Bảo vệ di sản của nhân loại trước thách thức mới

Hồ sơ - Ngày đăng : 07:04, 21/06/2013

(HNM) - Cuộc chiến ác liệt hơn hai năm qua giữa quân đội Chính phủ với phe nổi dậy tại Syria không chỉ tàn phá quốc gia Trung Đông, cướp đi mạng sống của nhiều người mà còn hủy hoại nhiều di tích lịch sử quý giá của nhân loại được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Hình ảnh ngôi thánh đường Hồi giáo nổi tiếng thế giới Umayyad - được xây dựng từ thế kỷ XI tại thành phố cổ Aleppo - bị tàn phá tan hoang sau những cuộc giao tranh là một ví dụ cho thấy thực trạng đáng báo động này.

Chiến tranh đã phá hủy ngôi thánh đường nổi tiếng Umayyad của Syria.



Tuy nhiên, số phận đáng tiếc của một trong những thánh đường đẹp nhất của thế giới Hồi giáo không phải là tổn thất văn hóa duy nhất của nhân loại trong cuộc chiến Syria. Theo UNESCO, có 5 trên tổng số 6 di sản văn hóa thế giới tại Syria bị tổn hại ở các mức độ khác nhau vì chiến tranh. Song cả phía chính phủ cũng như lực lượng nổi dậy tại nước này đều phủ nhận trách nhiệm trong việc hủy hoại các di tích lịch sử trên khiến việc bảo tồn những kiệt tác kiến trúc và văn hóa thế giới gặp khó khăn. Ngay từ tháng 10-2012, UNESCO đã lên tiếng kêu gọi phải bảo vệ thánh đường Umayyad khi cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông ngày càng có xu hướng đẫm máu và khó kiểm soát. Đến nay, UNESCO tiếp tục lên tiếng cảnh báo cuộc nội chiến tại Syria đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các di sản văn hóa giàu có không chỉ của quốc gia này mà còn của nhân loại, đồng thời kêu gọi các bên tham gia xung đột phải bảo vệ các di tích quan trọng như một trách nhiệm với lịch sử.

Trong bối cảnh đó, tìm ra những cách thức để bảo tồn các di sản thế giới đã được UNESCO công nhận; lập danh sách các di sản cần được bảo vệ khẩn cấp; đưa ra lời cảnh báo đối với một số di sản có thể bị loại ra khỏi danh sách này của UNESCO… là những nội dung quan trọng được hơn 1.300 đại biểu đến từ 120 quốc gia trên thế giới bàn thảo tại Hội nghị toàn thể lần thứ 37 của Ủy ban Di sản thế giới (WHC) thuộc UNESCO đang diễn ra tại Campuchia từ ngày 16 đến 27-6. Thực tế cho thấy, không chỉ có những di tích tại các vùng chiến sự mà rất nhiều di sản khác cũng đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các dự án phát triển, xây dựng và thậm chí là sự lơ đãng của con người. Một trong số những di tích vừa được rung chuông báo động là các rạn san hô tại Australia. UNESCO cho biết di sản thiên nhiên thế giới này đang bên bờ vực nguy hiểm nếu Canberra không kịp thời bổ sung các biện pháp nhằm tăng cường bảo vệ trước thời điểm tháng 2-2014. Báo cáo của UNESCO cũng đề nghị Australia chấm dứt việc xây dựng các cảng biển gần các rạn san hô và đưa ra một bản đánh giá tổng thể về thực trạng của các khu vực này, đồng thời khuyến cáo chính phủ nước này cần có những động thái nhất định trước khi UNESCO hoàn thành bản báo cáo. Cách đây không lâu, cơ quan văn hóa LHQ cũng liệt thành phố cổ Sana'a, thủ đô của Yemen, vào danh sách những di sản bị đe dọa. Nổi tiếng với những ngôi nhà làm từ gạch bùn độc đáo và những khu chợ có đường đi phức tạp như mê cung, Sana'a được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1986. Tuy nhiên, cơ quan này vừa cảnh báo sẽ gạch tên Sana'a khỏi danh sách trên nếu chính phủ nước này không dừng việc thay thế những ngôi nhà cổ bằng các kiến trúc mới.

Như một tín hiệu tích cực được gửi tới hội nghị lần này, Campuchia và Thái Lan vừa nhất trí duy trì hòa bình dọc biên giới hai nước bất kể Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) phán quyết như thế nào đối với cuộc tranh chấp lãnh thổ gần ngôi đền cổ Preah Vihear. Kể từ khi UNESCO công nhận đền Preah Vihear là di sản thế giới ngày 7-7-2008, tranh chấp biên giới giữa Campuchia và Thái Lan lác đác nổ ra khiến dư luận không khỏi quan ngại việc bảo tồn ngôi đền cổ này sẽ bị ảnh hưởng. Quyết định trên được đưa ra sau khi Quốc hội Campuchia mới đây phê chuẩn Nghị định thư thứ hai của Công ước La Hay năm 1954 về bảo vệ các tài sản văn hóa trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang. Đến nay, đã có 126 nước trở thành quốc gia thành viên của Nghị định thư thứ nhất về Công ước La Hay và khoảng 65 nước đã phê chuẩn Nghị định thư thứ hai vốn được ban hành năm 1999.

Song, với những gì diễn ra cho thấy, việc bảo vệ các di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận đang đứng trước nhiều thách thức. Trách nhiệm, sự nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc gìn giữ các di sản cho các thế hệ sau của từng chính phủ chắc chắn sẽ có giá trị thực tiễn hơn những lời kêu gọi hoặc thậm chí là những biện pháp hành chính cứng rắn. Có điều, để làm được việc đó, thế giới cần rất nhiều nỗ lực.

Đình Hiệp