Quá nhiều bất cập trong quản lý vận tải khách liên tỉnh

Kinh tế - Ngày đăng : 06:54, 19/06/2013

(HNM) - Xe chạy lòng vòng, dừng đỗ tùy tiện, gây mất trật tự an toàn giao thông... Thực trạng trên đã và đang diễn ra tại nhiều tuyến xe khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố.


Quá tải... sinh "bến cóc"

Bến xe Mỹ Đình được coi là "bến gốc" của các tuyến vận tải liên tỉnh ở khu vực phía tây của thành phố. Nếu như 6 năm về trước, bến xe này thường xuyên trong cảnh vắng khách thì vài ba năm trở lại đây, số lượng đầu xe vào bến tăng chóng mặt. Theo quy hoạch của Sở Giao thông vận tải Hà Nội năm 2006, Bến xe Mỹ Đình có công suất tối đa 800 lượt xe/ngày. Vậy nhưng, hiện tại mỗi ngày tại đây có gần 1.000 lượt xe xuất bến, vào thời điểm cuối tuần, số xe xuất bến lên tới trên 1.200 lượt. Không chỉ tiếp nhận lượng xe từ các tỉnh khu vực Tây Bắc, Bến xe Mỹ Đình còn "cõng thêm" các xe từ phía Nam, thậm chí cả xe khách từ các tỉnh phía Bắc, đông bắc.

Xe đường dài "bắt" khách trên đường Giải Phóng.


Do khó khăn trong việc tìm kiếm điểm đỗ tại bến, cộng với thủ tục phiền hà, tốn kém mà vẫn không được chấp thuận nên nhiều chủ phương tiện chọn giải pháp vào các bãi xe tự phát ở phía sau Bến xe Mỹ Đình để đón, trả khách. Các xe khách liên tỉnh vào bến tự phát này không bị ai giám sát, quản lý, "chủ bến" chỉ thu tiền mỗi lượt xe vào, ra... Hiện tại, mỗi ngày có hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt xe hoạt động tại bến xe này. Về vấn đề trên, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình chia sẻ: "Đối với những xe khách hoạt động ở ngoài tường bao của Bến xe Mỹ Đình, đơn vị chúng tôi không thể quản lý, xử lý. Vì vậy, đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các xe đường dài tùy tiện đón khách tại các "bến cóc" trên đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt...

Bỏ bến... vì "xe dù"


Trái với cảnh tấp nập tại Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Nước Ngầm có diện tích hơn 10.000m2, nhưng luôn trong cảnh vắng xe, vắng khách. Nằm ở cửa ngõ phía nam thành phố, Bến xe Nước Ngầm phục vụ chủ yếu các tuyến vận tải hành khách đường dài từ Nghệ An trở vào. Với công suất 400 lượt xe/ngày, vậy nhưng mỗi ngày ở đây chỉ có từ 130-140 lượt xe xuất bến, không bằng một bến tự phát ở khu vực Mỹ Đình. Tuy vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải được bố trí đón trả khách tại Bến xe Nước Ngầm, sau một thời gian hoạt động tại đây đành bỏ bến do bị các xe khách chạy cùng tuyến từ Bến xe Mỹ Đình hoặc bến tự phát và các "bến cóc" "vợt" hết khách...

Bến xe tự phát tại Mỹ Đình vẫn hoạt động.


Mặc dù diện tích không rộng như Bến xe Nước Ngầm, nhưng số lượng xe xuất bến mỗi ngày tại Bến xe Lương Yên (7.800m2) vẫn khá hơn. Khoảng 3 năm trước, trung bình mỗi ngày tại đây có trên 700 lượt xe xuất bến, sau khi một phần diện tích của bến xe bị thu hồi cho dự án xây nhà cao tầng, mỗi ngày chỉ còn khoảng 250 lượt xe xuất bến. Theo ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Bến xe Lương Yên, bến xe này nằm ở vị trí thuận lợi giao thông đối với các luồng tuyến hoạt động kể cả các tỉnh phía Bắc, đông bắc như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn... và các tỉnh phía Nam. Bến xe còn có thể tiếp nhận thêm nhiều đầu xe vào khai thác, nhất là diện tích bến xe được mở rộng sau khi dự án xây dựng nhà cao tầng không thực hiện. Cùng phục vụ các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh ở phía Bắc, mỗi ngày Bến xe Gia Lâm duy trì hơn 500 lượt xe xuất bến. Ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc bến xe cho biết, với diện tích hiện có, bến xe còn khả năng tiếp nhận thêm hơn 200 đầu xe mỗi ngày...

Được biết, để khắc phục tình trạng bến "quá tải", bến "đìu hiu" như nêu trên, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có kế hoạch từ ngày 20-7-2013 sẽ điều chỉnh giảm đầu phương tiện đến Bến xe Mỹ Đình, các xe đi phía Nam sẽ tập trung tại các bến phía Nam, xe phía Bắc khởi hành tại bến phía Bắc... Tuy nhiên, theo mong muốn của ban quản lý tại một số bến xe, nơi chúng tôi có dịp tiếp xúc và cũng là mong muốn của người dân, bên cạnh những giải pháp đã xác định, các lực lượng chức năng như CSGT, Thanh tra Giao thông vận tải cần tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng xe khách chạy không đúng lộ trình, "xe dù", "bến cóc" trên địa bàn thành phố Hà Nội, trước hết là một số "điểm nóng" tại khu vực Mỹ Đình, các tuyến đường Giải Phóng, Pháp Vân, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng... Thiết nghĩ, đây cũng là biện pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của đội ngũ lái xe và người đi xe khách liên tỉnh. Không thể để tái diễn tình trạng "bắt" xe, "bắt" khách dọc đường, gây mất trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị như hiện nay.

Bài, ảnh: Biên Hà