Hậu quả do buông lỏng quản lý
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:03, 18/06/2013
Trong khi đó, chính quyền xã lại cho rằng đã thực hiện đầy đủ các bước theo đúng quy định của pháp luật trong quá trình xử lý công trình xây dựng không phép của gia đình bà Giang. Tìm hiểu vụ việc, chúng tôi phát hiện nhiều vấn đề bất cập, thể hiện sự buông lỏng trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng (TTXD) tại xã Đông Ngạc...
Đoạn tường rào bị cưỡng chế và khu vực bãi Soi hiện nay. |
Chính quyền bảo "có", dân nói "không"
Theo trình bày của bà Nguyễn Hương Giang, bố chồng bà là cụ Phan Thanh Tấu, sinh năm 1944 tại xã Đông Ngạc - Từ Liêm. Sau thời gian dài công tác trong quân ngũ và chuyển về Thanh Hóa sinh sống, năm 1991, cụ Tấu trở về quê cũ định cư. Chính quyền địa phương đã giao cho gia đình ông mảnh đất tại xóm 5, xã Đông Ngạc. Từ năm 1991 đến nay, bà Giang cùng chồng là ông Phan Thanh Đoàn và các thành viên trong gia đình sống ổn định tại khu đất này và thực hiện đầy đủ các chính sách, nghĩa vụ theo đúng quy định của Nhà nước. Gia đình bà cũng đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng chưa được xem xét. Cuối tháng 7- 2012, xã Đông Ngạc có chủ trương mở rộng công trình di tích lịch sử hồ Quan Viên thuộc cụm di tích đình Vẽ, gia đình bà Giang đã tự nguyện phá hàng rào cũ, hiến hơn 300m2 đất cho việc cải tạo, mở rộng khuôn viên hồ. Sau hai lần thực hiện việc di dời hàng rào cũ để hiến đất, vào cuối tháng 12-2012 và đầu tháng 3-2013, gia đình bà Giang tiến hành xây mới hai bức tường rào với chiều cao 1,5m, chạy dài 45m, tổng chi phí hơn 100 triệu đồng nhằm bảo vệ tài sản riêng của gia đình và tạo cảnh quan hồ được đẹp hơn. Tuy nhiên, 9h ngày 9-5-2013, trong khi chồng bà Giang đang đi công tác vắng nhà, gia đình chỉ còn mình bà và mẹ chồng ở nhà, bất ngờ hàng chục người với xe cẩu và máy ủi dưới sự chỉ đạo của ông Phó Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc đã tiến hành đập phá toàn bộ 45m tường rào xây mới của gia đình bà...
Có mặt tại gia đình bà Giang, phóng viên chứng kiến những đống gạch vữa từ việc đập phá 45m tường rào vẫn nằm ngổn ngang. Dẫn chúng tôi "mục sở thị" những đoạn tường rào nham nhở sót lại sau vụ cưỡng chế, bà Giang tỏ ra rất bức xúc: "Trong quá trình vận động gia đình tôi phá dỡ tường rào cũ để hiến đất cải tạo khuôn viên hồ Quan Viên, chính quyền xã không có bất cứ một biên bản nào. Kỳ lạ hơn, sau khi chúng tôi dịch chuyển hàng rào để hiến đất, UBND xã không hề cắm mốc quy định chỉ giới khuôn viên hồ đến đâu. Do đó, gia đình tôi phải chạy tới chạy lui, hỏi ý kiến các cán bộ thanh tra xây dựng xã để xác định ranh giới nhằm xây dựng tường rào mới. Ai ngờ, khi xây dựng xong tường rào thì lại xảy ra chuyện cưỡng chế như thế này. Điều đáng nói là so với các hộ liền kề nằm dọc đường dạo ven hồ, bức tường rào mới của gia đình tôi đã được xây dựng lùi vào đến 3m nhưng vẫn bị xã cưỡng chế phá dỡ...".
Sau rất nhiều lần liên lạc, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc. Trong cuộc gặp này, ông Chiến từ chối không cung cấp cho phóng viên bản sao các biên bản, quyết định của UBND xã về việc xử lý vi phạm trong quản lý đất đai, TTXD đối với hộ ông Đoàn, bà Giang. Ông Chiến chỉ cung cấp cho phóng viên biên bản buổi làm việc, trong đó thông tin về vụ việc được ông đọc cho cán bộ văn phòng UBND xã ghi (?), cụ thể như sau: Di tích lịch sử đình Vẽ thuộc xóm 5, xã Đông Ngạc bị một số hộ dân lấn chiếm trong đó có hộ ông Đoàn, bà Giang và UBND xã đã lập biên bản vi phạm vào ngày 15-5-2012. Vi phạm của hộ ông Đoàn gồm xây tường bao, dựng một khung nhà thép diện tích 42m2. Ông Đoàn đã ký biên bản vi phạm và gia đình tự dỡ bỏ.
Ngày 27-3-2013, gia đình ông Đoàn lại tiếp tục vi phạm trên diện tích đất 254m2 nhưng lùi vào vị trí phía trong, tổ thanh tra xây dựng phát hiện gia đình xây hai bức tường ngăn, bổ trụ nên đã lập biên bản vi phạm nhưng ông Đoàn không có mặt, người trông nom không ký biên bản. Ngày 29-3, UBND xã ra Quyết định số 362/QĐ-UBND đình chỉ thi công đối với công trình vi phạm trên và ngày 1-4, xã ra quyết định cưỡng chế, ra thông báo và lên kế hoạch tổ chức cưỡng chế phá dỡ. Sau đó, xã đã giao hồ sơ vi phạm cho gia đình, mẹ ông Đoàn đã ký biên bản nhận hồ sơ.
