Lộn xộn kinh doanh lữ hành quốc tế: Cơ quan quản lý bất lực?
Du lịch - Ngày đăng : 05:55, 20/06/2013
Chợ nổi Thái Lan, một trong những điểm du lịch thu hút đông đảo du khách Việt Nam. Ảnh: Viết Thành |
Doanh nghiệp "chui", bán tour công khai
Sự kiện bắt đầu từ hội nghị kết hợp tham quan, du lịch do Công ty Herbalife Việt Nam tổ chức cho khoảng 3.000 người sang Thái Lan từ ngày 12 đến 18-6. Do số lượng khách đông nên công ty này đã sử dụng dịch vụ của nhiều hãng, trong đó có Travel Life (phục vụ khoảng 700 khách, gồm 500 người ở khu vực phía Bắc và 200 người ở phía Nam). Đối tác của Travel Life tại Thái Lan là Công ty Thái 2020 chỉ nhận được vỏn vẹn 30% tiền đặt cọc, 70% còn lại Travel Life cam kết sẽ thanh toán ngay khi đoàn đến Thái Lan. Tuy nhiên, do không nhận được số tiền này nên sau 2 ngày kết thúc hội nghị, đối tác Thái Lan đã không thể phục vụ đoàn theo thỏa thuận.
Ngày 19-6, trao đổi với Báo Hànộimới, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, theo Luật Du lịch, công ty lữ hành muốn đưa du khách ra nước ngoài phải bảo đảm 3 điều kiện, gồm: Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, mua bảo hiểm du lịch cho du khách và sử dụng hướng dẫn viên có thẻ hành nghề. Tuy nhiên, Travel Life đã không đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên.
Đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tại TP Hồ Chí Minh Huỳnh Đăng Khoa cũng cho biết thêm, chỉ có 700 du khách mua tour của Travel Life là gặp "sự cố". Những đoàn khách còn lại do các đơn vị du lịch khác phục vụ không xảy ra vấn đề gì. Công ty Travel Life đăng ký trụ sở ở một nơi nhưng lại hoạt động ở nơi khác. Điều đáng nói là dù không có giấy phép kinh doanh nhưng công ty này vẫn ngang nhiên đưa khách ra nước ngoài. Giá tour mà mỗi du khách phải trả cho chuyến đi này là 6,6 triệu đồng, thấp hơn giá thị trường 1,2 triệu đồng. Chính vì doanh nghiệp không kiểm soát được chi phí tour cũng như chi phí phát sinh khác nên dẫn đến sự việc đáng tiếc trên.
Lễ hội té nước tại Thái Lan. Ảnh: Nhật Nam |
Chỉ 6% đơn vị tuân thủ pháp luật
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Du lịch, hiện cả nước có khoảng 1.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng trên thực tế chỉ có khoảng 60 đơn vị hoạt động tốt và tuân thủ quy định. Sự việc trên một lần nữa cho thấy, loại hình kinh doanh lữ hành quốc tế khá lộn xộn trong khi công tác quản lý tỏ ra lỏng lẻo, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh với chất lượng dịch vụ ngày càng đáng báo động.
Tình trạng các doanh nghiệp lữ hành hoạt động không phép đang diễn ra rất phổ biến tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình thẳng thắn nhận định. Thậm chí, nhiều công ty còn mượn, thuê giấy phép để đưa du khách ra nước ngoài. Có trường hợp cung cấp giấy phép cho khoảng 10 công ty khác để những đơn vị này đưa người Việt Nam ra nước ngoài. Việc quản lý kinh doanh lữ hành lỏng lẻo không những làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến vị thế của người Việt Nam ở nước ngoài. "Trong vụ việc này, rõ ràng là chính công ty du lịch Việt lại "chặt chém" khách Việt; chúng ta đã tự làm hại mình, làm xấu đi hoạt động du lịch Việt Nam ở nước ngoài" - Ông Vũ Thế Bình bức xúc.
Rõ ràng, cơ quan quản lý về du lịch không đủ sức quản lý ngành. Tổng cục Du lịch hiện không có riêng thanh tra chuyên ngành như trước đây mà lực lượng này đã sáp nhập thành thanh tra văn hóa. Không còn bộ phận chuyên trách nên ngành du lịch không đủ năng lực và nguồn lực để kiểm soát hoạt động kinh doanh lữ hành.
Ngày 19-6, Văn phòng TAT tại Việt Nam đã có thông báo về việc hơn 700 du khách Việt Nam bị "bỏ rơi" tại Thái Lan. TAT cũng đã liên lạc với Sở VH,TT&DL TP Hồ Chí Minh và Tổng cục Du lịch để có những hỗ trợ kịp thời. Hiện những du khách này đã trở về Việt Nam an toàn. Vụ việc cụ thể đã được giải quyết nhưng cơ quan quản lý nhà nước cần tổ chức thanh - kiểm tra khẩn cấp việc kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc. Bên cạnh đó, cần sớm thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để bảo đảm an toàn cho du khách, đồng thời kiểm tra giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp đưa khách ra nước ngoài ngay tại cửa khẩu là những giải pháp để có thể quản lý tận gốc hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khuyến cáo, người Việt Nam ra nước ngoài thường quan tâm đến giá cả mà quên mất việc tìm hiểu đơn vị đưa mình ra nước ngoài. Do đó, điều quan trọng nhất là phải chọn những công ty có uy tín, tên tuổi và cảnh giác khi sử dụng những tour giá rẻ. Du khách nên đến tận trụ sở của doanh nghiệp để đặt tour và yêu cầu cho xem giấy phép kinh doanh hoặc gọi điện đến Sở VH,TT&DL địa phương kiểm tra xem công ty trên có chức năng phục vụ lữ hành quốc tế hay không. Khi mua tour, phải kiểm tra thật kỹ chi tiết hành trình và so sánh chất lượng dịch vụ với giá dịch vụ. |