Thêm một di tích xứ Đoài kêu cứu

Xã hội - Ngày đăng : 06:13, 19/06/2013

(HNM) - Dù đã hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết, được cơ quan chức năng đồng ý tu bổ, tôn tạo từ năm 2010 nhưng do chưa được cấp kinh phí,

Tượng cũng "di cư"

Có mặt tại chùa Ngọc Kiên (Trung Kiên Tự) vào một ngày giữa tháng 6, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận ngôi chùa có giá trị đặc biệt này đã xuống cấp trầm trọng. Cổng cổ dẫn vào di tích mang kiến trúc đặc thù chùa xứ Đoài, phải chống đỡ bằng các thanh gỗ tạm bợ, buộc dây chằng chịt. Hai cánh, tường rêu mốc, có thể sập bất cứ lúc nào. Để có lối vào, nhà chùa và nhân dân thôn Ngọc Kiên phải dựng tạm cổng bên cạnh. Bên trong chùa, tòa tam bảo trống hơ hoác chẳng khác nhà hoang là mấy. Từ cửa chính cho tới vì kèo, cột, mái… bị "băng bó" chằng chịt bằng gỗ, tre. Đứng trong tòa tam bảo, du khách có thể ngắm bầu trời qua khoảng trống do ngói vỡ. Trên các bệ thờ, mối đùn thành đống to như chiếc nón úp… Hằng ngày, chỉ có những người được giao hương khói mới vào tam bảo, còn người dân, vì sợ ảnh hưởng tới tính mạng nên phải hương khói ở nhà khách, ngoài sân vườn. Học sinh Trường Tiểu học Cổ Đông tham gia chăm sóc di tích cũng không dám vào chùa chính.

Chùa Ngọc Kiên.



Sư trụ trì chùa Thích Đàm Thuần cho biết, các hạng mục chính của chùa Ngọc Kiên hiện ở trong tình trạng nắng xuyên thấu, mưa là dột. "Mấy năm gần đây, nhà chùa cùng nhân dân đã căng bạt phủ kín mái để tránh dột. Nhưng, hiện nay, ngói xô quá nhiều nên những tấm bạt không còn tác dụng".

Trước sự xuống cấp đã đến hồi khó cứu vãn, được sự đồng ý của UBND thị xã Sơn Tây, nhà chùa và nhân dân Ngọc Kiên đã chụp ảnh hiện trạng, lập hồ sơ từng hiện vật và chuyển toàn bộ tượng thờ, chuông, khánh và các hiện vật giá trị xuống nhà khách từ tháng 11-2012. "Thay đổi vị trí thờ tự là điều không ai mong muốn, nhưng trong tình thế cấp bách, nhà chùa không có cách nào khác" - sư trụ trì Thích Đàm Thuần nói.

Chờ kinh phí

Nhận thấy chùa Ngọc Kiên bị xuống cấp nghiêm trọng, từ tháng 5-2010, BQL di tích chùa Ngọc Kiên và xã Cổ Đông đã có đơn, tờ trình đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ kinh phí tu bổ cấp thiết. UBND thị xã Sơn Tây có văn bản số 105 ngày 22-5-2010 báo cáo về hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng của chùa Ngọc Kiên, nêu rõ: "Chùa Ngọc Kiên đã xuống cấp nghiêm trọng. Qua kiểm tra thực tế, 90% các hạng mục đã hư hại". Trên cơ sở đó, ngày 22-7-2010, Sở VH,TT&DL Hà Nội có văn bản số 1987 gửi Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL), xin ý kiến thỏa thuận dự án tu bổ chùa Ngọc Kiên và đã được Bộ VH,TT&DL thỏa thuận tu bổ ở các hạng mục: Tôn tạo tam bảo, xây mới tam quan, nhà mẫu, nhà tổ, lầu cô, lầu cậu, hạ tầng kỹ thuật, sân vườn, tường rào, cổng phụ, xây mới nhà vệ sinh (văn bản số 3019/ BVHTTDL- DSVH ngày 31-8-2010). Cũng tại văn bản này, Bộ VH,TT&DL yêu cầu trong quá trình thực hiện dự án tu bổ chùa Ngọc Kiên cần phải tận dụng tối đa chân tảng, ngói lợp còn khả năng sử dụng của tam bảo cũ để tôn tạo, xây dựng tam bảo mới; tam quan làm theo mẫu truyền thống; đặc biệt, cần chú ý bảo vệ chuông và khánh đồng có niên đại thế kỷ XVII-XVIII. Ngày 17-9-2010, UBND TP Hà Nội có văn bản số 7465/UBND-KH&ĐT thống nhất chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo chùa Ngọc Kiên với tổng mức đầu tư dự kiến 20 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ 60%, ngân sách thị xã Sơn Tây 40%, thời gian thực hiện dự án trong năm 2011-2012.

Bệ thờ trong tòa tam bảo bị mối.



Như vậy, dự án tu bổ chùa Ngọc Kiên đã hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết từ năm 2010, chỉ đợi kinh phí. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, sở dĩ dự án tu bổ chùa Ngọc Kiên triển khai chậm do tình hình kinh tế khó khăn, chưa thể bố trí được nguồn kinh phí.

Việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để trùng tu chùa Ngọc Kiên cũng đã được tính đến, nhưng Sơn Tây không có nhiều doanh nghiệp lớn, nguồn tiền công đức không đáng kể nên số tiền thu được không đáng là bao so với nguồn kinh phí dự kiến. "Kinh phí xã hội hóa ít nên chuyện vượt rào tu bổ di tích như ở chùa Trăm Gian sẽ không xảy ra. Nhưng, nếu tình trạng này kéo dài thì chùa có thể sập bất cứ lúc nào", ông Hứa Đức Thịnh, Trưởng phòng VH-TT thị xã Sơn Tây lo lắng.

Hà Nội hiện có hàng trăm di tích xuống cấp, cần được trùng tu chứ không chỉ có chùa Ngọc Kiên. Tuy nhiên, với mức độ xuống cấp nghiêm trọng như đã nói ở trên, có lẽ dự án tu bổ chùa Ngọc Kiên cần nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Chùa Ngọc Kiên được xây dựng hàng trăm năm nay trên thế đất cao ráo, rộng khoảng 2.500m2. Ngoài giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc, cảnh quan, chùa Ngọc Kiên hiện còn lưu giữ được nhiều di vật quý như: bia đá ghi "Hậu phật bi ký" niên đại Thành Thái Bát niên (1896); khánh đồng niên đại Cảnh Hưng (1783); chuông đồng niên đại Chính Hòa (1678)… Chùa được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 51/2008/QĐ-BVHTTDL của Bộ VH,TT&DL ngày 17-7-2008.

Minh Ngọc