Quy định về kết nối internet sẽ giảm thiệt hại cho khách hàng

Xe++ - Ngày đăng : 07:37, 22/06/2013

(HNM) - Gần đây, giữa các doanh nghiệp  cung cấp dịch vụ internet trong nước đã xảy ra tranh chấp về kết nối, gây thiệt hại cho khách hàng.

Phòng chuyển mạch internet tại Công ty VDC. Ảnh: Thanh Hải



Theo Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT-TT), giữa các DN đã nảy sinh tranh chấp về việc bảo đảm dung lượng kết nối, giá cước kết nối, không có hợp đồng, hết hạn hợp đồng. Cụ thể, giữa CMC Telecom và Viettel có thỏa thuận kết nối ngang hàng trực tiếp, nhưng trong quá trình thực hiện lưu lượng CMC chuyển sang Viettel lớn hơn chiều ngược lại. Viettel yêu cầu CMC thanh toán theo dung lượng kết nối, nhưng hai bên chưa đạt được thỏa thuận. Viettel đã thực hiện giải pháp kỹ thuật để bảo đảm lưu lượng kết nối giữa hai bên cân bằng. Điều này có thể hiểu là một số thuê bao của CMC sẽ chịu thiệt khi truy cập vào các website đặt máy chủ tại Viettel bị giảm dung lượng và tốc độ truy cập.

Tương tự, giữa CMC Telecom và FPT Telecom có thời điểm thực hiện không tính cước kết nối và trao đổi lưu lượng trong một thời gian. Cuối năm 2012, FPT yêu cầu CMC thanh toán giá cước kết nối theo dung lượng và đến tháng 3-2013 hai bên đã đạt được thỏa thuận. Nhưng trong thời gian đàm phán, thuê bao internet của CMC đã chịu thiệt khi truy cập vào những trang web có máy chủ đặt tại FPT. CMC kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có quy định mức cước kết nối và cách tính toán lưu lượng kết nối. Về trường hợp kết nối giữa VDC và Viettel, có thể nói "sự cố" tranh chấp giữa hai bên gây thiệt hại đến khách hàng. Đó là trong tháng 3-2013, nhiều thuê bao 3G của Viettel bị trục trặc về kết nối khi truy cập vào một số trang web của VDC. Nguyên nhân bắt nguồn là do kênh kết nối trực tiếp giữa hai bên bị cắt, lưu lượng trao đổi giữa hai bên phải đi qua đường kết nối trạm trung chuyển internet quốc gia (VNIX) trong khi dung lượng kết nối đến VNIX của cả hai không được nâng lên, hiện tượng nghẽn xảy ra là tất yếu. Sau đó, cả Viettel và VDC đã nâng dung lượng kết nối đến VNIX và việc truy cập internet 3G của Viettel trở lại bình thường. Nhưng theo Cục Viễn thông, việc VDC và Viettel ngắt hợp đồng kết nối trực tiếp là không có lợi cho cả hai bên, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

Từ thực tế xảy ra tranh chấp, Cục Viễn thông đã có công văn gửi các DN cung cấp dịch vụ internet và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) yêu cầu bảo đảm việc kết nối internet. Cục đề xuất bổ sung một số quy định về kết nối internet (gồm cả kết nối với VNIX) vào dự thảo thông tư quy định về kết nối các mạng viễn thông công cộng. Cụ thể, các quy định về việc bảo đảm dung lượng kết nối internet, nếu xảy ra nghẽn (lưu lượng mỗi bên vượt 70% trong 7 ngày) các bên phải đàm phán để mở rộng dung lượng kết nối. Quy định về giá cước kết nối internet do Bộ TT-TT ban hành dựa trên cơ sở giá dịch vụ DN báo cáo. Trường hợp kết nối ngang bằng DN tự thỏa thuận; nếu kết nối không ngang bằng, Bộ sẽ đưa ra mức giá. Với quy định về kết nối qua VNIX, trong đó trạm trung chuyển internet quốc gia được hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, trạm trung chuyển này luôn có trách nhiệm xây dựng, báo cáo Bộ về giá chi phí kết nối của các DN tới VNIX cũng như việc cho phép hoặc dừng kết nối một DN internet. Bộ sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các DN, chuyên gia để hoàn thiện thông tư quy định về kết nối mạng viễn thông công cộng nhằm tránh xảy ra tranh chấp.

Việt Nga