Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Xã hội - Ngày đăng : 07:15, 20/06/2013

Tôi muốn dùng tiền của gia đình để kinh doanh, tuy nhiên vợ tôi lại không đồng ý vì sợ rủi ro. Đề nghị luật sư cho biết, tôi có thể tiến hành chia tài sản chung của vợ chồng mà không phải ly hôn hay không và nếu được, thì việc sử dụng tài sản sau khi chia có bị ràng buộc gì không? Nguyễn Mạnh Cường (Đống Đa, Hà Nội)

Tôi muốn dùng tiền của gia đình để kinh doanh, tuy nhiên vợ tôi lại không đồng ý vì sợ rủi ro. Đề nghị luật sư cho biết, tôi có thể tiến hành chia tài sản chung của vợ chồng mà không phải ly hôn hay không và nếu được, thì việc sử dụng tài sản sau khi chia có bị ràng buộc gì không?
Nguyễn Mạnh Cường (Đống Đa, Hà Nội)

Tiến sỹ, luật sư Vũ Thái Hà (Công ty Luật TNHH YouMe; ĐT: 0913.55.99.44, website: www.youmevietnam.com) trả lời:
- Khoản 1, Điều 29, Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành quy định: Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.

Tại Điều 6, Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 3-10-2001 hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định về thỏa thuận chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân như sau: Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân phải được lập thành văn bản và ghi rõ các nội dung: a) Lý do chia tài sản; b) Phần tài sản chia (gồm bất động sản, động sản, các quyền tài sản), trong đó cần mô tả rõ những tài sản được chia hoặc giá trị phần tài sản được chia; c) Phần tài sản còn lại không chia, nếu có; d) Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung; đ) Các nội dung khác, nếu có.
Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập văn bản và phải có chữ ký của cả vợ và chồng; văn bản thỏa thuận có thể có người làm chứng hoặc được công chứng, chứng thực theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được về việc chia tài sản chung thì cả hai bên hoặc một bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.

Như vậy, căn cứ các quy định trên, theo thông tin mà ông cung cấp, ông có thể thỏa thuận với vợ về việc chia tài sản chung hoặc yêu cầu tòa án giải quyết việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân trong trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được về việc chia tài sản chung.

Về hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, tại Điều 8, Nghị định số 70/2001/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản chung còn lại vẫn thuộc sở hữu chung của vợ, chồng.

Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất - kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.