Ngày ấy, tôi là phóng viên Báo Hànộimới

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:29, 21/06/2013

(HNM) - Vừa về Báo Hànộimới, tôi đã được giao đi viết bài phản ánh sự kiện Phạm Tuân bay lên vũ trụ khi mà cả nước đang hân hoan chào đón, quên mọi khó khăn của thời bao cấp.

Phóng viên Báo Hànộimới tác nghiệp.Ảnh: Nguyệt Ánh


Lần đầu tiên viết về những sự kiện quan trọng của đất nước diễn ra tại Thủ đô, tôi hơi choáng ngợp trước các hoạt động mang tầm cỡ quốc gia. Gặp gỡ các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam về vật lý lượng tử, vật lý địa cầu như GS Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, cố GS-TSKH Nguyễn Văn Đạo, GS-TSKH Đào Vọng Đức…, tôi vừa hứng khởi, vừa lo lắng. Đây là lĩnh vực khoa học cao xa mà tôi là kẻ "ngoại đạo". Đến gặp ai và phỏng vấn những gì để viết được theo yêu cầu của Ban Biên tập là mối lo không nhẹ nhàng. Thật may mắn cho tôi khi mình được đào tạo qua Khoa Ngữ văn của Trường ĐH Tổng hợp. Ở đây, tôi không chỉ được dạy ngữ, dạy văn, mà còn được trang bị phương pháp tiếp cận với nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Vượt qua thử thách đầu tiên, tôi hăm hở hành nghề với tâm thế của người làm báo ở vùng đất địa linh nhân kiệt.

Là phóng viên thời sự, tôi lại có may mắn được gặp gỡ, chuyện trò, phỏng vấn các lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tôi rất vui sướng khi được cơ quan ưu ái cho may complê, cho sử dụng ô tô Lađa sang nhất cơ quan ngày đó, để đi phản ánh sự kiện… Dịp Quốc khánh hằng năm, tôi được vào Phủ Chủ tịch để dự tiệc chiêu đãi, không phải với tư cách khách mời của Chính phủ, mà là một phóng viên đưa tin. Với tôi, thế cũng đủ "oai" rồi, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn của thời bao cấp.

Cơ quan càng tạo thuận lợi cho mình bao nhiêu, tôi càng thấy tầm quan trọng của chức phận phóng viên thời sự. Cựu Tổng biên tập Hồng Lĩnh và cố Phó TBT Dương Linh vẫn kể cho chúng tôi nghe trường hợp phóng viên bị "treo bút" vì chỉ ngồi ở nhà mà miêu tả cảnh con tàu hạ thủy y như thật, với trống dong, cờ mở, pháo nổ, nắng hồng… Nhưng, trên thực tế, sự kiện này đã bị hoãn lại. Hoặc có trường hợp nhà lãnh đạo không đến dự buổi lễ, nhưng phóng viên vẫn tường thuật, theo chương trình đã ghi trong giấy mời, lại còn cao hứng đưa cả những lời chỉ thị sâu sắc của nhà lãnh đạo.

Bài học đắt giá của đồng nghiệp đi trước, khiến tôi giật mình nhận thấy: "Thời sự chính trị" như một miền thông tin vừa hấp dẫn vừa nhạy cảm với những rủi ro, "tai nạn nghề nghiệp" của người làm báo.

Khi đất nước đổi mới, báo chí nhận được tư tưởng chỉ đạo: không có "vùng cấm" đối với báo chí. Và, lần đầu tiên, báo chí được đưa nguyên văn câu hỏi của đại biểu QH ở nghị trường: "Tại sao các báo cáo kinh tế năm nào cũng vượt chỉ tiêu kế hoạch cao hơn năm trước, mà đời sống nhân dân thì năm sau lại tụt hơn năm trước?".

Báo chí được nhân dân quý trọng và tin cậy. Trước đó, có người coi cánh nhà báo như những công chức "ăn theo, nói leo, trèo ô tô, vô trách nhiệm". Bây giờ, xã hội coi báo chí như một quyền lực. Nhưng, những người làm báo chúng tôi cũng hiểu "tự do" không có nghĩa là "vô hạn". Quốc gia nào, chính thể nào cũng quản lý xã hội theo pháp quyền. Người tự do nhất là người biết đi trong hành lang pháp lý. Thực tế hoạt động báo chí trong cơ chế thị trường cho thấy, nếu chỉ chạy theo thị hiếu tầm thường của bạn đọc thì báo chí sẽ bị thương mại hóa. "Viết để làm gì và viết cho ai?" - Mỗi khi vấp ngã, hoặc bị "tai nạn nghề nghiệp", người làm báo chúng tôi "vịn" vào lời dạy đó của Bác Hồ mà đứng dậy, điều chỉnh bước đi của mình cho xứng tầm với vai trò "người thư ký của thời đại".