Trong quá trình tiến hành cưỡng chế, ngày 11-4-2013 ông Đoàn có đơn xin tự tháo dỡ, nhưng không thực hiện, ngày 16-4-2013 xã đã có thông báo và lên kế hoạch cưỡng chế. Việc cưỡng chế đã được hoàn tất vào ngày 9-5-2013.
Hậu quả từ việc buông lỏng quản lý
Trong quá trình xác minh vụ việc này, chúng tôi nhận thấy, để xảy ra việc khiếu kiện phức tạp như trên xuất phát từ sự buông lỏng quản lý của chính quyền xã Đông Ngạc trong thời gian dài, dẫn đến vi phạm tràn lan tại khu vực bãi Soi thuộc xóm 5, khu vực sát chân cầu Thăng Long. Từ năm 1972 đến 1974, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định trưng dụng 44,08ha đất tại huyện Từ Liêm để phục vụ dự án xây dựng cầu Thăng Long. Trong đó, đất tại khu vực bãi Soi thuộc xã Đông Ngạc được dùng để xây dựng dãy nhà tập thể của công nhân xây cầu. Sau khi công trình hoàn thành, diện tích đất ở khu vực bãi Soi được bàn giao lại cho UBND xã Đông Ngạc quản lý. Do sự buông lỏng của chính quyền xã, một số hộ dân đã tự ý lấn chiếm, xây dựng nhà cấp 4, trong đó một số hộ đã sinh sống từ trước năm 1993 và tiến hành xây nhà, trồng cây trên diện tích đất này nhưng địa phương chưa có biện pháp xử lý triệt để. Hiện nay, khu vực này vẫn là đất công do xã quản lý, nhưng rất nhiều ngôi nhà khang trang đã mọc lên, hình thành một khu dân cư đông đúc. Theo thống kê của UBND xã Đông Ngạc, tính đến thời điểm này có đến 24 hộ vi phạm, trong đó có hộ ông Đoàn. Theo thông tin từ Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc, hiện xã mới đang trong giai đoạn "rà soát để lên kế hoạch xử lý". Phần diện tích đất đã xử lý vi phạm về TTXD của hộ ông Đoàn vừa qua chỉ là khu vực đã xâm phạm vào chỉ giới di tích lịch sử đình Vẽ.
Trở lại trường hợp nhà ông Đoàn, bà Giang, theo xác nhận của ông Phạm Gia Áng - Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc thời điểm năm 2001, thì "ông Phan Thanh Tấu (bố ông Đoàn) đã được cấp đất làm nhà tại xóm 5, xã Đông Ngạc từ năm 1991, sinh sống ổn định đến nay. Bản thân ông Tấu còn được nhân dân bầu làm cán bộ xóm 5, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét để ông Tấu và vợ con được nhập khẩu ở quê hương xã Đông Ngạc…".
Tuy nhiên ngày 14-5-2013, trong biên bản làm việc với ông Nguyễn Văn Chiến - đương kim Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc, ông Áng lại khẳng định, ông Tấu là người gốc Đông Ngạc, đi làm ăn nơi khác quay về xã không có nơi ăn, chốn ở, không có hộ khẩu nên đã tạo điều kiện cho ở tạm một gian nhà cũ của tập thể cầu Thăng Long trên bãi đất Soi. Chính quyền địa phương khi đó đã tạo điều kiện xác nhận cho gia đình ông Tấu chỉ nhằm mục đích nhập hộ khẩu. Trong cuộc làm việc với phóng viên Báo Hànộimới, ông Chiến cũng khẳng định gia đình ông Tấu và một hộ dân khác là ông Lưu đã đến ở khu vực bãi Soi lâu nhất, từ năm 1990-1991. Các hộ còn lại đang trong quá trình kiểm tra, rà soát. Đến thời điểm này chính quyền xã chưa xác nhận để cấp "sổ đỏ" cho bất kỳ hộ nào trong khu vực này.
Khi được hỏi, tại sao được thành phố giao quản lý đất đai khu vực bãi Soi trong một thời gian dài, nhưng chính quyền xã lại không phát hiện ra vi phạm, nhất là từ khi nhậm chức Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc từ tháng 5-2004 đến nay, giai đoạn người dân đã sửa chữa nhà cũ, xây dựng lại kiên cố hơn mà chính quyền xã vẫn làm ngơ, đến tận tháng 5-2013 mới kiên quyết xử lý hai bức tường rào của hộ ông Đoàn? Chủ tịch Nguyễn Văn Chiến nói: Chúng tôi có khuyết điểm trong việc để người dân xây dựng nhà cửa như hiện nay. Hiện toàn bộ khu vực này vẫn là đất công do xã quản lý, chúng tôi đang kiểm tra, rà soát để thực hiện theo đúng quyết định của thành phố.
Văn bản của thành phố mà Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc nhắc đến ở trên chính là Quyết định số 1444/QĐ-UBND ngày 23-3-2011 của UBND TP, giao UBND huyện Từ Liêm chỉ đạo xử lý triệt để những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất và TTXD tại khu vực bãi Soi; chỉ đạo UBND xã Đông Ngạc quản lý khu đất này trong quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của địa phương, lập phương án sử dụng theo quy định của Luật Đất đai… Quyết định của thành phố đã có hơn hai năm qua mà đến nay không hiểu vì lý do gì, chính quyền xã Đông Ngạc mới đang tiến hành khâu "kiểm tra, rà soát vi phạm"?