao nhiệm vụ là đơn vị Thường trực Ban chỉ đạo, BTC đại hội của địa phương đăng cai. Bản thân tôi với tư cách là Phó Giám đốc sở, Giám đốc của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội - địa điểm được coi là "làng VĐV" của đại hội, chịu trách nhiệm làm việc với các đầu mối, phối hợp các cơ quan chức năng để tổ chức tốt Lễ thượng cờ, Lễ khai mạc, Lễ bế mạc đại hội; đồng thời, chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ công tác ăn, ở, y tế… cho hơn 1.500 cán bộ, HLV, VĐV, chuyên gia… Cùng với đó là tổ chức thi đấu cho 6 trong số 9 môn đấu của đại hội, diễn ra tại trung tâm, gồm cầu mây, cầu lông, pencak silat, bóng chuyền, thể dục, bóng bàn.

- Với khối lượng công việc lớn như vậy, chắc hẳn quá trình chuẩn bị không tránh khỏi những vấp váp?

- Khó khăn nhiều vô kể. Như đã phân tích, tại kỳ ASG5 này, Hà Nội đảm trách đến 70-80% khối lượng công việc, trong khi kinh phí phân bổ cho Hà Nội chỉ chừng 1/4 tổng kinh phí dành cho đại hội, vào khoảng 10 tỷ đồng. Chưa kể, trong suốt quá trình chuẩn bị, kinh phí lại chưa được giải ngân. Một số phần việc trung tâm có thể chủ động tìm phương án giải quyết tạm thời, ví như sớm có kế hoạch đưa hơn 1.000 VĐV các đội tuyển thuộc trung tâm quản lý đi tập huấn, thi đấu trong dịp đại hội để bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất tại đây làm "làng VĐV"; hay chuyển đổi công năng từ nhà tập luyện sang nhà thi đấu đủ khả năng đón khách quốc tế; tu sửa, bảo dưỡng phòng ở, nhà ăn, trung tâm y tế, vệ sinh, chỉnh trang môi trường, mua sắm bổ sung trang thiết bị… Nhưng có những phần việc khiến tôi thực sự lo lắng và thấy áy náy. Đó là việc chi bồi dưỡng cho những người tập luyện cho lễ khai mạc (vốn có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của một đại hội thể thao quốc tế). Hàng nghìn người tập luyện hằng tháng trời, trong đó đa phần là học sinh, sinh viên mà không có chế độ gì. Đáng quý là, trong bối cảnh ấy, tất cả đều cố gắng vượt khó, vì việc chung.

- Lễ khai mạc ASG5 sẽ diễn ra vào ngày mai, 23-6. Mọi việc chắc hẳn đã hoàn tất, thưa ông?

- Vâng, mọi việc đã hoàn tất nhờ sự chung tay của trung tâm và các ban, ngành, cơ quan chức năng của thành phố. UBND TP Hà Nội có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các Đại hội thể thao lớn như SEA Games 22-2003, ASIAN Indoor Games 3-2009, nên ngay khi nhận nhiệm vụ là địa phương đăng cai, lãnh đạo thành phố đã sớm có sự chỉ đạo, huy động các đơn vị cùng vào cuộc. Giờ chỉ còn phải giải quyết sớm kinh phí để "trả nợ" cho các đối tác, diễn viên, VĐV… Mọi người đã rất cố gắng vì việc chung, không nên để họ lo lắng thêm nữa.

- Xin cảm ơn ông!

Mai Hoa thực hiện