Bây giờ, tôi từng nghe các bà nội trợ nói với nhau, đọc báo bây giờ sao mà nặng nề thế? Tờ nào, trang nào cũng đầy rẫy những vụ lừa lọc, cướp giết, ẩu đả… Xã hội sao mà nhiễu nhương vậy? Lời than phiền của bạn đọc như muốn nói với báo chí rằng: Phải biết viết cho hấp dẫn, nhưng không được "bôi đen" cuộc sống; phải đem lại niềm tin tưởng, phấn khởi, chứ không nên để lại nỗi thất vọng, chán chường. Đó không chỉ là mục tiêu mà còn là định hướng nhân văn của báo chí.

Vừa theo sát các sự kiện chính trị để đưa tin, tôi vừa phải viết bài cho trang pháp luật. Ở lĩnh vực này, tôi lại gặp may khi được cơ quan cho đi học 4 năm để lấy thêm bằng cử nhân luật. Tôi say sưa, hứng thú học luật như đã học văn. Sự may mắn của nghề nghiệp cho tôi hai sở trường viết báo: văn học để bay bổng, hình ảnh; luật học để chặt chẽ, lôgic.

Khi viết các vụ án, với bút danh Bùi Công Lý, tôi không coi việc miêu tả tỉ mỉ hành vi phạm tội, nhiều khi man rợ là điều hấp dẫn. Quan trọng là qua bài báo đó, tôi nhắn gửi một thông điệp tới người đọc về cách phòng ngừa, răn đe và kêu gọi sự hoàn lương.

Một lần vào trại giam Hỏa Lò (khi ấy chưa thành khách sạn), tôi gặp một tử tù còn rất trẻ, ngày mai bị đưa ra tử hình. Được xem lá thư gửi mẹ mà cậu ta vừa viết xong, tôi thấy quặn lòng về nỗi ân hận, xót xa của một đứa con mồ côi cha từ 2 tuổi, mẹ ở vậy nuôi cho khôn lớn, nay chưa báo đáp được gì đã phải lìa xa mẹ. Về tòa soạn, tôi viết một lèo xong bài "Nỗi ân hận muộn màng". Đọc bài viết này, trước khi đưa sang nhà in, nữ biên tập viên Mai Thục đã không kìm nổi xúc động, nước mắt ướt nhòe bản thảo.

Tôi còn nhớ vụ án Siêng Phênh (quốc tịch Lào) bị tuyên án tử hình vì buôn bán ma túy. Khi bị đưa ra pháp trường để thi hành án, đột nhiên anh ta nói: cho tôi được sống để tôi khai ra những điều chưa nói. Bài viết sớm nhất của tôi được đưa lên báo với tiêu đề "Hoãn tử hình ngay tại trường bắn". Mở rộng vụ án, theo lời khai của Siêng Phênh, cơ quan điều tra đã bóc gỡ đường dây ma túy lớn ngay trong ngành công an. Sau đó ít lâu, Vũ Xuân Trường và một số đồng phạm bị tử hình; còn Siêng Phênh được giảm án xuống chung thân. Trước khi đăng bài viết này, tôi đưa bản thảo cho những người am hiểu pháp luật xem để tham khảo ý kiến thêm chắc chắn về mặt pháp lý.

Với các bài viết khác có tính nhạy cảm về chính trị cũng vậy, tôi thường tranh thủ ý kiến góp ý của người có thẩm quyền. Nhờ đổi mới tư duy mà lần đầu tiên Báo Hànộimới đăng bài về Ban Thường vụ Thành ủy tiến hành kiểm điểm, với các nội dung cụ thể, theo tinh thần Nghị quyết TƯ.

Ban biên tập luôn yêu cầu phóng viên phải tự chịu trách nhiệm về bài viết của mình, dám đương đầu với khiếu kiện.

Nghề báo vất vả, cực nhọc với những vui buồn đa dạng, đa chiều, nhưng đã cho tôi nhiều may mắn để sống vui vẻ và tác nghiệp hào hứng.

Nguyễn Đức Thà